Như vậy, MobiFone đã trở thành nhà mạng di động đầu tiên được phép triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money trên phạm vi toàn quốc, thời gian thí điểm đến ngày 18/11/2023.
Với các ưu điểm nêu trên, lợi ích của dịch vụ Mobile Money với người dân, xã hội là rất lớn. Dịch vụ Mobile Money sẽ góp phần đưa dịch vụ thanh toán điện tử có thể tiếp cận đến 100% người dân, đặc biệt với những người ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều mà các dịch vụ ngân hàng truyền thống, ví điện tử chưa làm được. Mobile Money sẽ thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng định hướng của chính phủ, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện mọi mặt của xã hội.
Đại diện MobiFone cho biết: “Dịch vụ Mobile Money triển khai trên nền tảng công nghệ cao, có phạm vi áp dụng trên toàn quốc, sẽ có số lượng người dùng lớn, yêu cầu cao về an ninh, an toàn bảo mật dịch vụ và dữ liệu người dùng. Khác với ví điện tử, Mobile Money không cần có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ và cũng không phải liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng. Do đó, việc xác thực thông tin thuê bao, định danh khách hàng là yếu tố bắt buộc tiên quyết. MobiFone đã tích cực chuẩn hóa thông tin thuê bao, rà soát và chuẩn hóa thông tin người dùng trong thời gian vừa qua. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư bài bản về hệ thống kỹ thuật, hạ tầng, nhân sự…chúng tôi sẽ nỗ lực để đem lại chất lượng dịch vụ tốt nhất, với sự bảo mật cao nhất và tiện ích nhiều nhất cho người dùng”
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money. Quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile - Money có hiệu lực từ ngày ký (9/3/2021).
Thủ tướng đồng ý cho các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc các công ty con (được công ty mẹ cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông) được phép tham gia thí điểm.
Các doanh nghiệp này được cung cấp dịch vụ đến các khách hàng có Chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định. Các số thuê bao di động có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile – Money. Quyết định nêu rõ: “Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile – Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện”.
Theo quy định, thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile – Money là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ này. Doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile – Money được sử dụng để nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile – Money tại các điểm kinh doanh, nạp tiền vào tài khoản Mobile – Money từ tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoạt ví điện tử của khách hàng. Chính phủ cũng quy định hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile – Money cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Chia sẻ về Mobile Money, đại diện VNPT cho hay, là một trong những doanh nghiệp viễn thông lớn mong muốn được sớm triển khai dịch vụ, VNPT cũng mong muốn có thể hợp tác với các công ty thương mại điện tử, giao vận, tài chính... xây dựng nên một hệ sinh thái Mobile Money. Với Mobile Money, có thể triển khai được rất nhiều việc từ giải ngân các khoản vay, tài trợ cho người dân cho đến tất cả các thanh toán các dịch vụ thiết yếu, hành chính công, giáo dục, vận chuyển... Đề án Mobile Money đã được Tập đoàn VNPT trình Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng nhà nước với mong muốn được phê duyệt sớm để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất.
Bình luận về vấn đề này, ông Phạm Trung Kiên, CEO Viettel Digital cho hay, nếu Chính phủ cho phép sử dụng Mobile Money để thành toán các loại dịch vụ và hàng hóa có mệnh giá nhỏ thì số lượng người dùng được thanh toán điện tử rất lớn vì độ phủ của các nhà mạng rộng hơn các ngân hàng rất nhiều, đến cả vùng sâu, vùng xa mà khi người dân chưa có tài khoản ngân hàng.
Cũng theo ông Kiên, một số nghiên cứu đánh giá cho rằng Việt Nam mới chỉ có khoảng 30% dân ở độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng và 70% còn lại khi cđã tạo được một thói quen sử dụng thanh toán điện tử thì 70% số này sẽ là khách hàng của các ngân hàng. Như vậy, Mobile Money không những cạnh tranh mà còn thúc đẩy khách hàng sử dụng tài khoản ngân hàng khi họ làm quen với phương thức thanh toán điện tử.