Mobifone là một thương hiệu lớn ở Việt Nam, Mobifone tức là điện thoại di động, như Honda là xe máy. Người Mobifone cũng đã từng tự hào về thương hiệu của mình, tự hào là thương hiệu số 1, là đẳng cấp cao trong làng di động. Mobifone cũng là công ty viễn thông có quản lý hiện đại, chuyên nghiệp và cũng là công ty có hiệu quả cao nhất trong ngành, có bộ máy tinh gọn nhất.
Mobifone tiên phong, đi đầu về nhiều dịch vụ mới của thông tin di động.
Mobifone đã đóng góp tích cực vào việc phổ cập chiếc điện thoại di động cho mọi người dân Việt Nam. Biến chiếc điện thoại di động thành công cụ đa năng trong đời sống người dân Việt Nam.
Xin chúc mừng Mobifone tròn 30 tuổi! Cảm ơn Mobifone đã có nhiều đóng góp cho đất nước, đã góp phần đổi thay đất nước!
Nhưng, công ty thành công nào rồi cũng có trục trặc lớn. Trục trặc lớn hoặc sẽ tạo ra sự phát triển mới hoặc sẽ chôn vùi một tên tuổi lớn. Mobifone vừa đi qua trục trặc lớn thứ nhất là vụ án AVG thì tiếp ngay sau đó là trục trặc lớn thứ hai. Trục trặc lớn thứ hai này là của tất cả các doanh nghiệp viễn thông lớn. Đó là, bế tắc về tăng trưởng, về không gian phát triển mới của viễn thông. Các doanh nghiệp viễn thông lớn đang tăng trưởng thấp hơn tăng trưởng GDP của cả nước. Tức là đang thụt lùi.
Hai trục trặc lớn xảy đến với Mobifone. Trục trặc thứ nhất là đánh vào tổ chức bên trong. Trục trặc thứ hai đến từ thách thức bên ngoài, là thách thức của ngành. Vượt qua hai thách thức này thì Mobifone sẽ vừa đổi mới cả từ bên trong và từ bên ngoài. Mobifone hãy coi hai trục trặc lớn này là hai cú huých quan trọng để đổi mới, để tái tạo lại mình.
Mobifone muốn đổi mới, muốn cải cách, muốn đi xa thì phải nhớ lấy và giữ lấy sứ mệnh ban đầu, những giá trị cốt lõi ban đầu và truyền thống, văn hoá mà nhiều thế hệ người Mobifone đã dựng xây lên.
Muốn ứng vạn biến thì phải dĩ bất biến. Giữ cái bất biến chính là giữ lấy bản sắc của mình. Bản sắc là cái để giữ gìn chứ không phải là cái để thay đổi. Cánh diều muốn bay cao thì phải có sợi dây giữ nó với gốc, nếu đứt sợi dây này thì cánh diều sẽ bị gió cuốn đi và rơi xuống.
Hãy kế thừa quá khứ và mở ra tương lai của 10 năm tới, kể được câu chuyện của thế hệ mình, viết lên trang sử của thế hệ mình. Và đây là trách nhiệm của lãnh đạo và người Mobifone hôm nay.
Sứ mệnh ban đầu của Mobifone là mang đến cho người Việt Nam những dịch vụ đẳng cấp quốc tế. Bởi vì người Việt Nam xứng đáng được hưởng như vậy.
Giá trị cốt lõi ban đầu của Mobifone là Tâm huyết - Sáng tạo - Chuyên nghiệp - Hiệu quả. Tâm huyết và Sáng tạo là tinh thần của khởi nghiệp. Doanh nghiệp sẽ trẻ mãi không già nếu luôn duy trì được tinh thần khởi nghiệp. Chuyên nghiệp và Hiệu quả là sự phát triển bền vững. Những giá trị này mạnh đến mức mà những người ở bên ngoài Mobifone cũng nhận ra, mặc dù chưa bao giờ Mobifone tuyên bố như vậy.
Cái gì mà đã toả sáng ra bên ngoài một cách tự nhiên, mình thì không nhận thấy nhưng người ngoài lại nhận thấy, tức là những cái đó đã nằm trong máu của mình, đã thành gen của mình rồi.
Hôm nay, Bộ TT&TT tặng Mobifone Trướng lưu niệm với 8 chữ: TÂM HUYẾT - SÁNG TẠO - CHUYÊN NGHIỆP - HIỆU QUẢ. Những tinh tuý đó là đủ để Mobifone đi một chặng đường rất dài. Giúp cho Mobifone có bản sắc để cạnh tranh, để trở lên xuất sắc.
Ba doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Việt Nam là Viettel, VNPT và Mobifone. Ban lãnh đạo của cả ba doanh nghiệp này đến nay đã được kiện toàn, cơ bản đều còn xung quanh 10 năm nữa để viết lên một trang mới trong lịch sử phát triển của doanh nghiệp mình. Kế thừa quá khứ và mở ra tương lai luôn là trách nhiệm của ban lãnh đạo mới. Mở ra tương lai mới, mở ra không gian mới, đi con đường của mình, vượt qua những khó khăn, thách thức của thời đại mình và tạo lên thành công của thế hệ mình.
Với một doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ số, thì 10 năm là đủ dài để viết lên một trang mới, tạo ra một sự thay đổi lớn về chiến lược. Đất nước đang chờ đợi để VNPT, Mobifone và Viettel xây lên một hạ tầng số Việt Nam hiện đại: Băng thông rộng, phổ cập, bền vững, xanh và an toàn.
Viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số (CNS) thì thường cứ 10 năm là một lần thay đổi lớn. Thế giới thì, 1990-2000 là điện thoại di động, 2000-2010 là CNTT, 2010-2020 là CNS. Cơ bản, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã không theo kịp sự thay đổi này. Lý do của sự không theo kịp này chủ yếu là do chúng ta đang giầu có, tức là đang ổn. Ai đấy nói, thời khó khăn thì sinh ra thành công, thành công rồi thì sinh ra sự thoải mái, sự thoải mái thì lại sinh ra thời khó khăn. Đó là một vòng lặp. Bây giờ đang là thời khó khăn, với Mobifone thì khó khăn là gấp đôi, và vì vậy mà khả năng sinh ra thành công, sinh ra người tài, sinh ra một thế hệ lãnh đạo mới tài năng sẽ là gấp đôi.
Nếu muốn chủ động thay đổi để luôn đứng ở tuyến đầu thì người Mobifone hãy nhớ lấy con số 10 năm một lần thay đổi. Đừng để đến 20, 30 năm mới thay đổi!
Ngành viễn thông đang bước vào công cuộc đổi mới lần hai. Lần một là chuyển đổi từ công nghệ analog sang số. Lần hai là chuyển từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng của nền kinh tế số. Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng phổ cập, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và nền tảng số. Hạ tầng số phải đi trước, phải được đầu tư trước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, để biến Việt Nam thành một quốc gia số. Mobifone phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ để vẫn là Top ba doanh nghiệp quan trọng nhất về hạ tầng số của Việt Nam. Hãy nhớ nghề chính của Mobifone là nghề hạ tầng. Nhưng thách thức lớn đối với Mobifone là trong số 4 hạ tầng số được nhắc đến ở trên thì chỉ có hạ tầng viễn thông là quen thuộc với Mobifone. 3 hạ tầng còn lại thì không chỉ là đầu tư mà còn là phát triển công nghệ.
Sự chuyển đổi quan trọng nhất của một doanh nghiệp viễn thông trong thời đại ngày nay là biến mình thành một công ty công nghệ số. Một công ty viễn thông truyền thống là công ty mua thiết bị công nghệ cao về lắp đặt thành mạng lưới rồi kinh doanh dịch vụ. Đó không phải một công ty công nghệ. Một công ty công nghệ thì ít nhất cũng phải 30% nguồn lực là dành cho nghiên cứu, phát triển công nghệ, và doanh thu chủ yếu của công ty là đến từ các kết quả nghiên cứu và phát triển đó. Mobifone đã chậm chân trong quá trình chuyển đổi này. Bây giờ là lúc tận dụng cơ hội của người đi sau để đi nhanh hơn và trúng hơn.
Doanh nghiệp thì kinh doanh phải có lợi nhuận để tồn tại và phát triển. Nhưng sau lợi nhuận sẽ là gì? Không lẽ lại tiếp tục là lợi nhuận? Sau lợi nhuận phải là sứ mệnh giải quyết một bài toán, một nỗi đau của đất nước, của nhân loại, để đất nước cường thịnh, để nhân loại hạnh phúc hơn. Cũng vì giải bài toán lớn, nỗi đau lớn mà doanh thu, lợi nhuận cũng sẽ lớn hơn. Bởi vậy mà, các doanh nghiệp xuất sắc, các doanh nghiệp lớn thường nhận lấy một sứ mệnh quốc gia làm thành sứ mệnh của mình để dẫn dắt doanh nghiệp đi xa hơn nữa, gắn mình với quốc gia hơn nữa. Quốc gia, dân tộc thì trường tồn. Doanh nghiệp mà gắn mình với nó thì cũng vì vậy mà trường tồn. Mobifone muốn đi tiếp chặng đường 10 năm tới và dài hơn nữa thì hãy xác định sứ mệnh quốc gia của mình là gì.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã thành danh thì hãy thượng tôn pháp luật, hãy nhận lấy sứ mệnh giúp Việt Nam hoá rồng, hoá hổ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ này, hãy gắn sứ mệnh của mình với với sứ mệnh quốc gia, hãy gắn vận mệnh của mình với vận mệnh quốc gia. Gìn giữ non sông, làm dạng danh non sông là sứ mệnh mới của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Mobifone phải là một trong số đó.
Mọi sự trỗi dậy đều bắt đầu từ nhìn thấy ngôi sao dẫn lối. Nhưng hãy bắt đầu từ việc nhỏ hàng ngày. Lãnh đạo Bộ TT&TT tin vào tương lai tươi sáng, tin vào một Mobifone mới đang được sinh ra như cách đây 30 năm, tin vào tinh thần ngày đầu Tâm huyết-Sáng tạo-Chuyên nghiệp-Hiệu quả sẽ lại được tái hiện. Chúng tôi tin tinh thần này sẽ tái hiện bởi vì nó đã nằm trong gen của Mobifone, chỉ cần những người lãnh đạo biết cách khơi dậy.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông