Krông Ana: Điểm sáng về dạy nghề cho lao động nông thôn

Thứ hai, 24/07/2017 15:40

“Để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao, điều cốt lõi là phải trang bị tay nghề cho người lao động dựa vào nhu cầu thực tế, điều kiện kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương, đặc biệt, những người có trách nhiệm phải bỏ công sức, tâm huyết thì mới thể hiện được hết tính nhân văn trong Đề án 1956 mà nó vốn có….”. Trong chuyến công tác mới đây, ông Phan Thanh Lang, Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc đã chia sẻ với chúng tôi như thế.

Krông Ana: Điểm sáng về dạy nghề cho lao động nông thôn

Học viên lớp may - Trung tâm Dạy nghề huyện Krong Ana
 
 
Tâm huyết của nữ Giám đốc Trung tâm Dạy nghề
 
Đến huyện Krông Ana, hỏi bất cứ người nông dân nào cũng biết đến chị Đinh Thị Danh – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện bởi chị không những luôn tâm huyết hướng dẫn bà con theo học các mô hình sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, tạo công ăn việc làm mà còn luôn trăn trở tìm hướng đi phù hợp cho Trung tâm theo hướng phát triển mô hình, chuyển giao công nghệ cho các địa phương khác… Chính từ những cách làm này mà danh tiếng của Trung tâm cũng như của nữ giám đốc được nhân rộng. Nhiều trường hợp người nông dân ở các địa phương cách Krông Ana hàng trăm km cũng tìm đến với lá đơn xin học nghề được cấp thẩm quyền chứng nhận trên tay.
 
Anh Ma Văn Duy trú tại xã Ea H luyên (huyện Ea H Leo) cho biết, “mặc dù phải đi mất khoảng 5 tiếng đồng hồ mới đến được Trung tâm, nhưng mình vẫn quyết tâm theo học nghề trồng nấm, bởi người hàng xóm của mình sau khi học nghề ở đây, được cán bộ hướng dẫn cách làm rồi phương thức tổ chức sản xuất đã mở được một sơ sở trồng nấm, tạo việc làm thường xuyên cho 6 người trong gia đình…”
 
Hay như anh Lý Đức Thanh xã Ea Khanh, huyện Ea Hleo tâm sự: “Mình đi cả đêm đến Trung tâm lúc 7h30, sau khi trình bày nguyện vọng được học nghề, cán bộ Trung tâm đã hướng dẫn và bố trí mình vào tổ nhồi bịch mùn cưa, trồng nấm… Hy vọng sau thời gian theo nghề gia đình mình có việc làm và thu nhập ổn định, từng bước xóa đói, giảm nghèo ngay tại nơi sinh sống…”
 
Ngay từ khi có Quyết định 1956/QĐ-TTg về Dạy nghề cho lao động nông thôn, được sự chỉ đạo sát sao cũng như định hướng có chọn lọc của UBND huyện, năm 2008, Trung tâm mở được 8 lớp thuộc 4 ngành nghề đào tạo, thu hút 254 học viên. Đến năm 2010 Tung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana đã mở rộng quy mô lên 19 lớp đào tạo các nghề may dân dụng và công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi thú y, dệt thổ cẩm, sửa chữa xe gắn máy cho 578 học viên và đến năm 2014 này là 46 lớp cho 1.248 học viên, trong đó có trên 60% học viên thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…
 
Để tạo việc làm cho người lao động, Trung tâm đã chủ động xây dựng 23 mô hình điểm về các nghề trong chương trình đào tạo tại các thôn, buôn. Nhờ vậy, đã có khoảng 80 – 90% học viên áp dụng hiệu quả các nghề đã học, nổi bật là mô hình trồng nấm rơm và sửa chữa xe gắn máy. Phần lớn các học viên lớp trồng nấm tự mở cơ sở sản xuất theo hộ hoặc nhóm hộ, tạo việc làm cho 8 – 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2 – 4 triệu đồng/tháng. Các học viên lớp sửa chữa xe gắn máy đã liên kết thành lập tổ, nhóm để mở cơ sở dịch vụ tại thôn, buôn.
 
Chia sẻ kinh nghiệm về dạy nghề, bà Đinh Thị Danh, Giám đốc Trung tâm cho biết, chương trình đào tạo của Trung tâm không những được mở rộng mà còn đi vào chiều sâu, đáp ứng đúng nhu cầu thực tế từng bộ phận nông dân và theo nhu cầu của mỗi địa phương. Sau khi khảo sát thế mạnh của từng vùng, cán bộ Trung tâm xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu, lao động địa phương.
 
Cú hích trong xây dựng nông thôn mới
 
Ông Phan Thanh Lang, Trưởng Phòng LĐ-TBXH huyện Krông Ana khẳng định: “Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho lao động nông thôn có được việc làm tại chỗ, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương. Nhìn chung quy mô đào tạo hàng năm của huyện luôn đạt và vượt chỉ tiêu từ 120 – 234%, nhiều lao động nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định, trở thành những tấm gương tiêu biểu từ những kiến thức tại các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, phát triển nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Việc đầu tư hiệu quả các mô hình điểm, nhất là trồng các loại nấm, sửa chữa xe máy, máy nông nghiệp ngay tại các thôn, buôn là phương thức tuyên truyền hiệu quả nhất. Hiện nay, hầu hết các xã đầu có các mô hình tạo việc làm mới sau khi học nghề, đặc biệt là tại thị trấn Buôn Trấp năm 2014 đã có trên 10 mô hình sản xuất nấm cho hiệu quả cao, tạo việc làm cho trên 200 lao động… Ngoài ý nghĩa xã hội sâu sắc, đây cũng là cơ hội để thanh niên nông thôn khẳng định vai trò xung kích vươn lên làm giầu chính đáng ngay tại quê hương…”
 
Đạt được kết quả trên là do sự quyết tâm của huyện ủy, UBND huyện Krông Ana tập trung cao độ, nỗ lực tạo điều kiện để Trung tâm Dạy nghề hoạt động ngày một hiệu quả. Thông qua những việc làm cụ thể như bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết đảm nhiệm công việc dạy nghề, ngoài tiền hỗ trợ của Quyết định 1956/QĐ-TTg thì UBND huyện hỗ trợ thêm tiền ăn 5.000 đồng /người. Chủ động lựa chọn nghề trọng điểm, đào tạo theo đơn đặt hàng, nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả. Tùy theo lứa lứa tuổi, địa bàn cư trú bố trí hợp lý lớp học nghề từ 15 – 18 học viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giảm bớt sự đi lại cho người học, cam kết đào tạo đúng phương thức truyền nghề cho nông dân là cầm tay chỉ việc, không dạy nghề theo tính phong trào, thành tích…
 
Bên cạnh đó, Krông Ana đã thực hiện đồng bộ các hoạt động như tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm, tổ chức sản xuất, hướng dẫn bà con cách sơ chế… Đặc biệt là lĩnh vực vay vốn ưu đãi gắn với dạy nghề. Từ năm 2010 đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã cho vay trên hàng tỷ đồng với khoảng trên 70% số lượng học viên được thụ hưởng chính sách, trong đó, thực hiện triệt để nguyên tắc chỉ ưu tiên cho vay đối với hộ đã qua học nghề. Phòng LĐ-TBXH, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội và Trung tâm Dạy nghề gắn kết, tham mưu cho UBND huyện phân bổ nguồn vốn sao cho đúng địa chỉ, 100% hộ vay xây dựng được mô hình hành nghề hiệu quả, tạo được lòng tin về học nghề ngắn hạn, tạo việc làm và thu nhập ổn định.
 
Mặc dù đã đạt được những thành tích đáng khích lệ song trước mắt Krông Ana vẫn còn một số khó khăn bởi biên chế của Trung tâm Dạy nghề quá thiếu, chế độ chưa đầy đủ. Nói về những định hướng của Krông Ana trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, ông Phan Thanh Lang chia sẻ thêm: “Trong thời gian tới, ngoài việc khắc phục những tồn tại trên, huyện sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo nghề phục vụ xuất khẩu lao động. Ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên trong diện tái định cư, con em gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và bộ đội xuất ngũ. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục chuẩn hoá và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý. Cải tiến chương trình đào tạo, bảo đảm khả năng liên thông giữa các trình độ, thực hiện tốt công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông trung học. Khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo, thành lập cơ sở đào tạo, liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao. Về các giải pháp thực hiện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi cơ bản, toàn diện nhận thức của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về việc học nghề là điều kiện để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới...”

 

Theo giamngheo.molisa.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top