Trao đổi thông tin, dữ liệu nghiệp vụ CQĐT theo mô hình “bàn làm việc điện tử” giữa các cơ quan
Kiến trúc Chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh Thừa Thiên Huế phiên bản 2.0 bao gồm 07 thành phần chính, trong đó thành phần Người sử dụng là các tác nhân tham gia sử dụng dịch vụ Chính phủ điện tử, bao gồm công dân, tổ chức, doanh nghiệp, công chức, du khách thông qua các hệ thống kênh truy cập giao tiếp là web/cổng qua Internet, trang thiết bị di động, kiosk, giao thức email/SMS, phone/fax... để thực hiện các dịch vụ, nghiệp vụ CQĐT liên quan. Người sử dụng sẽ thông qua các Kênh truy cập để truy cập thông tin, dịch vụ mà cơ quan nhà nước cung cấp qua hệ thống CQĐT. Các kênh truy cập chính bao gồm: Cổng dịch vụ công/Cổng thông tin điện tử tỉnh/các trang thông tin điện tử, thư điện tử (email), điện thoại (cố định hoặc di động), máy fax, kiosk hoặc có thể đến trực tiếp các Trung tâm hành chính công/trụ sở làm việc của các cơ quan/đơn vị,...
Một thành phần cơ bản và đóng vai trò quan trọng trong Kiến trúc CQĐT tỉnh Thừa Thiên Huế phiên bản 2.0 là hệ thống hạ tầng kỹ thuật – công nghệ, các lớp ứng dụng và cơ sở dữ liệu, và dịch vụ tích hợp - nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông cấp tỉnh (LGSP), đây là hạ tầng cơ bản để thông tin nghiệp vụ có thể được trao đổi theo chiều ngang và theo chiều dọc giữa CQNN các cấp trong toàn tỉnh.
Mô hình an toàn thông tin là một thành phần quan trọng trong tổng thể kiến trúc CQĐT tỉnh Thừa Thiên Huế phiên bản 2.0 nhằm bảo vệ thông tin và hệ thống thông tin tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin, đồng thời hướng đến một mô hình hệ thống giám sát an toàn thông tin tập trung của Tỉnh giúp chủ động trong công tác giám sát và cảnh báo các vấn đề về an toàn thông tin đảm báo phát hiện sớm tấn công các điểm yếu, lỗ hổng bảo mật đang tồn tại trên hệ thống.
Để triển khai kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế phiên bản 2.0, UBND tỉnh đã giao nhiệm cho Ban Chỉ đạo Chính quyền điện tử do Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển CQĐT, Sở TT&TT làm nhiệm vụ thường trực Tổ công tác, cùng với Văn phòng UBND tỉnh là những hạt nhân quan trọng triển khai CQĐT, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và không làm thay nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương. UBND tỉnh cũng yêu cầu các thành phần trong Kiến trúc CQĐT cấp tỉnh cần được xác định rõ theo định hướng phát triển dài hạn, nhu cầu thực tế từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cùng với các chương trình phát triển và ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT, hình thành đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế. Căn cứ hiện trạng ứng dụng CNTT của tỉnh, các thành phần Kiến trúc CQĐT của các tỉnh sẽ được hiện thực hóa bằng các nhiệm vụ, dự án triển khai và theo lộ trình phù hợp; trong đó, lưu ý nguồn lực và ưu tiên triển khai các thành phần hệ thống có tính chất nền tảng trước, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả./.