Thực hiện đề án giảm nghèo: "Bệ phóng" thoát nghèo ở Hòa Vang

Thứ tư, 02/08/2017 08:02

Từ năm 2000 đến nay, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng được mọi tầng lớp xã hội quan tâm hưởng ứng, với tinh thần tự nguyện góp phần chăm lo, giúp đỡ người nghèo ổn định cuộc sống.

20170802-m1.jpg
Việc hỗ trợ “cần câu” đã giúp hộ nghèo có thêm điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống.
 
Nhìn mô hình kinh tế hiện nay của vợ chồng anh Nguyễn Tin (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương), ít ai biết cách đây hơn 3 năm, gia đình anh là hộ đặc biệt nghèo của xã. Trước năm 2013, cả hai vợ chồng ốm đau triền miên, con lại nhỏ nên kinh tế gia đình luôn túng quẫn. Sau khi thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng sửa chữa nhà ở, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tặng 1 con bò giống, Hội Nông dân xã Hòa Khương hỗ trợ xây dựng hầm biogas và heo giống, gia đình anh bắt đầu đổi đời. Nhờ cần cù, chịu khó lao động nên mô hình chăn nuôi của gia đình anh từng bước đi vào ổn định. Lứa heo đầu tiên sau khi bán được anh tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại và cải tạo khu vườn để trồng cỏ nuôi bò. Không dừng lại ở đó, anh vay thêm vốn ngân hàng gần 30 triệu đồng để phát triển đàn heo. Lấy hiệu quả chăn nuôi heo tái đầu tư cho đàn bò. Cứ thế, vòng tròn “lấy ngắn nuôi dài” này được anh duy trì trong suốt 3 năm qua. Đến nay, “của để dành” của gia đình anh đã khấm khá hơn với 30 con heo và 5 con bò.  
Không có đất cằn cỗi, chỉ là do chưa tìm cây trồng, con vật nuôi thích hợp cộng với sức người khai phá, chịu khó lam lũ để phát triển kinh tế trên mảnh đất đó mà thôi. Nhận định này phù hợp với hoàn cảnh vợ chồng anh Nguyễn Tài, thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc. Năm 1999, anh Tài xuất ngũ, lập gia đình. Cơn lũ cùng năm đã cuốn phăng tất cả vốn làm ăn của đôi vợ chồng trẻ này. Lên vùng núi này lập nghiệp vào năm 2000, đến nay đã trải qua 17 năm đấu cật ở vùng đất khó này thì gần 14 năm liên tiếp anh chị phải ngậm ngùi nhìn bao công sức, tiền của “đi” hết theo đàn heo, gà, dê bị dịch bệnh. Nhưng cái khó không quật ngã được ý chí vươn lên thoát nghèo trong anh chị. Từ 7 con dê hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, anh quyết định vay 7 triệu đồng từ nguồn vốn phụ nữ để cải tạo vườn tạp và trồng các loại cây ăn quả trên diện tích 3ha. Tiếp đến, anh vay thêm vốn từ các nguồn khác gần 32 triệu đồng để mua thêm dê giống và đầu tư phát triển kinh tế rừng. Cứ thế, trong 3 năm gần đây, vòng tròn lấy kinh phí từ bán dê và hiệu quả kinh tế vườn được anh đầu tư mua thêm dê giống, số tiền còn lại đầu tư cho trồng rừng. Đến nay, vốn của gia đình anh là đàn dê với 40 con và 6,5ha rừng trồng.
 
Đó chỉ là 2 trong hàng ngàn gia đình trên địa bàn huyện Hòa Vang “chinh phục” cái đói, cái nghèo để phát triển kinh tế. Ở đó, ngoài ý chí, nghị lực tự thân của mỗi gia đình, họ còn có “bệ đỡ” là nguồn hỗ trợ kịp thời của thành phố, huyện, các tổ chức, cá nhân và quỹ “Vì người nghèo” của huyện và 11 xã.
 
Qua 16 năm hoạt động, Ban vận động quỹ “Vì người nghèo” huyện Hòa Vang không ngừng đổi mới hình thức vận động và phối hợp xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện như “Hũ gạo tiết kiệm”, “Con heo nhân ái”, “Mái ấm Công đoàn”… Bên cạnh đó, Ban vận động đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động cán bộ, công nhân, viên chức, các tổ chức, cá nhân và nhân dân đã đóng góp ủng hộ với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng. Từ nguồn vận động này, huyện xây mới và sửa chữa hơn 5.300 ngôi nhà đại đoàn kết; hỗ trợ phương tiện sinh kế cho gần 3.400 lượt hộ nghèo; khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 5.850 lượt người nghèo…
 
Thực hiện các Chỉ thị 24, 18 của Ban Thường vụ Thành ủy chương trình “Thành phố 4 an”, Mặt trận huyện và xã đã phối hợp với các tổ chức thành viên vận động hỗ trợ cho 867 lượt hộ đặc biệt nghèo còn khả năng lao động với tổng số tiền 20 tỷ đồng (bình quân mỗi hộ từ 5-8 triệu) để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, huyện Hòa Vang khảo sát nhu cầu của từng hộ để có phương án hỗ trợ; đồng thời tích cực vận động các nguồn lực trong xã hội tập trung giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế thông qua các chính sách về tín dụng ưu đãi, chính sách về giáo dục, y tế, pháp lý, nhà ở, đào tạo và giải quyết việc làm và hỗ trợ sinh kế… với tổng giá trị gần 105 tỷ đồng.
 
Từ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong 15 năm qua, công tác giảm nghèo ở huyện Hòa Vang đã đạt kết quả ấn tượng khi có hơn 20.000 lượt hộ thoát nghèo./.
Hạ Sơn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top