Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc hội nghị phổ biến Luật An toàn thông tin mạng ngày 13/4 tại Hà Nội.
Văn bản pháp lý quan trọng
Hôm nay, ngày 13/4/2016, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức hội nghị phổ biến Luật An toàn thông tin mạng (ATTTM) nhằm quán triệt tinh thần, nội dung của bộ luật này tới đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan.
Luật ATTTM được được Bộ TT&TT khởi động xây dựng từ năm 2011. Sau gần 4 năm xây dựng và hoàn thiện, ngày 19/11/2015, trong phiên họp toàn thể tại hội trường của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Luật ATTTM đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 424/425 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Cũng trong ngày 19/11/2015, Quốc hội đã chính thức ban hành Luật ATTTM số 86/2015/QH13.
Gồm 8 Chương với 54 Điều, Luật ATTTM quy định về hoạt động ATTTM, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm ATTTM; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTTM; kinh doanh trong lĩnh vực ATTTM; phát triển nguồn nhân lực ATTTM; và quản lý nhà nước về ATTTM. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động ATTTM tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, đây là bộ luật quan trọng để triển khai các hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. “Luật ATTTM là bước khởi đầu để hoàn thiện khung pháp luật về an toàn thông tin một cách đồng bộ, khả thi; phát huy tối đa các nguồn lực để bảo đảm an toàn thông tin mạng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh".
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho biết, để triển khai hiệu quả các quy định của Luật ATTTM, Bộ TT&TT theo thẩm quyền sẽ chủ trì xây dựng các văn bản dưới luật và hướng dẫn triển khai. Song song với đó là trách nhiệm phổ biến các quy định của Luật tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân, là đối tượng thực thi và áp dụng luật trên toàn quốc, sao cho phải hiểu đúng và áp dụng đúng văn bản quy phạm.
Nội dung phổ biến sẽ tập trung giới thiệu: hoạt động ATTTM, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo đảm ATTTM; các quy định về kinh doanh trong lĩnh vực ATTTM nói chung và các quy định cụ thể về kinh doanh mật mã dân sự và cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; tham luận về một số vấn đề liên quan đến triển khai luật của một số tổ chức, doanh nghiệp.
Theo đại diện lãnh đạo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), đơn vị được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật ATTTM, Luật này được ban hành hướng đến giải quyết các yêu cầu về bảo đảm ATTTM quốc gia, qua đó hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an toàn thông tin theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành và phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm ATTTM, phát triển lĩnh vực ATTTM đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, Luật ATTTM cũng hướng tới việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ATTTM; đẩy mạnh công tác giám sát, phòng, chống nguy cơ mất ATTTM, đảm bảo hiệu quả công tác thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTTM; mở rộng hợp tác quốc tế về ATTTM trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Chuyên gia kỳ vọng nhiều vào Luật ATTTM
Trao đổi với ICTnews việc Luật ATTTM được ban hành và sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho biết, thời gian qua số vụ tấn công mạng ngày càng tăng cả về quy mô và mức độ nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại. Nếu như trên thế giới hacker đã thực hiện tấn công vào các cơ quan quan trọng của nhiều quốc gia như Quốc hội Đức, hay Lầu Năm Góc của Mỹ thì tại Việt Nam những cơ quan nhà nước, các ngân hàng, viện nghiên cứu… cũng trở thành nạn nhân trong các cuộc tấn công mạng.
Trong khi đó, từ trước đến nay, việc đầu tư cho an toàn, an ninh thông tin ở nước ta chủ yếu mang mang tính tự phát, không có quy định rõ ràng. “Việc Luật ATTTM ra đời, trong đó có quy định tùy từng cấp độ, các đơn vị phải có đầu tư về an ninh mạng tương ứng, điều này góp phần nâng cao năng lực an ninh mạng chung cho các đơn vị, tổ chức từ đó góp phần đảm bảo an ninh chung cho quốc gia”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.