Mạng di động của Masan tham gia liên minh chặn cuộc gọi rác

Thứ tư, 07/09/2022 09:05

Mạng di động ảo Reddi của Tập đoàn Masan vừa ký thoả thuận cam kết để thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác.

202297-h1.jpg

Như vậy, Reddi là mạng di động thứ 8 và là mạng cuối cùng chính thức ký thoả thuận cam kết để thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh. Trước đó, ngày 29/8/2022, dưới sự chứng kiến của Cục Viễn thông, các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thoả thuận cam kết này.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, cuộc gọi rác còn được hiểu là những cuộc gọi không mong muốn, gây phiền nhiễu đến người dùng, thậm chí là lừa đảo, đa phần là những cuộc gọi chưa được định danh. Thực tế cho thấy, nhiều người dùng vẫn cần thông tin từ cuộc gọi quảng cáo, việc quảng cáo dịch vụ cũng là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Để làm điều đó, các thuê bao thực hiện quảng cáo phải được đăng ký định danh. Đến nay, đã có đầy đủ hành lang pháp lý cho việc này, nếu các cuộc gọi được định danh sẽ không còn là cuộc gọi rác.

Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh rằng cần sự chung tay của cả xã hội mới giải quyết triệt để vấn đề. Sau khi thuê bao nghi ngờ kết thúc cuộc gọi, nhà mạng gửi tin nhắn cho người dùng trực tiếp phản hồi. Chính người dùng sẽ quyết định một thuê bao có phải là thuê bao thực hiện cuộc gọi rác hay không. Các nhà mạng sau đó sẽ xử lý dựa trên quy định đã có.        

Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định sẽ kiên quyết thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc thực hiện việc xử lý SIM rác, phải làm sạch thông tin thuê bao, tránh gây hệ lụy cho xã hội, không thể bắt người dân chịu gánh nặng này.

Hiện trên thị trường di đông Việt Nam có 4 mạng di động ảo là: Local, iTel và Reddi. Công ty TNHH Dịch vụ số DIGILIFE Việt Nam (thuộc VNPAY - Fintech hàng đầu trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam) cũng đã chính thức được cấp giấy phép kinh doanh mạng viễn thông di động ảo. Trong đó, mạng di động Local sử dụng hạ tầng của MobiFone. Mạng iTel sử dụng hạ tầng của VNPT. Hiện chỉ còn DIGILIFE Việt Nam chưa công sẽ sử dụng hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nào. 

Mạng đi động ảo thương hiệu Reddi có đầu số 055 và sử dụng hạ tầng của VNPT để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Hồi tháng 9/2021, Công ty TNHH The Sherpa – một thành viên của Tập đoàn Masan đã công bố hoàn tất mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Mobicast, đơn vị đang sở hữu mạng di động ảo Reddi với số tiền là 295,5 tỷ đồng.

Masan hiện sở hữu các nền tảng tiêu dùng từ các công ty thành viên và liên kết như VinCommerce, Techcombank và Phúc Long. Để phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng am hiểu và thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cần có giải pháp tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng. Việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là bước đầu cho Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life” và mang đến trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online. “Point of Life” là hệ sinh thái tiêu dùng duy nhất phục vụ từ nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính đến dịch vụ số. Đây là những dịch vụ thiết yếu chiếm 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt. Sau thương vụ này, Reddi được tiếp cận độc quyền đến tập khách hàng của Masan thông qua các điểm bán trực tiếp và trực tuyến trên toàn quốc. 

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, mạng di động ảo là mô hình mới tại Việt Nam. Hiện Việt Nam có 2 nhà mạng cung cấp theo mô hình này. Đây là mô hình có thể triển khai nhanh các dịch vụ trên toàn quốc, tiết kiệm hạ tầng và tài nguyên, mang lại giá trị mới cho khách hàng.

theo vietnamnet.vn
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top