Trang trại bạc tỷ trên đỉnh núi

Thứ năm, 05/10/2017 14:57

Mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi theo quy mô trang trại, anh Chu Quang Phúc ở thôn Nà Cọ, xã Đông Viên (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) đã trở thành một trong những người đầu tiên ở Chợ Đồn theo đuổi mô hình chăn nuôi lợn rừng. Sau nhiều năm gây dựng, trang trại trên đỉnh núi Mu Muộn của anh đã trở thành cơ ngơi bạc tỷ mà nhiều người mơ ước.

 

“Ba chìm bảy nổi” mới thành công

Theo chân cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chợ Đồn, chúng tôi vượt hơn 1km đường rừng núi để đến trang trại của anh Chu Quang Phúc. Con đường dốc trơn trượt trước kia, nay đã được anh Phúc tự bỏ tiền đầu tư mở rộng, để xe ô tô có thể đi lại dễ dàng, thuận tiện. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang giữa thênh thang núi rừng Mu Muộn, anh Phúc không ngại chia sẻ về những gian truân của ngày đầu làm kinh tế. Phía sau thành công hôm nay là một câu chuyện khởi nghiệp đầy thử thách của chàng trai trẻ chưa từng có kiến thức về chăn nuôi lợn rừng.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghèo Phú Bình (Thái Nguyên), chàng trai trẻ Chu Quang Phúc đã sớm lăn lộn làm kinh tế, trong đó chủ yếu là buôn bán các mặt hàng nông sản, cung cấp lợn giống cho người chăn nuôi ở một số xã như Đông Viên, Rã Bản, Phương Viên (Chợ Đồn). Trong quá trình đó, với đầu óc của người làm ăn, anh sớm thấy được tiềm năng về đất đai, khí hậu của nơi núi rừng này, nên đã có ý tưởng xây dựng trang trại tại Đông Viên.

20171005-l15.jpg

Từ nguồn vốn vay tín dụng, anh Chu Quang Phúc đã nâng cấp cơ sở chăn nuôi của gia đình thành trại nuôi lợn rừng

với quy mô 400 con và hiện tại có 150 con đến kỳ sinh sản

Nghĩ là làm, anh Phúc đã mạnh dạn huy động nguồn vốn từ gia đình, bạn bè và các tổ chức tín dụng để mua đất đai, bắt tay vào gây dựng trang trại chăn nuôi lợn rừng. Sau khi tham khảo các mô hình chăn nuôi ở Bắc Kạn, Thái Nguyên, anh khăn gói lên đường, tìm tới một trang trại ở tỉnh Quảng Trị, mua được 4 con lợn rừng giống, với hy vọng từ những chú lợn rừng này, sẽ phát triển thành một trang trại chăn nuôi quy mô.

Tuy nhiên, không giống với những gì anh Phúc mong đợi, chỉ ít ngày sau, đàn lợn giống bỏ ăn và chết sạch. Mặc dù xót của, nhưng anh không nản chí, mà tiếp tục đi tìm mua lợn giống, quyết tâm xây dựng bằng được một trang trại như ý. Trải qua ba lần đàn lợn giống bị chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng, anh Phúc mới nắm được lý do và có kinh nghiệm trong chăn nuôi.

Anh Phúc chia sẻ: Hồi ấy tôi cứ nghe người khác giới thiệu là đi mua lợn giống, không có kinh nghiệm về giống thuần hay giống lai, dẫn đến thua lỗ. Tuy nhiên, những thất bại đó trở thành bài học xương máu trong làm kinh tế đối với tôi. Đến bây giờ, khi đã trở thành một địa chỉ cung cấp giống, tôi cũng rất trân trọng những người tìm đến tôi để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tôi luôn luôn cung cấp những con giống chất lượng nhất, thật nhất để cùng nhau phát triển.

Cơ ngơi bạc tỷ giữa núi rừng

Sau ba lần thất bại, anh tiếp tục vay vốn, tái đầu tư vào chăn nuôi lợn rừng. Đặc biệt, năm 2013, anh được vay 400 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chợ Đồn. Nguồn vốn này trở thành nguồn lực tiếp sức cho ý tưởng làm kinh tế của anh. Anh Phúc tự mình nghiên cứu, quy hoạch rõ ràng khu chăn thả, khu nuôi nhốt, sau đó tìm mua đúng giống lợn thuần và đàn lợn bắt đầu sinh sôi phát triển, trang trại nuôi lợn rừng từ từ hình thành trong niềm vui sướng hân hoan của cả gia đình anh Phúc.

Đưa chúng tôi đi tới thăm khu chuồng trại chăn nuôi với số vốn đầu tư hàng tỷ đồng của gia đình, anh Phúc không giấu được niềm vui và tự hào. Sau nhiều năm lăn lộn ở chốn hoang vu, anh Phúc đã xây dựng lên một trang trại với quy mô rộng 12ha, thường xuyên có trên 500 con lợn rừng, lợn ta địa phương, nhím, dúi và hàng trăm con gà ta thả đồi. Hằng năm, trừ chi phí đầu tư anh thu về từ 200 - 300 triệu đồng.

20171005-l16.jpg

Cùng với chăn nuôi lợn rừng, anh đầu tư mua giống lợn hương, với mong muốn mở ra hướng

chăn nuôi lợn đặc sản mới tại địa phương

Đồng thời, trang trại còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương, với mức thu nhập tối thiểu khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều lao động nhờ đó mà thoát nghèo, như hộ anh Vũ Đức Ngạn, Vũ Đức Thành (thôn Nà Cọ, xã Đông Viên)… Cùng với đó, anh Chu Quang Phúc còn nhiệt tình hướng dẫn và truyền kinh nghiệm cho rất nhiều người ở trong và ngoài địa phương đến học hỏi kinh nghiệm. Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, anh không ngại cho vay dưới hình thức cung cấp con giống để xây dựng mô hình chăn nuôi, hướng đến thoát nghèo.

Giờ đây, trang trại của anh Chu Quang Phúc Anh đã đi vào hoạt động ổn định với nhiều mối tiêu thụ hàng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu cho những dự định lâu dài, anh Phúc chia sẻ gia đình vừa đầu tư hơn trăm triệu đồng để mua thêm giống lợn hương và lợn táp ná Cao Bằng. Nếu những giống lợn đặc sản này phát triển tốt, sẽ mở ra thêm hướng chăn nuôi mới, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế hơn nữa... Với những thành quả đạt được, anh Chu Quang Phúc trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, sử dụng hiệu quả vốn vay và khai thác tốt thế mạnh của địa phương./.
 
Phạm Ngân
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top