Tín dụng chính sách cho người nghèo

Thứ năm, 27/07/2017 09:13

450 tỷ đồng là con số tăng thêm cho nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hà Nội kể từ cuối năm 2014 đến nay. Nhờ nguồn vốn đó, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình chính sách ở Thủ đô tạo lập được sinh kế bền vững. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, năm 2017, tổng số hộ có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm là 23.714 hộ, nhu cầu vốn khoảng 830 tỷ đồng (mức vay 35 triệu đồng/hộ).

20170727-ta3.jpg

Hơn 2 năm sau ngày Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách chính thức được ban hành, Hà Nội đã chủ động tạo lập nguồn vốn tín dụng chính sách đặc thù từ ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Tuy nhiên, cung vẫn chưa đủ cho cầu. Thực tế, nhu cầu vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016 - 2020 và vay vốn giải quyết việc làm của người khuyết tật, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại các làng nghề, hội viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc các hội đoàn thể còn rất lớn.

Đơn cử như Gia Lâm, nguồn ngân sách huyện dành cho chương trình đạt 5.530 tỷ đồng và tiếp tục được đề xuất bổ sung từ 300 triệu lên 500 triệu đồng từ cuối năm 2016. Song, con số này chỉ như muối bỏ bể do hàng năm nhu cầu giải quyết việc làm cho người dân tăng cao, lên tới 8.000 việc làm. Cụ thể như mô hình trồng rau an toàn của xã Yên Viên đang phát triển tốt, sản phẩm được đưa vào các sàn giao dịch nông sản an toàn của thành phố. “Chỉ riêng mô hình này thôi, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất của bà con cũng lên tới hàng tỷ đồng’’ - Giám đốc NHCSXH huyện Gia Lâm Đặng Văn Lâm ước tính.
 
Trước thực tế này, trong buổi họp giao ban huyện hồi cuối năm 2016, Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Việt đã kiên quyết chốt chủ trương ủy thác vốn vay sang NHCSXH Hà Nội: “… Dù có thiếu cũng phải dành một phần vốn cho các phòng giao dịch!’’. Bí thư Việt lý giải, những gì NHCSXH Hà Nội làm được cho người nghèo thời gian qua là đáng trân trọng. Và đến thời điểm này, đây vẫn là kênh giảm nghèo hiệu quả nhất như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tại Hội nghị giảm nghèo trực tuyến toàn quốc cuối năm 2016. Với huyện Gia Lâm, NHCSXH thực sự là kênh tạo lập sinh kế bền vững của người nghèo vùng ven đô.
 
Quyết tâm của lãnh đạo huyện Gia Lâm cũng là quyết tâm chính trị của cả thành phố Hà Nội, đặc biệt là các quận, huyện vùng ven đô. Với họ, NHCSXH đã trở thành người đồng hành vạn dặm trong giảm nghèo. Cũng bởi nhận thức được ý nghĩa của đồng vốn chính sách, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong cả nước về nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH.
 
Thăm hộ mới thoát nghèo Nguyễn Thị Anh Hạnh ở thôn Kim Quan, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm mới thấy hết giá trị nhân văn của đồng vốn chính sách ưu đãi. Nhớ lại 16 năm về trước, chị Hạnh cơ cực chống lại những bế tắc tưởng không lối thoát. Chồng mất do căn bệnh thế kỷ, để lại đứa con gái - người duy nhất trong nhà không lây nhiễm. Bản thân chị, vừa chống chọi với mặc cảm, bệnh tật vừa gắng gượng mưu sinh nuôi con. “Lúc ấy, nếu không có gia đình, Hội Phụ nữ… làm điểm tựa tinh thần, chắc tôi đã gục theo chồng” - chị Hạnh dè dặt mở lời.
 
Thời điểm ấy, được sự giới thiệu, động viên của Hội Phụ nữ Thôn Kim Quan, chị đã mạnh dạn vay 32 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư nuôi ngan, gà và mở một cửa hàng may. Gọi là cửa hàng, chứ thực tế chỉ là một căn phòng mái tôn rộng chưa đầy 10m2 và một chiếc máy may cũ kỹ. Thế nhưng, thời gian cứ trôi trong sự nỗ lực không mệt mỏi của chị Hạnh và sự đùm bọc của gia đình, chính quyền, hội, đoàn thể mà quan trọng nhất là nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH.  Giờ đây, tuy mới thoát khỏi nghèo túng nhưng hai mẹ con chị Hạnh đã có một ngôi nhà khang trang để ở - ngôi nhà Đại đoàn kết của Thôn trao tặng; một đàn ngan, gà  chừng trăm con và cửa hàng may ngày một đông khách. Cuộc sống càng ý nghĩa hơn khi năm 2016, con gái chị thi đỗ vào trường Cao đẳng Dược Hà Nội. Chị cho biết, sắp tới, chị sẽ vay tiếp 50 triệu từ Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH để mở rộng chăn nuôi. “Tôi sẽ làm việc bằng hai bằng ba, làm cho đồng vốn ưu đãi sinh sôi, nảy nở như đàn ngan, gà. Đó là cách tôi tri ân NHCSXH và những người đã từng chia ngọt sẻ bùi với mẹ con tôi trong những năm qua” - chị Hạnh quả quyết.
 
Rời ngôi nhà nhỏ của mẹ con chị Hạnh, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình của dòng vốn chính sách xuống các cơ sở làm bún; đến những cánh đồng bắp cải, măng tây… xanh mướt ở xã Yên Viên. Đâu đâu, cũng thấy dáng dấp của những khoản vay ưu đãi. Chẳng thế mà Phó Chủ tịch UBND xã Yên Viên Nguyễn Thị Quyên quả quyết, với việc hỗ trợ đắc lực từ NHCSXH, 1,4% tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo (tương đương 64 hộ) của xã Yên Viên sẽ về mo trong vài năm tới”. ./.
 
Đến hết năm 2016, nguồn vốn từ ngân sách thành phố Hà Nội và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn ủy thác sang NHCSXH để cho vay các chương trình tín dụng chính sách đã đạt trên 1.400 tỷ đồng. Từ nguồn vốn, đã có 88.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Trong đó, có trên 14.000 lượt hộ nghèo, hơn 10.000 lượt hộ cận nghèo, trên 13.000 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn, thu hút và tạo việc làm cho 25.000 lao động và cho trên 3.000 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn
 
Theo giamngheo.molisa.gov.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top