Sandbox mở ra cơ hội cho các dịch vụ mới, ngành nghề mới
Cơ chế Sandbox là khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Đây được xem là môi trường để các công ty công nghệ triển khai thử nghiệm có giới hạn việc ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Sau đó, cơ quan quản lý sẽ xem để từ chối hoặc chấp nhận, thừa nhận cũng như có quy định pháp lý chính thức.
Việc dùng luật để xác lập các quy tắc pháp lý xử lý các vấn đề mới phát sinh từ việc ứng dụng các công nghệ mới trong cuộc CMCN 4.0 là một thách thức. Những ứng dụng này có thể đưa tới những tác động lan tỏa nhanh và mạnh mà hệ thống quản lý hiện hành có thể không theo kịp. Hiện có nhiều lĩnh vực kinh doanh truyền thống phải đưa công nghệ vào để thay đổi phương thức kinh doanh hiệu quả hơn. Nếu áp dụng quản lý thông thường với những mô hình này thì không quản lý được bởi chính sách thường chậm hơn thực tiễn. Bởi vậy Sandbox là cách lập pháp, lập quy khôn ngoan.
“Chúng ta không thể đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước đưa ra chính sách cho tương lai vì thực sự đây là vấn đề khó. Thế nhưng, nhiều nước đưa ra chính sách Sandbox để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển những mô hình mới, nhưng giới hạn khu vực triển khai. Đây chính là doanh nghiệp được triển khai cái gì mà nhà nước không cấm. Sandbox (khung chính sách riêng) là chính sách đúng theo tư tưởng doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Để xây dựng chính phủ kiến tạo cần phải bỏ tư tưởng cái gì nhà nước cho làm mới được làm”, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC bình luận.
Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký VAFI: “Trong giao dịch điện tử, có rất nhiều thay đổi nhanh chóng, nhiều loại dịch vụ hiện tại đã có trên thị trường song chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nào. Vì thế, chúng tôi cho rằng cơ chế Sandbox rất phù hợp để khuyến khích những dịch vụ mới ra đời, phát triển thị trường hơn theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp mới làm những gì mà pháp luật không cấm”.
Chủ tịch kiêm CEO Công ty Got It Trần Việt Hùng: Nếu cơ chế Sandbox được thực hiện để hỗ trợ các doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, sẽ giúp rất nhiều cho sự phát triển các startup công nghệ của Việt Nam.
Mobile Money: Phép thử của Sandbox
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) trong vòng 2 năm. Đây là dịch vụ thuộc nhóm đầu tiên mà Chính phủ áp dụng cơ chế Sandbox với sự kết hợp quản lý của nhiều bộ ngành.
Cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Các doanh nghiệp chỉ được cung ứng các dịch vụ Mobile Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định hiện hành để phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân. Dịch vụ Mobile Money chỉ áp dụng với các giao dịch nội địa. Hạn mức giao dịch tối đa 10 triệu đồng/tháng.
Thí điểm Mobile Money là nỗ lực rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ ngành liên quan, đặc biệt là vai trò của Bộ TT&TT. Đây cũng là Sandbox được áp dụng cho một lĩnh vực dịch vụ mới, khó và nhạy cảm, nhưng cũng là hình mẫu để có thể áp dụng cho nhiều dịch vụ mới sẽ được Chính phủ cho phép thí điểm sau này.
Việt Nam không phải các nước thuộc nhóm đầu chấp nhận một nền tảng mới do công nghệ tạo ra. Tuy nhiên, việc đi sau có thuận lợi lớn nhất là có thể học hỏi từ những người đi trước.
Muốn một dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Không có phương tiện nào có thể thực hiện việc này tốt hơn là di động, là Mobile Money. Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đã trên 100% từ nhiều năm nay. 99% giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Câu chuyện ở đây là, công nghệ có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của đất nước, nhưng chúng ta phải thay đổi, dám thay đổi, dám chấp nhận các mô hình mới.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Mobile Money là một thí dụ thuyết phục về việc nhà mạng viễn thông có thể trở thành nền tảng của nhiều thứ, chứ không chỉ là hạ tầng viễn thông như hàng trăm năm nay. Chúng ta cũng sẽ kỳ vọng nhiều hơn nữa vào các nhà mạng trong việc tự chuyển mình để trở thành nền tảng của dữ liệu, của Computing, của nội dung số, của xác thực, của dịch vụ IT, của IoT...
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đối với việc triển khai Sandbox để thử nghiệm các công nghệ mới, dịch vụ mới. Do vậy, các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành có thể đề xuất thí điểm các sản phẩm dịch vụ mới thông qua Bộ TT&TT. Bộ có trách nhiệm đại diện các đơn vị đứng ra làm việc với các bộ, ngành có liên quan.
Mobile Money: Hình mẫu để triển khai mô hình Sandbox
Bình luận về việc Chính phủ cho phép thí điểm dịch vụ Mobile Money, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc VNPT Media cho hay, người dân rất khó tiếp cận với phương tiện thanh toán điện tử qua ví điện tử hay tài khoản ngân hàng. Thế nhưng, việc Chính phủ cho phép thí điểm Mobile Money sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế và người dân có thêm công cụ thanh toán điện tử. Đây sẽ là nền tảng để tiến đến công dân số và xã hội số khi mật độ điện thoại di động đã phổ cập đến người dân.
“Bản thân tôi vừa là người thụ hưởng chính sách và tham gia họp nhiều cuộc họp với các bộ liên ngành như: Bộ TT&TT, Công an, Ngân hàng, Tư pháp để góp ý xây dựng cơ chế thí điểm cho Mobile Money. Mobile Money là Sandbox thuộc nhóm đầu tiên liên quan đến nhiều bộ ngành được thí điểm thực hiện để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đây cũng là nỗ lực rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ ngành liên quan, đặc biệt là vai trò của Bộ TT&TT. Đây cũng là Sandbox được áp dụng cho một lĩnh vực dịch vụ mới, khó và nhạy cảm, nhưng cũng là hình mẫu để có thể áp dụng cho nhiều dịch vụ mới sẽ được Chính phủ cho phép thí điểm sau này. Nếu không áp dụng Sandbox mà theo quy trình thông thường thì sẽ rất khó có thể bắt kịp được yêu cầu của cuộc sống và thúc đẩy chuyển đổi số của xã hội", ông Nguyễn Sơn Hải nói.
Ông Phạm Trung Kiên, CEO Viettel Digital cho hay, khi Chính phủ cho phép Mobile Money để thành toán các loại dịch vụ và hàng hóa có mệnh giá nhỏ thì số lượng người dùng được thanh toán điện tử rất lớn vì độ phủ của các nhà mạng rộng hơn các ngân hàng rất nhiều, đến cả vùng sâu, vùng xa, khi người dân chưa có tài khoản ngân hàng. Đây sẽ là điểm bùng phát cho việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Nghĩa là qua một đêm thì bất cứ ai, bất cứ người dân nào đất nước Việt Nam này cũng có thể sẵn sàng sử dụng điện thoại để chi tiêu thanh toán không dùng tiền mặt.
Nói một cách ngắn gọn, như ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng giám đốc MobiFone nhìn nhận: Mobile Money là cơ hội để nhà mạng xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi số. Đây chính là cuộc cách mạng lớn để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.