Gian trưng bày nông sản cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng của huyện Lục Ngạn tại hội chợ Cam, bưởi năm 2020.
Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang vào vụ thu hoạch, tiêu thụ các sản phẩm trái cây. Với diện tích trồng cam là 4.142 ha, sản lượng 38.195 tấn, diện tích trồng bưởi là 2.252 ha, sản lượng 14.756 tấn, các cây có múi khác là 346 ha, sản lượng 7.049 tấn và một số loại cây căn quả khác như: táo 527 tấn, sản lượng trên 8.000 tấn; ổi 100 ha, sản lượng trên 100 tấn; nhãn 852 ha, sản lượng khoảng 4.000 tấn…
Là địa phương có diện tích, sản lượng cây có múi lớn nhất tỉnh, các cấp lãnh đạo huyện Lục Ngạn quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" về phòng, chống dịch COVID-19 và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong mùa thu hoạch. UBND huyên Lục Ngạn đã xây dựng kế hoạch tiêu thụ theo 2 phương án tiêu thụ cây có múi.
Cả phương án 1 và 2 đều xác định sản phẩm chủ yếu bán tươi khoảng 55.000 tấn tại thị trường nội địa, việc tiêu thụ bị hạn chế do cam, bưởi ở Bắc Giang chưa có thị trường xuất khẩu, còn lại sẽ chế biến đóng lon, sấy khô… tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Hướng tiêu thụ của huyện tập trung vào các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh, Đồng Nai…, tiếp đó làm việc với các nhà phân phối, các tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam như GO, SaiGon.Coop, Happro, Vinmart, Vinmart++… Huyện sẽ phối hợp với Sở Công thương, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) - Bộ Công thương, các sàn thương mại điện tử tăng cường quảng bá, bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT: Sendo (FPT) , Voso (Viettelpost) Tiki-BigC/GO, Shopee, Lazada, Postmart (Vnpost) dacsanlucngan.com…
Trên địa bàn huyện có xuất hiện ca F0, hoạt động tiêu thụ diễn ra bình thường song do có phần hạn chế do tâm lý e ngại của các DN, thương nhân khi đến thu mua tại địa bàn, UBND huyện sẽ thường xuyên thông tin cho các thương nhân về tình hình sản xuất, các quy định lưu thông hàng hóa trên thị trường tại các tỉnh/thành trong cả nước. Theo đó, Huyện hỗ trợ thương nhân, lái xe test nhanh COVID-19 và hướng dẫn cấp giấy vận chuyển hàng hóa trên cơ sở thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch. Huyện cũng thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm được tổ chức thông qua hội nghị trực tuyến.
Công tác xúc tiến, truyền thông được Huyện đặt lên hàng đầu, chủ động chuẩn bị chu đáo địa điểm (trang trại, hộ sản xuất, hợp tác xã, DN, các mô hình sản xuất tiêu thụ tiêu biểu…) để đón tiếp các thương nhân, DN, các đoàn khách trong và ngoài nước, các cơ quan thông tấn báo chí đến thăm, khảo sát, tìm hiểu vùng sản xuất để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.
Hình thức tuyên truyền trên bao bì cũng được lựa chọn, in đầy đủ thông tin: Tên sản phẩm, nơi sản xuất, đóng gói, tên nhà vườn, mã QRcode, đặc biệt là thông tin về sản phẩm an toàn, cam kết về chất lượng, an toàn về thực phẩm không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Hình thức quảng cáo, chào bán sản phẩm đặc trưng trên trang web TMĐT dacsanlucngan.vn, trên các trang mạng xã hội được nâng cao.
UBND huyện còn hỗ trợ 50% kinh phí in bao bì, hộp catton đựng cam, bưởi cho các tổ chức, nhà vườn tham gia liên kết chuỗi du lịch trải nghiệm; Hỗ trợ 50% tổng giá trị mua sản phẩm cho tổ chức, cá nhân đầu tiên đặt mua sản phẩm cam, bưởi, táo, ổi Lục Ngạn qua sàn TMĐT với sản lượng đặt mua trên 5 tấn nhằm thúc đẩy tiêu thụ. Ngoài ra, huyện còn thành lập các tổ tình nguyện, phối hợp với Sở Công thương liên hệ các tỉnh, thành phố tổ chức các điểm bán lưu động tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư…
Hiện nay, mặt hàng nông sản cam bưởi trên địa bàn huyện đang bước vào đầu mùa của vụ thu hoạch. Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, các thành phần kinh tế, thương nhân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia thu hoạch, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện năm 2021 phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND Huyện Lục Ngạn khẳng định: Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đối với hoạt động sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ các nông sản đặc trưng tại địa phương, đơn vị; đề ra các phương án, giải pháp tiêu thụ phù hợp nếu dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp./.