Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: “Biên giới quốc gia (BGQG) là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đang đặt ra cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật BPVN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới”.
“Hiện nay, hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều lực lượng thuộc các bộ, ngành. Nhưng thực tế, việc thực thi nhiệm vụ biên phòng còn có những hạn chế, bất cập; công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư của Nhà nước, địa phương vào một số chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng biên giới vẫn còn dàn trải, chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng BGQG vững mạnh”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ BGQG” đã xác định cụ thể: “Xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới”...
Theo báo cáo thẩm tra Luật BPVN, về nhiệm vụ biên phòng (Điều 5), nhiệm vụ của BĐBP (Điều 14), lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 7), vẫn còn có ý kiến khác nhau. UBQPAN đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bổ sung, chỉnh lý nhằm thể chế đầy đủ quan điểm của Đảng, tránh chồng chéo, trùng lắp với quy định về chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác có liên quan. Đối với quy định phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 9), UBQPAN đề nghị, cân nhắc việc giao Chính phủ quy định chi tiết về phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng tại khoản 4 để tránh chồng chéo với trách nhiệm của Chính phủ tại khoản 1, Điều 36, Luật BGQG...Đối với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, Thượng tướng Võ Trọng Việt cho biết, UBQPAN cơ bản nhất trí với tên gọi “Luật BPVN”. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến cho rằng, tên luật chưa phù hợp với phạm vi điều chỉnh. “Việc xác định đúng tên luật có ý nghĩa quyết định đến phạm vi điều chỉnh, nội dung của dự thảo luật; nếu giữ tên “Luật BPVN” thì cần quy định một cách tổng thể tất cả các vấn đề liên quan đến biên phòng theo hướng công tác biên phòng là một bộ phận của công tác quốc phòng, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia. Mặt khác, nhiệm vụ này có sự tham gia của nhiều lực lượng ở khu vực biên giới và đã được quy định tại nhiều luật, đặc biệt là Luật BGQG, nên cần rà soát kỹ, đánh giá đầy đủ các chính sách, quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới để tránh chồng chéo và bảo đảm tính khả thi của luật” - Thượng tướng Võ Trọng Việt nhấn mạnh.
Dự thảo Luật BPVN gồm 7 chương, 33 điều, quy định về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng; lực lượng BĐBP; bảo đảm về chế độ, chính sách về biên phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng.
|