Nikkei đưa tin các hãng công nghệ như Microsoft Nhật Bản, Trend Micro, nhà mạng NTT, công ty bảo hiểm Sompo Japan Insurance sẽ gia nhập nhóm của các nhà sản xuất xe hơi, bao gồm Toyota, Nissan và nhà cung ứng phụ tùng như Denso, Panasonic. Tổng cộng, liên minh có 90 doanh nghiệp.
Cùng với nhau, họ sẽ kiểm tra phần mềm trên xe để phát hiện các lỗ hổng bảo mật, chia sẻ thông tin như: Xu hướng tấn công mạng để ngăn ngừa đánh cắp dữ liệu, tấn công chiếm quyền sở hữu (hijack). Các công ty đẩy mạnh nỗ lực khi xe thông minh dần trở thành hiện thực.
Bên trong các loại xe này, những bộ phận như động cơ, mô tơ, phanh đều được điều khiển bằng điện tử. Dữ liệu về tình trạng hoạt động của chúng được gửi qua Internet. Nếu có lỗ hổng trong phần mềm quản lý dữ liệu, người ngoài có thể can thiệp hoặc chiếm quyền điều khiển xe.
Mỗi tháng phát hiện hàng ngàn lỗ hổng phần mềm trên toàn thế giới. Theo hợp tác, những lỗ hổng trong phần mềm xe hơi sẽ được trích xuất và cập nhật mỗi tháng một lần. Mỗi công ty sẽ kiểm tra để xem phần mềm mà mình đang dùng có nằm trong số này không. Các thành viên cũng sẽ nhận được ví dụ về phương pháp tấn công ghi nhận được.
Theo Nikkei, ngành xe hơi Nhật Bản mất khoảng 200 đến 300 triệu yên mỗi năm để thuê ngoài nghiên cứu phần mềm. Liên minh sẽ giảm gánh nặng tài chính lên các nhà sản xuất linh kiện vừa và nhỏ, thiếu chuyên gia an ninh mạng, đồng thời tăng cường sự ổn định của xe hơi trong nước nói chung.
Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc về Châu Âu đã áp dụng các quy định, yêu cầu nhà sản xuất cải thiện an ninh mạng trong năm nay. Tại Nhật Bản, Bộ Giao thông sửa đổi Luật Phương tiện giao thông đường bộ vào tháng 1 để phù hợp với hướng dẫn của Liên Hợp quốc. Theo đó, xe mới bán ra trong nước sau tháng 7/2022 trang bị tính năng cập nhật phần mềm không dây sẽ không được phê duyệt an toàn hay chạy trên đường, nếu không đáp ứng quy định.