Đưa tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, như: Sản xuất rau an toàn diện tích 545ha; 1.159ha nuôi trồng thủy sản; sản xuất lúa hàng hóa rộng 1.745ha... Huyện cũng đã xây dựng và phát triển được 14 mô hình liên kết chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi và giết mổ; 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
Thực hiện Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 25-2-2022 của UBND thành phố về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, thành phố đã phân vùng phát triển nông nghiệp, nông thôn dựa trên đặc điểm địa hình, tiểu vùng sinh thái khác nhau: Vùng đồi gò, vùng đồng bằng và vùng đất bãi ven sông. Theo đó, đến nay, Hà Nội đã chuyển đổi được hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Đây là điều kiện thuận lợi cho Hà Nội đẩy mạnh phát triển tại các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, gồm: 35 vùng trồng lúa, 104 vùng trồng rau, 56 vùng cây ăn quả, 6 vùng chè, 66 vùng nuôi trồng thủy sản; 48 khu chăn nuôi tập trung với 3.800 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, việc hình thành vùng nông nghiệp hàng hóa đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đưa tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường. Qua đó, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, bảo đảm hiệu quả, bền vững.
Xây dựng mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất
Thực tế, việc phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung vẫn gặp một số khó khăn, như: Một số địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất còn lỏng lẻo, đầu tư cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, huyện đang trong quá trình phát triển thành quận, nên diện tích đất nông nghiệp giảm dần; số lượng lao động trong nông nghiệp có xu hướng dịch chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp.
Để nông nghiệp phát triển theo hướng đô thị, sinh thái, huyện quy hoạch 4 vùng sản xuất nông nghiệp có lợi thế, gồm: Vùng trồng cây ăn quả; vùng trồng rau an toàn; vùng trồng lúa chất lượng cao; vùng nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra sản phẩm tốt, phù hợp nhu cầu thị trường.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu để thành phố có những chính sách, giải pháp xây dựng các mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất, tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp; xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực. Cùng với đó, thành phố sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng ở các vùng chuyển đổi, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm; khai thác có hiệu quả diện tích đất bãi sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống để tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng trang trại gắn với du lịch sinh thái; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các khâu sản xuất, quản lý và phân phối sản phẩm nông nghiệp.
Để quy hoạch vùng nông nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan cho rằng, quy hoạch vùng nông nghiệp của Hà Nội cần tuân thủ tiêu chí phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái kết hợp với phát triển du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường, gìn giữ các vành đai xanh. Đồng thời, Hà Nội cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm, gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến và chuyển đổi số, coi đây là một trong những động lực và giải pháp có tính chất quyết định sự thành công của việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; chuyển từ nền nông nghiệp có sản lượng cao sang nền nông nghiệp hiệu quả, giá trị cao.