Tuy nhiên, làm thế nào để kinh doanh nông sản online hiệu quả, chuyên nghiệp, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ từ khâu nuôi trồng, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh phương thức tiêu thụ hàng hóa truyền thống, giờ đây, người dân thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh còn đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản qua sàn TMĐT Đông Triều Mart tại địa chỉ https://dongtrieumart.vn. Thị xã Đông Triều là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xây dựng sàn TMĐT, với các tính năng cơ bản và tương tự như những sàn TMĐT lớn (Sendo, Lazada, Tiki, Voso, Cuccu...) đã giúp việc tiêu thụ nông sản của người dân được thuận tiện hơn.
Thực tế cho thấy, với lợi thế tốc độ nhanh, phạm vi tiếp cận rộng, chi phí thấp hơn so với thương mại truyền thống, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trên kênh TMĐT đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu, ngày càng được nhiều doanh nghiệp và người dân biết đến. Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, kéo theo tình trạng đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, thị trường đòi hỏi cần có sự thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Từ đó, hình thức mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến ngay với sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến... “Việc phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh TMĐT được xem là một trong những giải pháp mới và hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông, đặc sản của địa phương”, ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh.
Chia sẻ những kinh nghiệm cũng như lợi ích, hiệu quả khi phân phối hàng hóa trên các sàn TMĐT, bà Cao Hồng Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Newstar chia sẻ, thông qua các sàn TMĐT, các sản phẩm của Newstar như nước mắm Sá Sùng, muối tôm Sá Sùng... đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong nước và bước đầu có khách hàng quốc tế quan tâm, tìm hiểu. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, chinh phục khách hàng online, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã chủ động hoàn thiện bao bì, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hình ảnh... Ông Lê Đức Anh, đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu Quy Hoa phấn khởi cho biết, từ khi tham gia bán hàng trên các sàn TMĐT, chất lượng, bao bì sản phẩm trà hoa vàng ngày càng được hoàn thiện, bao bì sản phẩm được làm hoàn toàn từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, sản phẩm trà hoa vàng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đã “ngỏ lời” hợp tác.
Với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp địa phương và phân phối sản phẩm trên sàn TMĐT, ông Đỗ Quang Hải, đại diện từ sàn TMĐT Voso.vn, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) chia sẻ, Voso.vn luôn hướng đến tiên phong trong việc kết nối tiêu thụ nông sản, kết nối giao thương giữa thành thị và nông thôn, nâng cao giá trị đặc sản. Trong đó đặc biệt chú trọng phối hợp cùng các hộ sản xuất nông nghiệp, các tỉnh, thành phố đưa toàn bộ sản phẩm đạt chuẩn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” lên sàn TMĐT. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu người dùng, tối ưu thời gian giao hàng nhanh chóng, Voso.vn đã ứng dụng giải pháp công nghệ, logistics để mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm tốt nhất. “Với lợi thế bảo trợ bởi Viettel Post, cùng mạng lưới chuyển phát rộng khắp: Hơn 1.300 bưu cục và 6.000 điểm giao dịch, Voso.vn tự hào là sàn TMĐT mang đến dịch vụ an toàn và uy tín cho khách hàng cả nước, kết nối tới 60 triệu người dùng", ông Đỗ Quang Hải nhấn mạnh.
Việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh TMĐT có ý nghĩa quan trọng giúp đẩy nhanh tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, một trong những thách thức hiện nay là khả năng áp dụng công nghệ thông tin của người nông dân còn hạn chế. Vì vậy, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp cần được huấn luyện, đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm. Các cơ quan chức năng cần có những chính sách khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Để thúc đẩy TMĐT phát triển, các đơn vị của Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các sàn TMĐT đào tạo, tập huấn cho nông dân, chủ trang trại kỹ năng quảng bá sản phẩm, bán hàng livestream; hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện để nông dân hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó tổ chức sản xuất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.