Ngày nay, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông đã tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của toàn cầu, trong đó có lĩnh vực xuất bản. Xuất bản điện tử đang có tốc độ phát triển cực kỳ nhanh chóng. Chỉ 2 - 3 năm trước đây sách điện tử còn được xem là một phương thức đọc chỉ dành riêng cho người thích công nghệ thì hiện nay, trên thế giới sách điện tử đã vượt xa sách in cả về doanh thu lẫn số bản. Thậm chí, theo dự báo trong khoảng 10 năm tới, sách in sẽ giảm chỉ còn bằng 50% hiện nay và thay vào đó là sách điện tử. Sách điện tử cũng được xem là cứu cánh của văn hóa đọc khi lượng trẻ em nhờ có sách điện tử quay lại đọc sách tăng cao do nó có nhiều tính năng hấp dẫn, thuận tiện như âm thanh, hình ảnh, tính tương tác.
Những năm gần đây, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện các sách điện tử đăng tải trên các thiết bị điện tử và Internet lôi cuốn một bộ phận bạn đọc đông đảo nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, hoạt động xuất bản sách điện tử ở Việt Nam đang xuất hiện những bất cập mà hoạt động quản lý còn chưa tiếp cận bởi còn thiếu hệ thống luật pháp tương ứng cũng như những biện pháp cụ thể để đưa hoạt động xuất bản ứng dụng công nghệ thông tin nước ta tiến kịp với các nước khác trên thế giới, đồng thời có được hành lang pháp lý thuận lợi để hoạt động này phát triển lành mạnh và đúng định hướng.
Vi phạm bản quyền tràn lan
Không phải ngẫu nhiên mà Luật Xuất bản 2012 đề cập tới xuất bản phẩm điện tử và nhận định đây là mảng nội dung quan trọng nhất trong lần sửa đổi này. Sở dĩ sách điện tử được chú ý bởi suốt thời gian qua, rất nhiều các đơn vị xuất bản như: Kim Đồng, Trẻ, v.v… đều phàn nàn vì nhiều xuất bản phẩm của họ bị làm lậu, trắng trợn phát tán rộng rãi trên hàng chục trang web và diễn đàn như: www.e-thuvien.com/forums, www.360-books.com, www.vnthuquan.net, www.ebook4u.vn, www.ebook.edu.vn... thu hút khoảng 500.000 thành viên, được phép tải miễn phí hoặc trả phí mỗi lượt tải cho tất cả sách điện tử được đưa lên (với giá khoảng vài ngàn đồng/lần). Điều đó có nghĩa hàng trăm ngàn người đã sử dụng trái phép sản phẩm sách của các đơn vị xuất bản trên mà không phải trả tiền hoặc chỉ trả một số tiền rất ít so với giá trị thực của cuốn sách, còn đối tượng thu lời chính là chủ những trang web này.
Cùng sự thịnh hành sử dụng các công cụ đọc sách điện tử trên máy tính bảng như iPad, Kindle…, nhiều đơn vị bán các sản phẩm trên đang ra sức “dụ” người mua bằng chiêu tặng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sách điện tử miễn phí khi mua máy tính bảng. Việc tặng kèm này đã khuyến khích người tiêu dùng tích cực sử dụng công nghệ và dần hình thành thói quen đọc sách điện tử. Tuy nhiên cũng có không ít công ty bán sản phẩm tặng kèm cả sách điện tử lậu, sách điện tử có nội dung độc hại cho người mua vì lý do sách điện tử dễ tải từ mạng và khan hiếm sách điện tử có bản quyền. Thị trường phát hành sách điện tử ở nước ta vẫn được nhận định trong cảnh “nhá nhem”, chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh cụ thể và bảo hộ chính thức.
Sẽ điều chỉnh việc xuất bản và phát hành sách điện tử
Chính vì những lý do trên, việc Luật Xuất bản 2012 dành vị trí ưu tiên cho xuất bản phẩm điện tử là điều dễ hiểu. Đây cũng là một trong những nội dung mới so với Luật năm 2004 và Luật bổ sung, sửa đổi năm 2008. Ngoài các quy định có liên quan tại Chương I, Chương II và Chương IV, hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử sẽ được điều chỉnh bằng một chương riêng (Chương V) với các điều luật khá cụ thể như: điều kiện hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; cách thức thực hiện xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; kỹ thuật, công nghệ để xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; nộp lưu chiểu và nộp cho Thư viện Quốc gia Việt Nam xuất bản phẩm điện tử; quảng cáo trên xuất bản phẩm điện tử; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử; xử lý vi phạm; hướng dẫn thi hành về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Các quy định này về cơ bản đã bao quát các đối tượng, hình thức, điều kiện, trách nhiệm và quyền hạn tham gia thực hiện xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; điều chỉnh các hoạt động phát sinh trong thực tiễn, có tính dự báo, tính khả thi cao hơn để điều chỉnh hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong việc quản lý hoạt động xuất bản điện tử trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển rất nhanh./.