Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ: Biện pháp hữu hiệu, căn cơ để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Thứ ba, 30/11/2021 14:50

Công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ cho trẻ em trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cần tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em giúp trẻ tránh mắc bệnh và lan truyền vi rút, đặc biệt là đối với trẻ mắc bệnh nền (béo phì, hen, đái tháo đường…); giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội. Đồng thời, tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em trong lứa tuổi này góp phần tăng diện bao phủ vắc xin phòng Covid-19 trong cộng đồng – biện pháp hữu hiệu, căn cơ để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

20211130-m05.jpg

Tính đến ngày 28/11/2021, trên toàn quốc đã có 34/63 tỉnh/thành phố triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi

Hầu hết các nước trên thế giới đã có chỉ định tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em. Tại Mỹ, chỉ sử dụng vắc xin Pfizer tiêm chủng cho trẻ em từ 5-17 tuổi. Tại Châu Âu, các loại vắc xin được chỉ định tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi là Pfizer, Moderna. Tại Trung Quốc, trẻ 3-17 tuổi được chỉ định tiêm bằng vắc xin Sinovac, vắc xin này cũng được Indonexia chỉ định cho trẻ em. UEA chỉ định vắc xin Sinopharm cho trẻ em.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cấp phép cho vắc xin Comirnaty (Công ty Pfizer sản xuất) và chỉ định tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi dựa theo khuyến cáo của WHO và nhà sản xuất. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cho thấy tính an toàn và hiệu quả của vắc xin Pfizer với trẻ 12-17 tuổi.

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi ở Việt Nam thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước nhóm 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương. Việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ mắc Covid-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao. Song song với tổ chức Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 và bao phủ vắc xin cho nhóm người từ 50 tuổi trở lên để bảo vệ họ trước nguy cơ mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh, theo chỉ đạo tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi theo hình thức chiến dịch, tại các cơ sở tiêm chủng cố định, địa điểm lưu động và trường học. Với trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp và triển khai tiêm trước cho nhóm tuổi học sinh Phổ thông trung học, lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh Trung học cơ sở từ lớp 9, 8, 7. Với những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho các em.

Vắc xin sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi là vắc xin Comirnaty (Pfizer), sử dụng tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày). Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, rất cần sự phối hợp của các thầy cô giáo, cha mẹ. Cha mẹ, người giám hộ cần ký Phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng và phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng.

Yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng vắc xin phòng Covi-19 cho trẻ em là đảm bảo an toàn tiêm chủng. Các cán bộ y tế được hướng dẫn Khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em theo quy định của Bộ Y tế. Các tiêu chuẩn khám sàng lọc được xây dựng cô đọng, cập nhật các tiêu chuẩn tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em của quốc tế, với yêu cầu đảm bảo an toàn là hàng đầu, trên cơ sở mở rộng chỉ định tiêm chủng tối đa, tạo cơ hội thuận tiện nhất cho mọi trẻ em Việt Nam đều được tiếp cận với vắc xin phòng Covid-19. Điểm nổi bật trong việc khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em là huy động sự song hành của hệ thống bệnh viện và hệ thống dự phòng, đảm bảo mỗi trẻ em tiêm vắc xin được quản lý, theo dõi trong điều kiện an toàn nhất. Những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện được tình trạng sức khỏe bất thường khi đến tiêm tại các điểm tiêm ở cộng đồng sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm chủng tại bệnh viện.

Các khuyến cáo về các phản ứng sau tiêm chủng rất cần được quan tâm trong quá trình tiêm chủng; các tình huống có thể xảy ra sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở trẻ em theo các mức độ khác nhau; cách xử trí, theo dõi, điều trị phù hợp nhằm đảm bảo an toàn nhất cho trẻ em sau tiêm mà không ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin. Các biến chứng tim mạch ở trẻ em sau tiêm một số loại vắc xin phòng Covid-19 được phân tích kỹ lưỡng để các cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng trên toàn quốc hiểu rõ, theo dõi, phát hiện được các biến chứng (nếu có), áp dụng cac biện pháp xử trí theo từng cấp độ, giúp bảo đảm an toàn cho trẻ sau tiêm. Các bệnh viện trên toàn quốc sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện trong hệ thống cũng như các điểm tiêm chủng ở cộng đồng, góp phần đảm bảo an toàn chung cho cả chiến dịch.

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. Dự kiến, Chiến dịch sẽ tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này với dự kiến số liều vắc xin sử dụng khoảng 18 triệu liều.

Tính đến ngày 28/11/2021, trên toàn quốc đã có 34/63 tỉnh/thành phố triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, với 3.512.874 mũi tiêm đã được thực hiện, trong đó mũi 1 là 2.828.743 liều (tỷ lệ tiêm mũi 1 ước tính là 31,1%) và mũi 2 là 684.131 liều (tỷ lệ tiêm mũi 2 ước tính là 7,5%). Một số tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 đạt trên 60% tổng số đối tượng 12-17 tuổi, như: Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, ghi nhận có 10.573 (chiếm 0,3%) trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là phản ứng tại chỗ, đau tại chỗ tiêm. Có 03 trường hợp tai biến nặng sau tiêm đã ghi nhận tại Hà Nội, Bắc Giang, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng xác định nguyên nhân tử vong của 02 trường hợp này liên quan đến phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến vắc xin và thực hành tiêm chủng.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai tiêm vắc xin Pfizer cho người từ 18 tuổi trở lên, với tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 17.214.268 mũi tiêm, trong đó mũi 1 là 8.960.664 liều và mũi 2 là 8.253.604 liều. Theo báo cáo của các tỉnh/ thành phố, các phản ứng thông thường sau tiêm chủng được ghi nhận tương tự như khuyến cáo của nhà sản xuất, có 60 trường hợp tai biến nặng sau tiêm được báo cáo (tỷ lệ 3,4/1 triệu vắc xin liều sử dụng), hầu hết là phản ứng phản vệ độ II.

Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia kêu gọi và mong muốn nhận được sự ủng hộ, tin tưởng và chủ động tham gia của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ, phối hợp cùng ngành y tế, nhà trường để con em mình có cơ hội được tiêm vắc xin phòng Covid-19 an toàn, đủ liều. Mỗi trẻ em từ 12-17 tuổi được tiêm vắc xin phòng Covid-19 an toàn, đủ liều sẽ góp phần tạo miễn dịch cộng đồng vững mạnh, cùng với cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện bình thường mới./.

Doãn Mạnh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top