Xóa đói, giảm nghèo ở vùng biên giới Lạng Sơn

Thứ hai, 02/10/2017 09:10

Là một tỉnh miền núi, Lạng Sơn có năm huyện giáp biên giới, với 21 xã, thị trấn và 90 thôn, bản. Để nâng cao đời sống cho người dân các dân tộc, những năm qua, nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội đã được tỉnh triển khai, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống cư dân biên giới.

Khai thác tiềm năng, lợi thế

Bản Mạ, xã Bắc Xa (huyện Đình Lập) là thôn giáp biên, nơi xa nhất của tỉnh Lạng Sơn. Bản Mạ là nơi bắt nguồn con sông Kỳ Cùng, con sông lớn nhất của tỉnh đi qua năm huyện biên giới rồi đổ vào lưu vực sông Tây Giang (Trung Quốc). Đến Bản Mạ hỏi ai cũng biết ông Kỳ Dùng Phú, vì ông là người đầu tiên đem cây thông về trồng và cũng là người đầu tiên xây được nhà kiên cố hai tầng từ việc bán nhựa, gỗ thông. Trong câu chuyện ông kể về một thời khốn khó thì những năm 2000 trở về trước, đời sống của người dân nơi đây hết sức khó khăn, hơn 95% diện tích đất tự nhiên của xã là đồi núi, cả xã không có điện, không đường. Mỗi lần ra thị trấn huyện, người dân chỉ có thể đi bộ, với cả đoạn đường đi và về hơn 100 km, mọi thứ hàng hóa đều phải cõng trên đôi vai. Để có cuộc sống ổn định, vào những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, cấp ủy, chính quyền từ xã đến huyện đã tích cực vận động người dân nhận đất, nhận rừng trồng cây thông mã vĩ. Nhờ triển khai các dự án trồng rừng bảo vệ rừng đầu nguồn, dự án trồng rừng 661... các hộ gia đình được hỗ trợ tiền công trồng, chăm sóc bảo vệ rừng, đời sống từng bước ổn định.
 
20171002-m1.jpg
 
Ông Kỳ Dùng Phú, ở thôn Bản Mạ, xã Bắc Xa (Đình Lập) kiểm tra chất lượng nhựa thông.

Tuy nhiên, phải đến năm 1987, người dân ở Bản Mạ mới thật sự tin tưởng vào việc trồng cây thông sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Kỳ Dùng Phú nói tiếp: Lúc đó cây thông ở Bản Mạ đã cho khai thác nhựa. Những gánh nhựa thông đầu tiên xuất khẩu qua biên giới đã đổi được gạo, phân bón... Mơ ước đổi đời cho người dân Bắc Xa bắt đầu từ đó. Khi ấy ông Phú là Chủ tịch UBND xã Bắc Xa, cho nên ông ra sức vận động người dân nhận đất, trồng rừng, kêu gọi Nhà nước hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật… Từ năm 1990, phong trào trồng rừng ở Bản Mạ bắt đầu lan rộng ra các thôn trong toàn xã. Nhưng vào thời điểm đó, Bắc Xa vẫn như một ốc đảo biệt lập với bên ngoài, bởi không có đường đến trung tâm xã, mọi hoạt động giao lưu kinh tế gần như bị ngưng trệ. Mãi đến năm 2002, con đường từ thị trấn huyện mới được mở đến trung tâm xã, ra đến tận thôn Bản Mạ. Từ khi có đường, các phương tiện ô-tô, xe máy ra vào tấp nập. Hằng ngày, xe khách chở người và hàng hóa đi lại nhộn nhịp. Cũng trong năm 2002, toàn bộ 14 thôn, bản của xã Bắc Xa có điện thắp sáng từ nguồn điện lưới quốc gia. Điện, đường, trường, trạm y tế... cùng với lợi ích từ cây thông đã giúp diện mạo của một xã biên giới dần đổi thay.

Chủ tịch UBND xã Bắc Xa Tô Đức Sơn vui mừng chia sẻ: Xã chỉ có 321 hộ, với hơn 1.400 nhân khẩu, nhưng đến nay, các hộ dân đã trồng được hơn 11 nghìn ha thông. Mỗi hộ gia đình đều trồng từ 10 đến 20 ha rừng thông, hộ nhiều nhất trồng hơn 40 ha... Diện tích đất rừng đã cơ bản phủ xanh, trong đó diện tích rừng cho khai thác nhựa thông chiếm hơn 20%. Mỗi năm hơn 300 tấn nhựa thông đưa sang biên giới bán được hơn 30 nghìn đồng/kg..., thu nhập từ khai thác nhựa thông bình quân của một hộ từ 10 đến hàng trăm triệu đồng/năm. Đến nay, xã không còn hộ đói, nhiều hộ đã xây được nhà kiên cố với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt cần thiết, con em được đến trường... tất cả đều thu nhập từ cây thông mã vĩ. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập Vi Văn Phúc bày tỏ: Cây thông rất phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng nơi đây cho nên từ mô hình trồng cây thông ở Bắc Xa, đến nay diện tích trồng thông ở huyện lên tới gần 50 nghìn ha, mỗi năm khai thác 6.500 tấn nhựa; huyện xác định đây là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Khác với xã Bắc Xa, xã giáp biên giới Thanh Long (Văn Lãng) có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý là những năm gần đây, cặp chợ cửa khẩu Na Hình được mở rộng, tuyến đường ra cửa khẩu được nâng cấp, nhiều loại nông sản phẩm được xuất qua cặp chợ đường biên này. Nhờ thế, bộ mặt nông thôn miền núi đã thay đổi hẳn. Chủ tịch UBND xã Thanh Long Đàm Văn Trò thổ lộ: Đời sống của người dân vẫn chủ yếu dựa vào cây lúa, cây ngô, chăn nuôi gia súc gia cầm... Mấy năm gần đây, nhờ được triển khai các dự án trồng rừng, người dân đã tích cực trồng cây hồi, thông, bạch đàn cao sản; hạ tầng cơ sở như: đường giao thông nông thôn, trạm xá, trường học đã được xây dựng khang trang. Ngoài ra, do có cửa khẩu Na Hình, nhiều lao động trong các bản giáp biên giới cũng có việc làm. Đời sống người dân được nâng cao nhưng trật tự an ninh lại có phần phức tạp do các đối tượng buôn lậu lôi kéo nhiều cư dân biên giới vào vận chuyển hàng lậu, ma túy, tiền giả... Đó là một thực tế đang diễn ra ở một số xã giáp biên giới có nhiều cặp chợ, lối mòn qua lại...

Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

Việc nâng cao mức sống cho đồng bào biên giới không chỉ có ý nghĩa xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp họ ổn định cuộc sống, bảo đảm an ninh biên giới. Từ năm 2007, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã có Quyết định 286-QĐ/TU ngày 15-3-2007 về nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới. Theo đó, tỉnh đã triển khai thực hiện các đề án về nâng cao mức sống cho người dân, huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng... Nhờ đó đến nay, 100% số xã biên giới có điện lưới quốc gia và đường ô-tô đến trung tâm xã; với hơn 95% số hộ dân biên giới được sử dụng điện. Cũng từ khi có điện đã tạo điều kiện cho ngành nghề dịch vụ phát triển phá thế độc canh cây lúa. Cụ thể, tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề, tập huấn khoa học - kỹ thuật chiếm tới hơn 70%, hình thành nhiều dịch vụ tại chỗ như sửa chữa cơ khí, điện, xây dựng... góp phần nâng cao đời sống văn hóa và sinh hoạt tinh thần của cư dân biên giới. Người dân đã có điều kiện mua sắm các phương tiện nghe nhìn, tập trung mua sắm tư liệu sản xuất... Phó Giám đốc Thường trực Sở Công thương Nguyễn Đắc Thủy cho biết: Cùng với việc tập trung xây dựng các mô hình kinh tế, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tạo mọi điều kiện cho người dân trao đổi hàng hóa hợp pháp với cư dân bên kia biên giới, nhờ thế thương mại biên giới có bước phát triển vượt bậc. Từ năm 2008 đến nay đã có gần 20 dự án đầu tư vào cửa khẩu biên giới, mở bảy cặp chợ biên giới... tạo điều kiện cho hàng nghìn người có việc làm.

Khẳng định những thành quả đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Trưởng nhấn mạnh: Việc đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở được xây dựng đã đáp ứng nhu cầu thương mại của nhân dân biên giới với nước bạn, góp phần nâng cao mức sống của người dân, làm cho diện mạo khu vực biên giới ngày càng thay đổi, tạo không khí hòa bình, hữu nghị và ổn định./
Hùng Tráng
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top