Ảnh minh họa
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn đã tập trung triển khai hoàn thành việc thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng và đưa vào hoạt động bước đầu đạt hiệu quả. Mô hình này không chỉ giúp ích cho người dân trong việc tiếp cận với môi trường số, mà còn mang lại lợi ích cho các các doanh nghiệp, những đối tượng đang chuyển dần sang phát triển kinh tế số. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Tổ công nghệ số cộng đồng cập nhật và gửi báo cáo định kỳ, thường xuyên qua nhóm Zalo, qua đó giúp chính quyền các cấp nắm bắt, chỉ đạo và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa mong rằng, với sự chia sẻ tận tình của các doanh nghiệp số, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng sẽ có thêm nhiều kiến thức, thông tin, kỹ năng để triển khai tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ sử dụng công nghệ số, nền tảng số, dịch vụ số, góp phần hình thành văn hóa số cho người dân của địa phương mình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng cho biết, xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 23/8/2021 về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trên cơ sở đó, ngày 08/10/2021, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình số 3288/CTr-UBND về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là các quyết sách quan trọng đặt nền móng thực hiện công cuộc chuyển đổi số toàn dân, toàn diện trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, ngoài các mục tiêu phấn đấu với quyết tâm chính trị cao, tỉnh đã đề ra mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên môi trường số; đưa công nghệ, nền tảng, dịch vụ số vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Và việc thành lập, đưa vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả Tổ Công nghệ số cộng đồng là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để cụ thể hóa mục tiêu trên.
Điều đáng mừng là, trong thời gian khoảng 2 tháng toàn tỉnh đã hoàn thành thành lập 996 Tổ công nghệ số cộng đồng, rộng khắp đến tận khu phố, ấp trên địa bàn tỉnh với 5.324 thành viên tham gia.
Đồng thời, ông Phạm Tấn Hoà đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp số thường xuyên đào tạo, tập huấn, hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động tốt hơn, phát huy vai trò là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở, giúp thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số đến với người dân kịp thời; cũng như trực tiếp phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các công nghệ số, nền tảng số, dịch vụ số. Đề nghị UBND cấp huyện, cấp xã chỉ đạo, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai đạt hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ tỉnh giao cho Tổ công nghệ số cộng đồng nói riêng và cho chuyển đổi số nói chung tại địa phương.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Giám đốc Sở TT&TT Long An Nguyễn Bá Luân cho rằng, các cơ quan, đơn vị cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa và tầm quan trọng của Tổ công nghệ số cộng đồng. Xác định rõ các nội dung công việc phù hợp với thực tiễn, phân công cụ thể theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm” và thực hiện bám sát theo sự hướng dẫn, điều phối chung của Sở Thông tin và Truyền thông. Quá trình thực hiện cần huy động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, doanh nghiệp công nghệ thông tin tại địa bàn để hỗ trợ các Tổ công nghệ số trong triển khai, hướng dẫn sử dụng các nền tảng số do các doanh nghiệp tạo lập, phát triển.
Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực, kỹ năng về chuyển đổi số cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng; tiếp tục phổ biến khóa học "Phổ cập kỹ năng số cộng đồng" trên Nền tảng học trực tuyến đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông (https://onetouch.mic.gov.vn/pho-cap-ky-nang-so/) đến các thành viên trong Tổ và coi đây là tài liệu chính thức, là cẩm nang trong hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng.
Thời gian tới, phải tiếp tục xem chuyển đổi số là sự lựa chọn duy nhất, sự lựa chọn sống còn trong sự thúc đẩy của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; từ đó đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, xây dựng và phát triển nền tảng số trong chỉ đạo, điều hành, trong thực thi công vụ với nhiều tính năng hữu ích trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng tiện lợi trong giao dịch, tương tác với chính quyền và tra cứu thông tin do chính quyền cung cấp. Giám đốc sở TT&TT nhấn mạnh./.