Tổng hợp báo chí viết về ngành Thông tin và Truyền thông tuần 35 (từ ngày 24/8 đến ngày 30/8/2013)

Thứ sáu, 30/08/2013 13:56

Phản đối Bưu chính Trung Quốc phát hành tem vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn thành phố; siết chặt quản lý dịch vụ internet;... là những sự kiện nổi bật trong tuần được các báo điện tử phản ánh.

img

Từ năm 2014 các thiết bị thu, phát truyền hình số lưu hành ở Việt Nam phải được chứng nhận hợp quy, đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.  Ảnh minh họa: Internet

   BÁO CHÍ

+ Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí

UBND TP.HCM vừa ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn thành phố. Theo quy chế này, những người có quyền nhân danh cơ quan hành chính để phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước gồm: người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (gọi là người phát ngôn) hoặc ủy quyền phát ngôn trong trường hợp cần thiết (gọi là người được ủy quyền phát ngôn). Riêng người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Ngoài việc cung cấp thông tin định kỳ, người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn còn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng, có tác động lớn trong xã hội trên địa bàn TP thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình, thời gian chậm nhất là một ngày kể từ khi vụ việc xảy ra.

  Tin bài liên quan:

Đừng để quy chế chỉ là... trang giấy

- Không phát ngôn cho báo chí có thể bị xử lý hình sự

- Đừng vì lợi ích nhóm mà ngăn báo chí tác nghiệp

+ Có nên tích hợp tính năng thu số mặt đất và vệ tinh?

Một số nhà sản xuất đầu thu truyền hình số (STB) cho rằng, không nên tích hợp cả hai tính năng thu số mặt đất và số vệ tinh trong cùng một sản phẩm STB vì sẽ tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, cũng như tăng số tiền nhà nước phải bỏ ra để mua STB trang bị cho các gia đình chính sách. Theo tính toán của Công ty Cổ phần Hệ thống công nghệ Việt (Vsystem), nếu tích hợp cả thu số mặt đất và thu số vệ tinh giá thành STB sẽ tăng thêm 3 USD, giá bán ra thị trường STB thu số mặt đất khoảng 35 USD, còn đầu tích hợp cả thu số vệ tinh là 38 USD. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất đều có ý kiến cho rằng, nhà nước không nên quy định các nhà sản xuất STB tích hợp cả hai tính năng thu số mặt đất và thu số vệ tinh bởi sẽ tăng thêm giá bán và đội chi phí cho nhà nước khi mua STB cho các hộ dân thuộc diện được cấp miễn phí.

+ Mức thu cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 112/2013/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện, được áp dụng từ 1/10/2013. Theo đó, đối tượng nộp lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện là các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục Tần số vô tuyến điện) cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật. Thông tư nêu rõ, không thu phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với những đối tượng như: Đài vô tuyến điện của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam thuộc diện ưu đãi, miễn trừ ngoại giao; Đài vô tuyến điện chỉ phục vụ trực tiếp an ninh, quốc phòng sử dụng tần số cho mục đích an ninh, quốc phòng; Đài vô tuyến điện phục vụ nhiệm vụ phòng chống thiên tai, lụt bão sử dụng các tần số cho mạng thông tin phòng chống thiên tai, lụt bão...

+ Thiết bị thu, phát truyền hình số phải được chứng nhận hợp quy

Dự kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành quy định với chứng nhận hợp quy đối với các thiết bị thu, phát truyền hình số được sản xuất hoặc nhập khẩu vào thị trường Việt Nam vào cuối năm 2013. Theo Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Thông tin và Truyền thông), cuối năm 2013 Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành quy định về chứng nhận hợp quy đối với các thiết bị thu, phát truyền hình số được sản xuất hoặc nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Theo đó, tất cả những thiết bị như đầu thu truyền hình số, tivi có tích hợp đầu thu truyền hình số phải được sản xuất theo đúng quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Các doanh nghiệp phải tự công bố hợp quy và tuân thủ đúng các quy chuẩn được ban hành trước khi đưa vào thị trường. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo triển khai Đề án số hóa truyền hình mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thônghoàn thiện quy định về quản lý chất lượng đối với việc sản xuất, nhập khẩu thiết bị thu, phát tín hiệu truyền hình số theo hướng công bố hợp quy; nghiên cứu, xem xét vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ truyền dẫn, phát sóng. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất phương án kiểm tra, kiểm soát các thiết bị thu xem truyền hình số được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông tại thị trường Việt Nam.

 


   XUẤT BẢN

+ Dừng phát hành tiểu thuyết Đại gia vì "gây bất lợi xã hội"

Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối quan hệ làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cấp cao của nhà nước và những thủ đoạn, mánh khóe trong công tác tổ chức cán bộ. Công ty sách Alpha (Alphabook), đơn vị chuyên liên kết xuất bản các sách kinh điển về tri thức và quản trị doanh nghiệp, vừa phải gửi công văn cho các đối tác phát hành đề nghị dừng phát hành bộ tiểu thuyết 2 tập Đại gia  - liên kết xuất bản với NXB Lao Động. Alpha cũng đề nghị các đối tác thu hồi toàn bộ số ấn bản hiện tồn và gửi về kho của mình. Theo Cục Xuất bản: “Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối “quan hệ” làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cấp cao của nhà nước và những thủ đoạn, mánh khóe trong công tác tổ chức cán bộ. Cùng với đó là sự tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng của bộ máy quan chức các cấp từ trung ương đến địa phương. Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề “nhạy cảm” hiện nay với tính chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”.


   CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

+ Gần 100% UBND tỉnh của VN điều hành trên mạng

Sau ba năm triển khai Chương trình quốc gia về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước (2011-2015) và Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước (2011-2020), Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Thông tin được Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG đưa ra tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2013, ngày 28/8 cho thấy, tất cả các cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố ở Việt Nam đều có trang/cổng thông tin điện tử; 90% các đơn vị trực thuộc các Bộ, Sở, ngành, quận, huyện đã trang bị hộp thư điện tử; 95% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, 98% Ủy ban Nhân dân tỉnh và 54% Ủy ban Nhân dân huyện sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng. Con số này vào năm 2012 là 83,6% thông tin chỉ đạo ban hành được đưa lên mạng, 96,6% bộ ngành có website riêng, 100% các tỉnh thành phố có cổng thông tin điện tử.

+ Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng CNTT

Với chủ đề “Xây dựng hạ tầng CNTT-TT đồng bộ từ Trung ương đến địa phương tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội”, Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 17 đã khai mạc sáng 30/8, tại thành phố Huế. Hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Hội Tin học Việt Nam và Hội Tin học TPHCM đồng tổ chức. Hội thảo có ý nghĩa thiết thực khi các Bộ, ngành địa phương đang tích cực đẩy mạnh triển khai xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT), hạ tầng thông tin, chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các cơ quan chức năng, các chuyên gia, các nhà quản lý phối hợp hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về CNTT để trình Bộ Chính trị cuối tháng 9/2013. Bộ cũng đang hoàn thiện Luật An toàn thông tin trình Chính phủ cuối năm 2013 để Chính phủ trình Quốc hội năm 2014.

  Tin bài liên quan:

Hội thảo hợp tác phát triển công nghệ thông tin VN

+ Từ ngày 1-9, Nghị định 72/NĐ-CP có hiệu lực: Vững vàng không gian thông tin

Nghị định này chắn hẳn ra đời không phải để phong tỏa sự tiếp cận các tài nguyên Internet đối với công dân ta. Cũng không nhằm "tiêu diệt” những tiếng nói phản biện của người dân, không phải để "bóp nghẹt” quyền tự do ngôn luận. Khi ai cũng có quyền đưa thông tin lên mạng và như lâu nay không chịu trách nhiệm về thông tin mình đưa ra thì việc có một Nghị định ra đời để đảm bảo cho mọi công dân được quyền thông tin chính xác, không bị những người sử dụng internet làm tổn thương, để tránh những cách đưa tin bịa đặt, làm trong lành một "không gian xã hội” thời hiện đại. Cùng với các không gian mặt đất, biển và vũ trụ, giờ đây còn tồn tại không gian thứ tư là không gian thông tin. Ban hành Nghị định 72/2013/NĐ - CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, là thủ tiêu sự tụt hậu của nước ta về mặt an ninh mạng và hơn thế, chủ động vững vàng trong không gian thông tin.

  Tin bài liên quan:

Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về việc Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ 1/9: Không phải là sự "Trấn áp" tự do ngôn luận!

- Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói về Nghị định 72

- Quy định pháp luật về game online

- Sự phi lý của một thông cáo báo chí

+ Cải cách hành chính nên gắn liền công nghệ thông tin

“Muốn kiểm soát nền hành chính thì phải minh bạch, muốn minh bạch thì phải có công nghệ thông tin. Cải cách hành chính và công nghệ thông tin phải liên quan chặt chẽ đến nhau”. Ý kiến này vừa được ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nêu ra tại hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 11 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 28-8. Theo ông Hà, hai ban chỉ đạo CNTT và cải cách hành chính nên gộp làm một, nếu tách rời sẽ rất khó ứng dụng CNTTvào cải cách hành chính. “Thực tế các quận, huyện họ đâu có sợ cái ông CNTT, có khi mời họ còn không cho làm. Còn đụng đến cải cách hành chính thì họ sợ ngay, vì không cải cách hành chính sẽ ảnh hưởng đến thành tích”. Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, kể: “Từ năm 2003, TP Đà Nẵng cũng áp dụng đăng ký kinh doanh qua mạng nhưng đến năm 2011, Bộ KH&ĐT đưa vào chương trình mới thì phần mềm của chúng tôi cũng không sử dụng được nữa. Chính sự bất nhất giữa bộ và địa phương đã tạo nên khó khăn cho những người thừa hành và cho cả người dân”.

+ Khánh thành Cụm Thông tin đối ngoại tại thác Bản Giốc

Ngày 23/8, tại Trạm biên phòng thác Bản Giốc, Đồn biên phòng Đàm Thủy (Cao Bằng) đã diễn ra lễ bàn giao và khánh thành Cụm thông tin đối ngoại tại thác Bản Giốc. Khu vực Thác Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng là địa điểm đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 134/2007/QĐ-TTg ngày 17/8/2007 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng nhằm xây dựng và phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cao Bằng, xứng tầm với định hướng phát triển du lịch của khu vực và cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Phát triển Khu du lịch Thác Bản Giốc phải gắn với việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, an ninh, trật tự, an toàn xã hội . Đây là một trong những dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2012 - 2015. Dự án Cụm Thông tin đối ngoại Thác Bản Giốc là công trình thứ 2 được ban giao và khánh thành, sau Cụm Thông tin đối ngoại cửa khẩu Lao Bảo.

+ Vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam đã giảm mạnh

Ngày 29-8, tại buổi kỷ niệm 5 năm hợp tác bảo vệ bản quyền phần mềm máy tính giữa Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) với các cơ quan chức năng, đại diện BSA cho biết, Việt Nam đã không còn nằm trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính cao nhất nữa. Cụ thể, nếu như năm 2004 tỷ lệ vi phạm ở Việt Nam là 92% thì đến năm 2011 đã giảm xuống còn 81%, được đánh giá là quốc gia có bước tiến mạnh và khả quan nhất trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp. Nhân dịp này, với sự ủng hộ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, BSA giới thiệu cổng thông tin Verafirm địa chỉ www.verafirm.org, là hệ thống đăng ký online để các doanh nghiệp có thể tự đăng ký và quản lý phần mềm của mình

 Tin bài liên quan:

- Chống vi phạm bản quyền phần mềm: Việt Nam có những bước tiến mạnh me

+ CNTT phải trở thành tiêu chuẩn đánh giá hoạt động của các tổ chức

Năm 2000, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Chỉ thị này đã xác định: đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT nhằm góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hóa các ngành kinh tế, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Qua hơn 10 năm, CNTT đã bùng nổ phát triển, trở thành nền tảng của kinh tế tri thức, xã hội thông tin, tuy nhiên, CNTT Việt Nam cũng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, yêu cầu thực tiễn và chưa phát huy hiệu quả vai trò và lợi ích đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Để đề xuất những giải pháp cho giai đoạn phát triển tiếp theo, nhiều đại biểu tại Hội thảo xin ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về CNTT đã cho rằng CNTT trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trong các dự án, chương trình xã hội và hoạt động của các tổ chức, cơ quan.

+ Nhân lực CNTT: Cần chất lượng hơn số lượng

Bên cạnh việc phát triển số lượng để khỏa lấp sự thiếu hụt nhân lực trong ngành CNTT, thì việc đào tạo những kỹ sư đủ chất lượng là rất quan trọng, giúp CNTT của Việt Nam “bước cùng” với thế giới. Theo thống kê của Hội tin học TPHCM (HCA), hiện cả nước có 400 cơ sở đào tạo có liên quan đến CNTT. Từ nay tới năm 2015, mỗi năm ngành CNTT cần 20.000-25.000 người, trong khi quy mô đào tạo hiện mới chỉ đạt trên 10.000 người/năm. Nhưng đáng lo hơn, nếu tính số cử nhân đạt yêu cầu tuyển dụng thì còn thấp hơn nữa so với nhu cầu. Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực CNTT đang trở thành lực cản đối với nỗ lực của Việt Nam đưa CNTT trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực CNTT đang đặt ra trách nhiệm đối với ngành quản lý, mà trực tiếp là các cơ sở giáo dục, đào tạo. Chất lượng nhân lực CNTT chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp là hệ quả của nhiều yếu tố, như cách tổ chức của ngành giáo dục không phù hợp, quy trình đào tạo chưa được chuẩn hóa, giáo trình cập nhật chậm so với xu hướng trên thế giới, chưa đầu tư đào tạo kỹ năng mềm…

+ Bùng phát lừa đảo nạp thẻ game, thẻ điện thoại

Chỉ trong vòng một tháng, từ ngày 25-7 đến 25-8, có đến 782 khách hàng của Công ty cổ phần VNG gọi điện đến công ty tố cáo gần 60 website lừa đảo. Nhiều trường hợp giá trị tài sản bị lừa đảo qua mạng lên đến hàng chục triệu đồng. Cuối tháng 8-2013, trong công văn báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án hình sự năm 2013, UBND TP.HCM nhận định: “Tình hình hoạt động của tội phạm công nghệ cao nổi lên thủ đoạn sử dụng công nghệ viễn thông để hoạt động lừa đảo với các phương thức khai thác sử dụng trái phép dữ liệu bí mật cá nhân, mạo danh lừa dối chuyển hướng thanh toán, thành lập trang web để bán hàng qua mạng với giá thấp hơn nhiều so với giá thực tế…”. Có thể nói với sự kín đáo và ẩn danh của thế giới ảo, lừa đảo qua mạng đang bùng phát mạnh mẽ, trong khi việc phát hiện, xử lý loại tội phạm này còn nhiều bất cập. Hiện nay các đối tượng lừa đảo trực tuyến thường tập trung lừa đảo người dùng của các công ty điện thoại di động và các công ty cung cấp dịch vụ nội dung số trên mạng như Công ty FPT, VTC, VNG. Để đối phó với nạn lừa đảo online và hỗ trợ khách hàng của mình, hiện nay các công ty chủ yếu cũng chỉ có thể cảnh báo khách hàng và báo cáo tình trạng bị lừa đảo đến các cơ quan chức năng.

+ Hà Nội siết chặt quản lý dịch vụ Internet

Sáng 28/8, Đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội đã giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý dịch vụ Internet, trò chơi trực tuyến (game online) trên địa bàn thành phố từ năm 2009 đến nay và việc triển khai chương trình mục tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tại Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội. Theo báo cáo của Sở Thông tin – Truyền thông, năm 2009 trên địa bàn thành phố có hơn 3.000 đại lý Internet nhưng cho đến nay chỉ còn 1.340 đại lý tại 29 quận, huyện. Các đại lý kinh doanh Internet gần trường học đã cơ bản dừng hoạt động. Sở Thông tin – Truyền thông cũng đã chỉ đạo các đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về hoạt dộng quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet. Xử phạt vi phạm hành chính đối với 169 tổ chức, cá nhân; tịch thu 35 case máy tính; dừng hoạt động đối với 432 đại lý có khoảng cách đến trường học dưới 200m. Mặc dù đã tăng cường quản lý, việc kinh doanh Internet tại một số nơi vẫn gây nhiều bức xúc, làm mất trật tự an toàn xã hội, nhất là từ khi xuất hiện trò chơi trực tuyến (game online). 

Tin bài liên quan:

- Quản lý dịch vụ internet tại Hà Nội: Dần vào khuôn khổ

- Cư dân mạng cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo online

Sau nhiều năm gần như đóng băng, ngành Game online sẽ được “cởi trói” nhờ Nghị định 72 có hiệu lực vào 1/9 này. Tuy nhiên, đi cùng với nó là hệ lụy kéo theo: lừa đảo game online xuất hiện ngày một nhiều thêm. Theo một nhà cung cấp game, qua thống kê có tới trên dưới 20 website lừa nạp card điện thoại, thẻ game… hoạt động, tất cả đều mô phỏng theo chương trình khuyến mãi, tặng thêm thẻ cào. Hiện nay, có nhiều thủ đoạn lừa đảo game online, có những thủ đoạn giống như ma trận khiến người chơi game không biết mình đã bị lừa từ khi nào, như: giả mạo bang chủ, chiến hữu để vay tiền; trò ảo thuật từ các con số khi giao dịch; bán củ, vật phẩm bằng thẻ điện thoại; yêu cầu cung cấp mật khẩu để nhận code; giả mạo GM; lừa bán vật phẩm rồi đồ sát lấy lại… Lừa đảo online ngày càng tinh vi, có những trang web lừa đảo lập nên với các trò khuyến mại, trúng giải thưởng làm người chơi lầm tưởng. Theo đại diện của nhiều đơn vị truyền thông thì ngoài tăng cường kiểm tra, quản lý và giám sát các trò chơi trực tuyến của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cần phải cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo online rất tinh vi.

+ Sẽ có quy định triển khai các hệ thống thông tin đồng bộ từ TW đến địa phương

Tại cuộc họp Hội đồng Giám đốc CNTT của cơ quan nhà nước các Bộ, cơ quan ngang Bộ ngày 23/8, các thành viên Hội đồng đã đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Thông tư Quy định về triển khai các hệ thống thông tin đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Theo Dự thảo Thông tư thì Thông tư này sẽ quy định việc triển khai đồng bộ các Dự án ứng dụng CNTT quy mô quốc gia, quy mô ngành do các cơ quan Trung ương như các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc  Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước… chủ trì triển khai. Đối tượng áp dụng của Thông tư là các cơ quan Trung ương được giao chủ trì triển khai các ứng dụng CNTT thuộc Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, các Dự án ứng dụng CNTT thuộc các Chương trình, Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Các cơ quan Trung ương Chủ trì triển khai các Dự án triển khai hoạt động ứng dụng CNTT vào công tác quản lý của ngành, lĩnh vực mình quản lý trên phạm vi toàn quốc thuộc các Quy hoạch, Kế hoạch ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan nganh Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

+ VN triển khai hệ thống đăng ký phần mềm máy tính

Sáng 29/8, cổng thông tin Verafirm đã chính thức được triển khai tại Việt Nam. Đây là hệ thống đăng ký trực tuyến, công cụ để các doanh nghiệp có thể tự đăng ký và quản lý tài sản phần mềm của mình. Theo đó, khi tham gia vào hệ thống Verafirm, các doanh nghiệp có thể tự kiểm đếm hoặc thông qua đơn vị thứ ba để kiểm đếm những phần mềm máy tính của mình. Bên thứ ba này thực chất là các đơn vị đăng ký tham gia kiểm soát các chương trình phần mềm máy tính, thông qua sự giám sát chất lượng của Liên minh phần mềm BSA. Hệ thống Verafirm sẽ tiến hành kiểm chứng các phầm mềm máy tính có bản quyền mà doanh nghiệp khai báo và đưa ra những đánh giá về mức độ tuân thủ của các đơn vị khi sử dụng những phần mềm máy tính này.

+ Smartphone đang mất an toàn

Khảo sát mới nhất của Công ty An ninh mạng Bkav cho thấy, người dùng smartphone Việt Nam chưa quan tâm đúng mức việc bảo vệ dữ liệu và tài khoản trên smartphone. Nhiều trường hợp mua, bán, cho mượn hoặc mượn smartphone nhưng vô tư giữ nguyên tài khoản được cấu hình sẵn trên máy. Điều này dẫn đến nguy cơ để lộ những thông tin quan trọng như ảnh chụp, tin nhắn, e-mail, danh bạ… Mặc dù được các hãng bảo mật trong nước lẫn ngoài nước cảnh báo, nhưng thực tế rất ít người dùng smartphone quan tâm đến vấn đề bảo mật thiết bị - thông tin của mình. Thực tế còn thấy rõ hơn, mua một chiếc smartphone trên chục triệu đồng là chuyện thường, nhưng mua một phần mềm bảo mật vài USD thì tỏ ra ngần ngại… Đây chính là lý do smartphone ngày càng mất an toàn.

+ 15/10: Diễn tập toàn quốc ứng cứu sự cố mạng Internet

Sáng 29/8/2013, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cùng 10 cơ quan, doanh nghiệp đã diễn tập thử nghiệm điều phối ứng cứu sự cố mạng Internet với 10 quốc gia ASEAN, đồng thời bàn việc chuẩn bị cho đợt diễn tập toàn quốc ngày 15/10/2013. VNCERT cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đã tham gia cuộc diễn tập thử nghiệm do Nhật Bản chủ trì với sự tham gia của 10 nước ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand, Việt Nam) với mục đích thiết lập kênh liên lạc giữa các nước ASEAN khi có sự cố mạng Internet. Cuộc diễn tập bắt đầu từ 9h đến 10h30. Các đơn vị, cơ quan tham gia đã cùng VNCERT thảo luận về những phương án ứng phó cụ thể đối với những tình huống này, đặc biệt là cách thức thiết lập đầu mối kênh tiếp nhận thông tin cũng như phương thức, quy trình chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan. Các cuộc diễn tập thử nghiệm sẽ giúp các cơ quan, đơn vị của Việt Nam có thêm kinh nghiệm cho đợt diễn tập toàn quốc ngày 15/10 cũng như tăng khả năng sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các sự cố mạng máy tính, Internet diễn ra trong thời gian tới.

 


  VIỄN THÔNG

+ Ông Trần Mạnh Hùng nhận bàn giao nhiệm vụ Tổng giám đốc VNPT

Sáng  26/8/2013, ông Vũ Tuấn Hùng - nguyên Tổng giám đốc VNPT đã chính thức bàn giao nhiệm vụ Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho ông Trần Mạnh Hùng dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng. Tại lễ bàn giao nhiệm vụ, ông Vũ Tuấn Hùng đã có bài phát biểu khoảng 5 phút nói về các công việc và những vấn đề của VNPT mà ông có vai trò "đứng mũi chịu sào". Ông Vũ Tuấn Hùng cho rằng, trong quá trình làm việc không thể tránh khỏi sai sót, nhưng ông đã cố gắng hết sức để làm những công việc được giao. Sắp tới, ông sẽ sẵn sàng kiểm điểm về trách nhiệm cá nhân theo kết luận thanh tra vừa qua. Phát biểu tại lễ bàn giao, ông Trần Mạnh Hùng cho biết, tình hình sản xuất của VNPT trong những tháng đầu năm không được thuận lợi. Nhiệm vụ trước mắt của toàn thể tập đoàn vẫn còn rất nhiều việc nhằm thúc đẩy VNPT phát triển. Ông Trần Mạnh Hùng gửi lời cảm ơn ông Vũ Tuấn Hùng đã giúp đỡ trong thời gian qua.  Ông Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh nhiệm vụ sắp tới chắc chắn sẽ rất nặng nề và một mình Tổng giám đốc không làm nổi nên cần sự đồng lòng của tất cả cán bộ VNPT.

+ Viettel mở rộng thị trường 3G tại Cameroon

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) hiện đang xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng 3G, cung cấp dịch vụ thoại và di động tốc độ cao tại Cameroon (châu Phi). Tại Cameroon, Viettel đã liên doanh với Công ty Bestinver Cameroon S.A.R.L để thành lập Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L. Đây là công ty viễn thông lớn nhất ở Cameroon với 6.000 nhân viên và quản lý một mạng lưới phủ sóng tới 81% diện tích tại quốc gia này. Trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại có sự hợp tác với IBM (Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia), Viettel kỳ vọng sẽ cung cấp những dịch vụ di động tích hợp tiên tiến tới hàng triệu thuê bao mới tại Cameroon.Hiện tại, điện thoại di động ở Cameroon phần lớn được sử dụng cho các cuộc đàm thoại đơn thuần, chưa phổ biến cho các ứng dụng đòi hỏi khả năng xử lý dữ liệu phức tạp vì cơ sở hạ tầng tại đây rất hạn chế. Tuy nhiên, việc giới thiệu dịch vụ 3G lần này của Viettel Cemeroon S.A.R.L sẽ mở ra một cơ hội mới cho gần 6 triệu thuê bao tại nước này (dự kiến đến năm 2017).

 Tin bài liên quan:

- Viettel chọn giải pháp Điện toán Thông minh hơn của IBM để mở rộng dịch vụ di động 3G tại châu Phi

+ Viettel tuyên bố bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông

Năm 2013, Viettel đã chính thức tuyên bố từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông, chuyển sang khái niệm nhà cung cấp dịch vụ. Hiện nay, Viettel đã đầu tư hạ tầng mạng truyền dẫn lớn nhất Việt Nam với 200.000 km cáp quang, vùng phủ 3G đã đạt 80% dân số, ngang hàng với các nước phát triển. Ngày 28/8/2013, Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin, đại diện cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã tham dự Hội thảo và Triển lãm Quốc gia về chính phủ điện tử năm 2013 do Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG tổ chức tại Hà Nội. Cách triển khai của Viettel là thực hiện may đo theo từng đơn đặt hàng để người sử dụng không phải thay đổi thói quen. Thời gian qua, Viettel đã hợp tác với các cơ quan ban ngành và các Tập đoàn hàng đầu Việt Nam triển khai thành công các dự án ứng dụng CNTT lớn như: Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc cho Văn phòng Chính Phủ, Hệ thống thông quan điện tử đối với tàu biển (e Manifest), Hệ thống Chính quyền điện tử tại Hà Giang, Hệ thống cung cấp bộ sản phẩm quản lý nhà trường (SMAS), Hệ thống quản lý bán hàng trực tuyến trên nền tảng 3G cho Vinamilk…

+ Cước 3G có thể tăng vì “tội đồ” OTT

Lãnh đạo Viettel nói nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và Viber thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm 40 - 50%...Nhiều khả năng thời gian tới, giá dịch vụ 3G sẽ tiếp tục được các nhà mạng điều chỉnh tăng lên. Với những “đánh động” của một số lãnh đạo mạng di động gần đây về tác động của Zalo, Viber, Wala, Line, WhatsApp, KakaoTalk... - những dịch vụ OTT (Over The Top) cho phép nhắn tin, gọi điện miễn phí được xem là đã và đang gây thất thoát hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng và đang đe dọa doanh thu của nhà mạng, thì có lẽ việc tăng giá cước 3G là điều không tránh khỏi, vấn đề chỉ là thời gian.Theo nguồn tin của VnEconomy, có nhà mạng đã soạn sẵn lộ trình tăng giá cước dịch vụ 3G trong thời gian tới, có điều thời điểm ấn định cụ thể như thế nào thì chưa xác định. Đáng chú ý, một trong những lý do dẫn đến việc tăng giá cước 3G của nhà mạng tới đây, dịch vụ OTT được xem như là một… “tội đồ”.

 Tin bài liên quan:

- Nhà mạng muốn tăng cước 3G, vì sao?

+ Cận cảnh smartphone sản xuất đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 29/8, Công ty VNPT Technology (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT) đã chính thức ra mắt điện thoại thông minh (smartphone) Vivas Lotus S1. Đây là dòng điện thoại thông minh thương hiệu Việt đầu tiên được nghiên cứu, thiết kế và phát triển, sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận hợp quy vào tháng 7/2013. Theo đại diện của VNPT Technology, đây là sản phẩm đầu tiên nằm trong chuỗi sản phẩm smartphone sẽ được ra mắt trong thời gian tới. Trước đó, một số công ty công nghệ ở Việt Nam như FPT, Viettel… cũng tung ra các smartphone phân khúc trung bình. Song, các sản phẩm thương hiệu Việt này đều được sản xuất tại Trung Quốc. Sản phẩm có cấu hình khá tốt như bộ vi vi xử lý tốc độ 1 Ghz, Ram 512 Mb, bộ nhớ trong 4Gb, Camera chính ở mặt lưng 5 Megapixel, khe cắm thẻ nhớ Micro SD có dung lượng tối đa 32 Gb, được trang bị những kết nối thông dụng như 3G, wifi, GPS và Bluetooth. Máy dùng hệ điều hành Android 4.0.4.

   Tin bài liên quan:

Bất ngờ lớn: Công ty công nghệ của VNPT làm Smartphone

+ Người dùng ĐTDĐ bị “móc túi”

Các loại mã độc tại Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều khiến người dùng điện thoại di động lo bị “móc túi”.  Hàng loạt mã độc sử dụng cùng một chiêu thức ăn cắp tiền bằng cách tự động gửi tin nhắn SMS đến một đầu số tổng đài nào đó và người dùng sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà hoàn toàn không biết. Đánh vào sự bất cẩn hay thói quen truy cập các trang web “đen” của người dùng..., các loại mã độc này là mối nguy về an toàn thông tin. Gần đây, rất nhiều người dùng phản ánh họ bỗng dưng bị trừ tiền trong tài khoản mà không rõ lý do dù không gọi điện hay nhắn tin trước khi kiểm tra tài khoản. Một số người dùng khác phản ánh sau khi truy cập vào các đường link trong các tin nhắn WAP (giao thức truy cập thông tin không dây cho di động) được gửi đến điện thoại của họ thì sau đó phát hiện tài khoản bị trừ mất từ 5.000-15.000 đồng. Chuyên gia của Kaspersky Việt Nam nhận định điều này xảy ra sau khi người dùng click vào các link trong các tin nhắn WAP hay vào các trang cung cấp nhạc chuông, hình ảnh… miễn phí đang có rất nhiều trên mạng thì điện thoại tự động gửi tin nhắn đến một đầu số nào đó được lập trình sẵn khiến người dùng mất phí tin nhắn SMS. 


  BƯU CHÍNH

+ Phản đối Trung Quốc phát hành tem vi phạm chủ quyền với Hoàng Sa

Vụ Bưu chính - Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam vừa lên tiếng phản đối việc Bưu chính Trung Quốc phát hành tem vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Vừa qua, Bưu chính Trung Quốc đã phát hành bộ tem phổ thông 6 mẫu mang tên “Mỹ lệ Trung Quốc”, trong đó có một mẫu tem mang tên "Tam Sa Thất Liên Dữ" in hình các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (giá tem mẫu mặt 1,2 tệ). Đây là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Bưu chính Trung Quốc phát hành mẫu tem “Tam Sa Thất Liên Dữ” là không phù hợp với các quy định của Văn kiện Liên minh Bưu chính Thế giới (Điều 8, Công ước). Cơ quan Bưu chính Việt Nam phản đối hành động nêu trên của Bưu chính Trung Quốc và yêu cầu Bưu chính Trung Quốc tôn trọng sự thật, hủy ngay mẫu tem, phong bì và bưu ảnh in hình các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, không để tái diễn hành động tương tự, góp phần xây dựng mối quan hệ giữa hai ngành Bưu chính nói riêng và hai nước Việt Nam – Trung Quốc nói chung.

 Tin bài liên quan:

-  Phản đối Bưu chính Trung Quốc phát hành tem vi phạm chủ quyền Việt Nam

+ TP.Huế: Trưng bày tem thư mừng Quốc khánh 2/9

Từ ngày 20/8 đến 10/9/2013, tại Bảo tàng Văn hóa Huế ở 25 Lê Lợi, TP.Huế, Hội tem tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Bảo tàng Văn hóa Huế tổ chức phòng trưng bày sưu tập tem "Thông điệp thời gian và tình yêu". Đại diện Hội tem tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, góp mặt trong cuộc triển lãm tem thư lần này có 12 bộ sưu tập tem chuyên đề của 12 nhà sưu tập tem thuộc Câu lạc bộ Tem Huế. Mười hai bộ sưu tập tem được giới thiệu tại cuộc triển lãm lần này giới thiệu 12 chủ đề khác nhau, đã được các nhà sưu tập tem đất cố đô lựa chọn kỹ càng để gửi đến công chúng. Mỗi bộ sưu tập ẩn chứa phía sau đó sự công phu, tỷ mỷ của người sưu tầm. Theo ghi nhận của một số nhà sưu tập tem có mặt tại Huế đợt này, trong những ngày vừa qua, trung bình mỗi ngày phòng trưng bày tem thư “Thông điệp thời gian và tình yêu” đã thu hút hàng trăm lượt khách đến xem. Những bộ sưu tập đã tạo được ấn tượng với khách tham quan phải kể đến như: hình tượng Bác Hồ trên tem bưu chính Việt Nam và thế giới từ năm 1946, chiến thắng Điện Biên Phủ, nét văn hóa Huế trên tem thư, cộng đồng các dân tộc Việt Nam... Theo kế hoạch, phòng trưng bày tem thư sẽ được mở cửa tự do đến hết ngày 10/9/2013.

* Chuyên mục này có mục đích tổng hợp các bài báo viết về ngành Thông tin và Truyền thông trong tuần để giúp cán bộ quản lý, cán bộ công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông cũng như bạn đọc có thông tin nhiều chiều, toàn diện. Nội dung các bài báo được tổng hợp không phản ánh quan điểm, chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Ban Biên tập.

Hải Nam
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top