Lực lượng công binh với Đường Hồ Chí Minh trên biển

Thứ tư, 03/11/2021 10:03

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cách mạng miền Nam là một kỳ tích, nét độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

dsc-5738.jpg

Bãi cọc tại Bến K15, Đồ Sơn (Hải Phòng) hiện nay. Ảnh: SƠN BÌNH.

Trong quá trình xây dựng và bảo đảm hoạt động cho tuyến vận tải chiến lược trên biển, lực lượng công binh đã có những đóng góp quan trọng, góp phần cùng quân, dân cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1963, Đoàn vận tải quân sự 759 được trang bị các loại tàu vỏ sắt, trọng tải từ 50 đến 100 tấn, để bảo đảm cho tàu nhận hàng thuận lợi và có năng suất cao, Quân ủy Trung ương quyết định khẩn trương xây dựng một cầu tàu (ký hiệu K15) tại bờ biển Đồ Sơn (Hải Phòng). Nhiệm vụ này được Bộ Tổng Tham mưu giao cho Cục Công binh (tiền thân của Binh chủng Công binh) chịu trách nhiệm thi công với yêu cầu nhanh chóng, bảo đảm kỹ thuật, bí mật tuyệt đối. Hai đại đội thuộc Trung đoàn vượt sông 249 và một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn cầu đường 83 (khi đó trực thuộc Cục Công binh) thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này.

Vị trí được chọn làm cầu tàu giống như một vịnh nhỏ, ba hướng có núi bao quanh, hướng chạy ra biển khá kín đáo và khuất gió, đáp ứng đầy đủ các yếu tố bí mật. Cầu tàu được thiết kế hình chữ T, mặt rộng 6m, thân dài 60m, phần ngang rộng 6m, dài 12m; kết cấu khung dầm bê tông cốt thép. Mố cầu tàu nằm dưới chân núi Nghinh Phong (Đồ Sơn, Hải Phòng). Đường lên xuống cầu tàu phải tiến hành đào, đắp khoảng hơn 500m3 đất, đá để tạo độ dốc cho xe lên xuống an toàn. Một yếu tố kỹ thuật quan trọng khi làm cầu tàu là bộ phận thiết kế, thi công phải nắm được biên độ lên xuống của thủy triều để xác định vị trí đặt mố cầu sao cho chỗ sâu nhất đạt 9,4m (thủy triều lên), chỗ nông nhất đạt 3m (thủy triều xuống) và từ vị trí đó vào đến mép nước khoảng 50m, bảo đảm thích hợp cho tàu trên 100 tấn cập bến nhận hàng, ra vào thuận lợi, an toàn. Trong quá trình xây dựng, Cục Công binh đã chuẩn bị và bảo đảm gần như toàn bộ khối lượng vật tư công trình. Từ vật tư liên kết đến các vật liệu gỗ, sắt được sản xuất, chế sẵn từ doanh trại đơn vị công binh đóng quân ở Hòa Bình chở đến chân công trình. Cọc bê tông và cấu kiện thép, khung dầm hợp đồng với nhà máy đúc bê tông của Bộ Giao thông vận tải sản xuất theo đúng quy cách, chất lượng và thời gian quy định.

Ngày 30-4-1963, đơn vị triển khai thi công. Với tinh thần trách nhiệm cao và luôn hiểu rõ chiến trường miền Nam đang từng giờ, từng phút chờ mong những chuyến hàng chi viện, cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng cầu tàu đã lao động liên tục 3 ca trong ngày, không ngại khó khăn, vất vả và sự khắc nghiệt của thời tiết. Cọc chân cầu đóng xong đến đâu, lao dầm lát ván luôn đến đó, từng nhịp cầu hoàn thành vươn dần ra biển.

Ngày 15-5-1963, cầu tàu K15 vững chãi được hoàn thành. Chiếc ô tô Gaz-63 thử tải chạy trên cầu an toàn trong niềm vui hân hoan của những người lính công binh tham gia xây dựng cầu. Niềm vui như được nhân đôi vì ngay sau khi bàn giao cầu K15 cho Đoàn 759, chiếc tàu không số đầu tiên đã cập bến an toàn, nhận hàng rồi ra khơi chi viện cho chiến trường miền Nam. Cầu tàu K15 đã trở thành cột mốc số 0 của con đường vận tải chiến lược trên biển, cùng với Đường Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn để hình thành mạng lưới giao thông như hai cánh tay vươn dài để chi viện đắc lực cho miền Nam ruột thịt.

Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng cầu tàu K15, để tiếp tục bảo đảm cho tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, lực lượng công binh đã được giao nhiệm vụ tổ chức rà phá bom mìn, thủy lôi, chống chiến tranh phong tỏa để khơi luồng thông lạch, mở lối cho những con tàu không số ra khơi, vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

17-2-in.jpg

Công trình nhà giàn DK1 trên biển có sự tham gia của những người lính công binh. Ảnh: NGỌC NGUYỄN.

Đặc biệt, cuối năm 1972, không quân Mỹ tập trung đánh phá 20 luồng lạch trên biển, 12 cửa sông và 81 điểm ở các sông trong nội địa thông với Hải Phòng. Các lạch cửa Nam Triệu, Lạch Tàu, cửa Văn Úc đến cửa sông Thái Bình đều có thủy lôi và mìn từ trường ngăn chặn, buộc các tàu lớn ra vào cảng phải tạm ngừng hoạt động. Trong hoàn cảnh Hải Phòng tạm thời bị cô lập, quân và dân ta đã vượt lên khó khăn để làm thất bại âm mưu phong tỏa của kẻ thù. Nhiệm vụ rà phá bom mìn, thủy lôi ở Hải Phòng chủ yếu được giao cho lực lượng công binh, hải quân, Sư đoàn 350 và các tổ đội dân quân, tự vệ tại chỗ.

Để thực hiện rà quét mìn có hiệu quả, lực lượng công binh đã phối hợp với các lực lượng tiến hành các biện pháp kỹ thuật gây nổ bằng bộc phá, dùng máy bay thả các khối thuốc nổ gắn với loại kíp nổ riêng chịu được áp suất lớn... biện pháp này đã mang lại hiệu quả rà, phá nhanh gọn, gây nổ được mìn từ trường và làm tê liệt thủy lôi MK-52.

Khi rà quét mìn ở vùng biển lặng sóng, lực lượng công binh đã sử dụng máy phóng từ 480 lắp trên ca nô, tàu 50 tấn hoặc xe lội nước để gây nổ mìn từ trường ở các cự ly, xa nhất là 30m, trung bình là từ 15-20m. Khi rà quét mìn ở trong các cửa sông ít sóng gió, các lực lượng đã dùng máy phóng từ 311 lắp trên các xuồng gỗ, xuồng nhựa có bơi chèo và máy đẩy. Lực lượng công binh cùng các lực lượng khác đã phát hiện và phá được trăm quả mìn từ trường, đồng thời trục vớt và tháo gỡ hàng chục quả thủy lôi MK-52. Đến ngày 18-1-1973, ta đã chính thức khơi thông luồng lạch. Từ năm 1973, đã có hàng nghìn lần chiếc tàu ra vào cảng an toàn, không có trường hợp nào bị tai nạn nổ do bom mìn, thủy lôi còn sót lại gây ra.

Trước đó, trong 2 năm (1966-1968), tại cảng Hải Phòng ta đã tổ chức được 28 tổ đội công binh rà phá bom, mìn, thủy lôi gồm 860 người. Với hệ thống đài quan sát bom, mìn, thủy lôi đặt ở khắp nơi, ta nhanh chóng xác định được vị trí, số lượng, cũng như chủng loại bom mìn, giúp cho các đơn vị có biện pháp phá gỡ nhanh chóng.

Thực tiễn đã chứng tỏ, cuộc chiến đấu chống địch sử dụng bom, mìn và thủy lôi phong tỏa đường biển, đường sông nói chung và trên con đường huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển nói riêng là cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, nhiều sáng kiến giàu trí tuệ vận dụng để chiến thắng bom, mìn thuỷ lôi của địch, nhiều địa danh, con người, sự kiện về cuộc chiến đấu này đã đi vào lịch sử dân tộc. Những tấm gương, sự kiện, chiến công trên con đường huyền thoại ấy, mãi mãi không phai mờ, góp phần quan trọng vào hoạt động xây dựng và phát triển lực lượng công binh.

Thiếu tướng TRẦN TRUNG HÒA, Tư lệnh Binh chủng Công binh

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top