Dấu ấn Dự án 600 trên đất nghèo

Thứ hai, 14/08/2017 09:58

Sau 5 năm triển khai, Dự án 600 tri thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch tại các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh Lai Châu (gọi tắt là Dự án 600) đã kết thúc. Phát huy sở trường, năng lực và tạo điều kiện để các đội viên cống hiến xây dựng quê hương Lai Châu, tỉnh Lai Châu đã bố trí sắp xếp vị trí việc làm phù hợp.

Chuyển biến đất nghèo
 
Vừa tốt nghiệp, được giao đảm nhiệm vai trò quản lý - phó chủ tịch UBND các xã đặc biệt khó khăn là thách thức không nhỏ đối với đội viên Dự án 600. Bởi, với các xã nghèo, ngoài cơ sở hạ tầng khó khăn, tư duy và nhận thức của Nhân dân hạn chế, còn tư tưởng trông chờ vào chế độ và chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bằng lòng nhiệt huyết, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của mình, sau 5 năm, những đóng góp của các đội viên đã được thể hiện bằng mô hình, con số, sự đổi thay ở địa phương.
 
20170814-m3.jpg
 
Anh Bùi Tiến Sỹ (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, đội viên Dự án 600) tuyên truyền người dân phát triển kinh tế.
 
Xã Nậm Cần (huyện Tân Uyên) có 5 bản với trên 100 hộ dân thuộc diện tái định cư Thủy điện Bản Chát. Hậu tái định cư, bài toán về thu nhập, ổn định đời sống cho người dân là chủ trương lớn, cũng là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Trước những khó khăn ban đầu của Nhân dân khi về nơi ở mới còn thiếu về đất sản xuất, mặt khác một phần đất sản xuất nằm trong vùng ngập. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh Bùi Văn Sơn trúng tuyển Dự án 600 và được giao làm Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cần, phụ trách lĩnh vực kinh tế. Qua thời gian công tác tại xã, anh Sơn chủ động tìm hiểu, vận động, tuyên truyền người dân mạnh dạn gieo trồng thêm vụ ngô trên đất bán ngập. Từ 30ha ban đầu, đến nay toàn xã có trên 40ha ngô bán ngập được duy trì hàng năm. Mỗi hécta cho thu hoạch từ 3,7 - 4 tấn/vụ, có hộ thu từ 14 - 20 tấn ngô. Từ mô hình ngô bán ngập giúp người dân có thêm lương thực phục vụ chăn nuôi.
 
Trao đổi với chúng tôi, anh Sơn chia sẻ: Khi mới nhận công tác, là cán bộ trẻ, lại giữ chức vụ lãnh đạo nên bản thân tôi xác định phải luôn nỗ lực và cố gắng. Nhận thấy người dân ở đây cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nên tôi tham mưu với lãnh đạo UBND xã vận động bà con trồng ngô trên chân ruộng 1 vụ, bãi, vùng bán ngập. Ban đầu, ý tưởng này cũng gặp phản ứng trái chiều vì bà con sợ không thu được kết quả như mong muốn. Không nản lòng, tôi cùng cấp ủy, chính quyền xã kiên trì vận động, hướng dẫn kỹ thuật và giờ đây người dân đã đồng thuận, nhiệt tình thực hiện.
 
Đối với đội viên Vàng Văn Thỏa (dân tộc Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Mít, huyện Than Uyên), phụ trách lĩnh vực văn hóa - xóa đói giảm nghèo của xã, vì là người bản địa nên anh có ưu thế hơn nhiều đội viên khác. Sau khi nhận nhiệm vụ, anh tích cực vận động người dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cho con em trong độ tuổi đến trường, tích cực phát triển kinh tế. Năm 2014, sau khi được phân bổ nguồn vốn Chương trình 135/CP, anh tham mưu với xã hỗ trợ 24 hộ nghèo và cận nghèo mua máy cày. Nhờ đó, bà con giảm chi phí sản xuất, có điều kiện đầu tư giống mới, phân bón và thành quả là 1 năm sau đã có 8 hộ thoát nghèo. Năm 2015, cũng từ nguồn vốn Chương trình 135/CP hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo, anh Thỏa chủ động xây dựng dự án hỗ trợ cho 34 hộ nghèo và cận nghèo mua giống lợn nái  Móng Cái nhằm cải tạo nguồn con giống tại địa phương và giúp bà con thêm hướng sản xuất mới. Các hộ còn được hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi và cũng sau hơn 1 năm có 12 hộ thoát nghèo.
 
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều mô hình kinh tế hiệu quả do đội viên Dự án 600 đảm nhiệm và tham mưu thực hiện.Được biết thêm, các đội viên chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện, cụ thể hoá đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình thuộc các nguồn vốn của Chính phủ như:Chương trình 135, 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...
 
44/45 đội viên đã được sắp xếp vị trí việc làm phù hợp
 
Khi đảm nhiệm chức vụ quản lý tại cơ sở, các đội viên Dự án 600 đã cống hiến sức trẻ, sự tậm tâm và không ít người trong số đó thực sự coi Lai Châu là quê hương thứ 2 muốn gắn bó. Và, niềm vui đã trọn vẹn khi kết thúc Dự án thay vì nỗi lo không được tiếp tục bố trí vị trí việc làm, các đội viên đủ điều kiện đã được tỉnh quan tâm sắp xếp công tác phù hợp với năng lực, trình độ, chuyên ngành.
 
Được biết, tham gia Dự án 600 có 45 đội viên được phân bổ về 6 huyện nghèo của tỉnh: Mường Tè, Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên, Nậm Nhùn. Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh có công văn xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Nội Vụ về việc xét chuyển đội viên Dự án làm công chức, viên chức tại các cơ quan, địa phương trong tỉnh. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 19/4/2017 về việc phê duyệt danh sách xét chuyển đội viên Dự án 600 làm công chức, viên chức cấp huyện, tỉnh trên địa bàn. Theo đó, 44/45 đội viên được bố trí, sắp xếp công việc phù hợp. Cụ thể, 2 đội viên được bố trí làm công chức tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh; 19 đội viên được bố trí, sắp xếp làm công chức, viên chức các cơ quan thuộc UBND các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè; 23 đội viên được bố trí, sắp xếp làm cán bộ, công chức cấp xã; 1 đội viên không được bố trí vì không hoàn thành nhiệm vụ.  39 đội viên được kết nạp Đảng; 6 đội viên được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; nhiều đội viên được quy hoạch vào các chức danh cao hơn vị trí việc làm hiện tại.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Tăng - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Sở xác định việc sắp xếp công việc cho đội viên Dự án 600 là nhiệm vụ quan trọng, trên cơ sở công việc mới phải phù hợp với trình độ chuyên môn của từng đồng chí, bảo đảm sau sắp xếp, các trí thức trẻ tiếp tục phát huy năng lực, sở trường. Tuy nhiên, một số đội viên được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật và sư phạm nên rất khó bố trí vào công tác chuyên môn theo vị trí việc làm. Hiện nay,  tinh giản biên chế cũng đang là một vấn đề khó khăn, hơn nữa sau khi tỉnh thực hiện bố trí, xét chuyển cho 44 đội viên Dự án 600 làm cán bộ, công chức, viên chức thì tỉnh không còn đủ biên chế để sắp xếp, bố trí cho các trường hợp cử tuyển là con em các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Do đó, chúng tôi đã kiến nghị với Bộ Nội vụ bổ sung 44 biên chế cho tỉnh Lai Châu”.
 
Kết thúc một dự án sẽ là khởi đầu một chặng đường mới và điều đó đồng nghĩa  các trí thức trẻ phải luôn nỗ lực không ngừng rèn luyện bản thân, nâng cao trình độ chuyên môn, phát huy kinh nghiệm từ công tác quản lý vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đó là minh chứng rõ nhất khẳng định sự lựa chọn, sắp xếp, tín nhiệm của tỉnh dành cho các đội viên là hoàn toàn xứng đáng./.
Bạch Dương (Báo Lai Châu)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top