Bắc Kạn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo giai đoạn mới

Thứ năm, 27/07/2017 16:09

Sau khi phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều (chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020) được áp dụng, qua rà soát, thống kê, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện còn 20.809 hộ, chiếm hơn 26%, tăng 50% so với chuẩn nghèo đơn chiều cuối năm 2015.

20170727-m17.jpg
 Từ nguồn vốn chương trình 30a, huyện Ba Bể hỗ trợ hộ nghèo phát triển mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao
 
Trong đó, các huyện vùng cao, tỷ lệ nghèo tăng đột biến như: Huyện Ngân Sơn là 46,16%, huyện Ba Bể 30,9%, huyện Pác Nặm 44,82%, huyện Na Rỳ 35,76%… Vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay là làm thế nào để giảm nghèo nhanh, bền vững, trong khi chuẩn nghèo mới có những nội dung, đặc điểm vốn là “điểm yếu” ở vùng cao.
 
Không khó lý giải về việc tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh ta tăng cao khi áp dụng chuẩn nghèo mới, bởi phương pháp tiếp cận nghèo theo đa chiều đánh giá theo cả tiêu chí thu nhập và phi thu nhập như: Sự thiếu hụt cơ hội đi kèm với tình trạng đi học của trẻ em, tiếp cận dịch vụ y tế… (gọi tắt là thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản). Mặc dù luôn được Nhà nước quan tâm bằng nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ về an sinh xã hội nhưng nhìn nhận trên thực tế người dân với đa phần dân tộc thiểu số, dân trí không đồng đều, những khó khăn khách quan như địa hình chia cắt, hiểm trở, hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông còn nhiều hạn chế, gây cản trở việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của bà con.
 
Năm 2016, công tác giảm nghèo tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách. Với tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2016 được giao 146,572 tỷ đồng, trong đó: Chương trình 30a là 62,070 tỷ đồng; Chương trình 135 là 83,202 tỷ đồng, tỉnh đã thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, cận nghèo; dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động; thực hiện chính sách cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư miễn phí cho người nghèo làm nông nghiệp...
 
Thực hiện chính sách tín dụng, năm 2016 tổng doanh số cho vay toàn tỉnh là 628 tỷ đồng với 21.040 lượt hộ vay, trong đó có 8.027 hộ nghèo, doanh số cho vay 253 tỷ đồng; 1.982 hộ cận nghèo, doanh số cho vay 81 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 31/12/2016 là 1.632 tỷ đồng, tăng 160 tỷ đồng so với năm 2015.
 
Thực hiện chính sách dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động, trong năm các địa phương đã giải quyết việc làm cho 5.310 người, đạt 118% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động được 320 người, đạt 160% kế hoạch; tư vấn việc làm cho 5.177 người, trong đó 1.524 người tìm được việc làm, đạt 152,4% kế hoạch.
 
Thực hiện chính sách cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư miễn phí cho người nghèo làm nông nghiệp, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tỉnh đã triển khai 9 mô hình trình diễn và thử nghiệm 6 mô hình tại các địa phương như: Mô hình thâm canh quýt theo hướng GAP; phát triển trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn; mô hình máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng trong chăn nuôi lợn thịt; mô hình sử dụng giống lúa chất lượng ứng dụng canh tác lúa cải tiến (SRI)...; tổ chức 129 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật thực hiện các mô hình trên với 3.852 hộ tham gia. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện đạt và vượt kế hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp... Từ những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
 
Cùng với đó, năm 2016, toàn tỉnh có 11.323 học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng; hơn 18,4 tỷ đồng hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mẫu giáo thuộc hộ nghèo, cận nghèo; cấp phát 1.151 tấn lương thực cho hơn 10.000 học sinh... Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục đào tạo đã góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.
 
20170727-m18.jpg
 Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm
 
Chính sách hỗ trợ về y tế cho hộ nghèo cũng được quan tâm. Trong năm đã hỗ trợ cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho 224.623 người nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội, với kinh phí 145 tỷ đồng. Các đơn vị y tế tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, số lượt người nghèo được khám chữa bệnh là 263.610 lượt, chiếm 39,3% tổng số lượt người được khám chữa bệnh trong toàn tỉnh.
 
Ngoài các chính sách trên, tỉnh cũng đã chi hàng chục tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 và Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán và mua sắm máy móc nông cụ. Các tổ chức hội, đoàn thể lồng ghép triển khai có hiệu quả các hoạt động thăm, tặng quà cho người nghèo, hộ gia đình chính sách, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số 14.401 suất quà trị giá 5,824 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 291 nhà đại đoàn kết từ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp với số tiền 7,136 tỷ đồng; sửa chữa 39 nhà cho người nghèo với số tiền 596 triệu đồng...
 
Trao đổi với lãnh đạo ngành và các địa phương về giảm nghèo giai đoạn mới, chúng tôi nhận thấy sự trăn trở, băn khoăn vì giảm nghèo đa chiều đúng là “khó đa chiều”. Theo đồng chí Hoàng Văn Giáp - Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh: Tỷ lệ hộ nghèo tăng cao có thể là áp lực nhưng cần nhìn nhận chủ trương, đường lối giảm nghèo đa chiều là chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn của Đảng, Chính phủ, chỉ việc thực hiện làm sao cho đúng, phù hợp mới là điều quan trọng.
 
Đồng chí Cao Minh Hải - Chủ tịch UBND huyện Ba Bể: Tỷ lệ hộ nghèo tăng khi áp dụng theo chuẩn mới, điều này đặt ra cho huyện Ba Bể những thách thức lớn. Với mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đảng bộ huyện từ 3,5-4%/năm, huyện đã xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Đồng thời tìm hiểu nguyên nhân nghèo của từng hộ nghèo, từ đó có định hướng hỗ trợ phù hợp; huy động nhiều nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, giao lưu, học hỏi của người dân.
 
Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2017 cho các ngành, các cấp, hội đoàn thể là cần tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo. Tập trung giải quyết các chỉ tiêu tiếp cận dịch vụ xã hội cho hộ nghèo như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tài sản tiếp cận thông tin. Tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo đa chiều, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp điều kiện thực tế nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giảm nghèo, trách nhiệm của người dân trong việc thoát nghèo bền vững./.
Thu Trang (giamngheo.backan.gov.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top