Tập trung mọi nguồn lực để giảm nghèo hiệu quả

Thứ năm, 27/07/2017 13:18

Nội dung quan trọng của Hội nghị Tỉnh ủy Cà Mau lần thứ Chín (mở rộng) bàn về vấn đề giảm nghèo, các nguồn lực chính để phát triển Cà Mau trong tương lai diễn ra vào hôm nay, 26/4. Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình nhấn mạnh: “Toàn hệ thống chính trị vào cuộc, huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm đạt 1,5%. Đối với các huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 10% như Đầm Dơi, U Minh, Trần Văn Thời, phải phấn đấu tỷ lệ giảm nghèo hằng năm từ 2-3%. Phải kiên quyết xoá nghèo trong bộ phận gia đình chính sách, có công với cách mạng và hộ gia đình đảng viên”.

Hội nghị tập trung vào Chương trình hành động của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 1/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Dự thảo Báo cáo của Tỉnh uỷ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 8/8/2011 của Tỉnh uỷ về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.

Qua dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 05 của Tỉnh uỷ, ngoài những kết quả tích cực thì vấn đề giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm tiếp tục được các đại biểu quan tâm. Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu các địa phương còn tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách, đảng viên báo cáo tình hình.
 
20170727-m4.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
 
Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Nguyễn Chí Thuần cho biết, hiện huyện còn 155 đối tượng chính sách, người có công thuộc diện nghèo và cận nghèo. 28 đảng viên thuộc diện nghèo, cận nghèo. Khó khăn trong giảm nghèo ở Đầm Dơi là do một số chính sách đào tạo, giải quyết việc làm chưa phát huy hiệu quả. Riêng đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là đồng bào Khmer) đời sống còn khó khăn.
 
Bí thư Huyện uỷ U Minh Trương Đăng Khoa thông tin, U Minh là huyện có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh (tỷ lệ cả 2 nhóm này trên 20%). Cái khó trong giảm nghèo vẫn là ý thức vươn lên. U Minh đã làm được công tác phân loại, trong đó lọc ra những hộ chây lười lao động, dính vào tệ nạn xã hội. Ông Trương Đăng Khoa kiên quyết: “Nếu không chuyển biến, chúng tôi sẽ có biện pháp như giới thiệu trước dân những đối tượng này”.
 
Khi được Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cà Mau Phạm Bạch Đằng hỏi: “Có thông tin còn hộ gia đình chính sách mong được nghèo để hưởng chế độ, có không?”, Bí thư Huyện uỷ U Minh nhìn nhận là “có và sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm”. Về tình trạng này, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ nêu ý kiến: “Để hộ chính sách, gia đình đảng viên chưa thoát nghèo là khuyết điểm lớn cần nhanh chóng khắc phục. Chúng ta cố gắng đến hết năm 2018 phải cơ bản chấm dứt tình trạng này”.
 
Huyện Trần Văn Thời cũng vấp phải những khó khăn tương tự các địa phương khác. Ông Nguyễn Đồng Khởi, Chủ tịch UBND huyện, cho rằng công tác đào tạo nghề chưa thật sự đáp ứng kỳ vọng, chưa phát huy hiệu quả. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Thanh, Bí thư Huyện uỷ thì thẳng thắn: “Một bộ phận hộ dân còn chây ì, muốn “nghèo bền vững” để nhận trợ cấp”.
 
Liên quan đến vấn đề việc làm, giảm nghèo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau Triệu Quang Lợi phân tích: “Giảm nghèo là đúng, nhưng không thể làm hình thức, làm qua loa từ khâu bình xét đến việc giao chỉ tiêu. Tại sao có những nhà bước vô không có tài sản gì cũng được thoát nghèo?”. Theo ông Triệu Quang Lợi, công tác giảm nghèo và đào tạo nghề nhiều nơi chưa sát với thực tế, đầu tư nhỏ lẻ, manh mún và không hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh hiện tại là 7,96%, trong khi đó tỷ lệ này ở đồng bào dân tộc chiếm gần 13% tổng số hộ nghèo (trên 23.600 hộ).Thực tế là nhiều hộ dù có đất, có điều kiện lao động, nhưng người dân vẫn ra ngoài tỉnh để mưu sinh.
 
20170727-m5.jpg
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân phát biểu tại hội nghị.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho rằng: “Cốt lõi là ý thức, là nỗ lực của hộ nghèo. Tại sao có nhà hơn chục công đất, nuôi tôm chỉ biết thả giống rồi ngồi đợi. Tôm không có thì kéo nhau đi làm ở tỉnh khác”. Ông Trần Hồng Quân băn khoăn: “Tại sao không tìm cách để áp dụng khoa học kỹ thuật, tính toán làm ăn để giảm nghèo. Chi tiêu tiền bạc hợp lý, có ý chí vươn lên”.
 
Bên cạnh thực tế Cà Mau còn thiếu hệ thống doanh nghiệp, tạo ra ít việc làm thì ông Trần Hồng Quân thông tin: “Có một bộ phận không chịu lao động. Rơi vào hoàn cảnh nghèo thì cứ phó mặc cho Nhà nước, như thế thì bao giờ mới thoát nghèo”. Ông Trần Hồng Quân yêu cầu: “Các cấp, các ngành, đoàn thể phải tập trung giáo dục, tuyên truyền, thay đổi nhận thức, nếu không sẽ rất khó đạt được chỉ tiêu đề ra”.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu: “Phải sâu sát, thể hiện vai trò của chính quyền trong việc làm ăn, sản xuất của người dân. Làm sao để định hướng, nâng cao ý thức của người dân”.
 
Về thực tế đào tạo nghề và tạo việc làm, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng còn nhiều hạn chế. Thời gian tới, cần phải soát xét để không gây lãng phí ngân sách Nhà nước, phải phân loại cụ thể từng loại đối tượng để có cách thức tiếp cận và giúp đỡ phù hợp nhất.
 
Theo thống kê, giai đoạn 2011-2016, tổng kinh phí thực hiện chính sách giảm nghèo của toàn tỉnh trên 2.900 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, hơn 71.000 lao động được đào tạo nghề. Số liệu cho thấy, hiệu quả sau đào tạo ở mức cao, khi tỷ lệ người có việc làm trên 53.400 người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác đào tạo nghề còn nhiều bất cập, nhất là không đáp ứng được nhu cầu lao động thực tế, khó phát triển và khó áp dụng.
 
Các động lực chính để Cà Mau phát triển trong tương lai cũng được xác định rõ là con tôm và kinh tế biển (điểm nhấn là cảng biển Hòn Khoai và hệ thống cảng biển trong toàn tỉnh). Ngoài ra, vấn đề về sắp xếp, củng cố và tinh gọn bộ máy hành chính; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Cà Mau trong tương lai cũng được thảo luận. Các ý kiến thống nhất rằng, nhân lực phải được tinh gọn, nâng chất theo hướng chuyên sâu. Nhân lực phải đi trước, đáp ứng kịp thời thực tiễn phát triển của Cà Mau.
 
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình nhấn mạnh: “Kết quả đã đạt được thời gian qua là tích cực, song Cà Mau chưa phát huy hết các nguồn lực trong giảm nghèo, đào tạo nghề còn nhiều bất cập. Vẫn còn hộ nghèo là gia đình chính sách, có công; hộ nghèo là đảng viên. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trong toàn bộ cán bộ, đảng viên, Nhân dân; người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về hiệu quả giảm nghèo. Phân loại đối tượng hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ. Cổ vũ, tuyên dương những hộ vươn lên thoát nghèo, đồng thời phê phán, lên án những hộ chây lười”.

 

Quốc Rin
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top