Bảo tàng Báo chí Việt Nam vừa chính thức được công bố thành lập vào tháng 8 năm 2017. Việc sớm ra đời một bảo tàng dành cho nghề báo, cho các thế hệ người làm báo Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành, các tập thể và cá nhân, các nhà báo, gia đình nhà báo và công chúng trong cả nước.
|
Các hiện vật trưng bày tại buổi lễ. |
Bảo tàng Báo chí Việt Nam thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ, động viên vô cùng to lớn của các nhà báo, gia đình nhà báo, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí và nhiều công chúng báo chí trong cả nước. Mỗi hiện vật, tư liệu nhận được, vốn dĩ là những tài sản tinh thần quý giá được giữ gìn trong các bộ sưu tập cá nhân, nay đã chính thức được trao gửi cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Ở cuộc hiến tặng tháng 3-2017, Báo ảnh Việt Nam đã trao tặng Bảo tàng 1 bộ thiết bị làm ảnh trong buồng tối và lần này tiếp tục mang tặng bộ máy chiếu phim lưu động Báo ảnh Việt Nam sử dụng chiếu phim phục vụ các nhà báo trong thời kỳ chống Mỹ.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội tặng 2 hiện vật, trong đó có 1 máy đánh chữ M16 do Đức sản xuất được sử dụng vào thập kỷ 70 - 80 tại Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Trong số các hiện vật được hiến tặng lần này còn có 39 cuốn sách (giáo trình giảng dạy, công trình nghiên cứu đã in sách) của các giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà báo của Khoa Báo chí - Học viện Báo chí & Tuyên truyền; Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang tặng 6 tài liệu, hiện vật, trong đó có 2 số báo gốc “Hà Giang” phát hành năm 1964 và “Hà Tuyên mặt trận” phát hành năm 1984.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhận được từ gia đình cố nhà báo Xuân Thủy chiếc cà-vạt lúc sinh thời cụ thường dùng. Đặc biệt là chiếc ống nhòm mà nửa thế kỷ trước nhà báo Xuân Thủy đã sử dụng để nhìn sang bên kia cầu Hiền Lương trong chuyến công tác Vĩnh Linh, chiếc áo Tôn Trung Sơn - ông mặc tại Đại Hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959 cùng một số bút tích, bản thảo, thư từ…
Ban tổ chức trao bằng chứng nhận cho các nhà báo hiến tặng hiện vật. |
Gia đình cố Nhà báo Nguyễn Thành Lê đã hiến tặng Bảo tàng nhiều kỷ vật quý gắn với cuộc đời làm báo của nhà báo Nguyễn Thành Lê. Lần này trao hơn 400 cuốn sách và một số sổ tay ghi chép... Đây là những kỷ vật gắn bó, gần gũi với cố nhà báo và phục vụ đắc lực công tác làm báo lúc sinh thời của ông.
Trong tổng số hàng chục tài liệu, hiện vật gia đình cố nhà báo Nguyễn Văn Hải hiến tặng, có bản thảo đánh máy cuốn sách “Báo Cứu quốc từ năm 1942 – 1954” của nhà báo Nguyễn Văn Hải; Sưu tập ảnh về các hoạt động của báo Cứu quốc, trường dạy làm báo Huỳnh Thúc kháng năm 1949 tại Thái Nguyên; Sưu tập thư của nhà báo Xuân Thủy gửi nhà báo Nguyễn Văn Hải.
Trong dịp này, bảo tàng đã nhận được từ gia đình nhà báo Nguyễn Trọng Oánh một chiếc “máy đánh chữ” được ông sử dụng khoảng những năm 70–80, cùng với 2 tấm thẻ nhà báo và nhiều huân huy chương và một số kỷ vật quý khác…
Thiếu tướng, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân Nguyễn Quang Thống trao tặng Bảo tàng bức ảnh gốc: "Tác nghiệp tại hang Rơi, làng Lò, mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang, năm 1979" và một số tài liệu, hiện vật khác...; Phóng viên chiến trường, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Át, trao tặng bảo tàng bức ảnh nổi tiếng “Máy bay B52 của Mỹ bốc cháy và rơi trên bầu trời Hà Nội đêm 26-12-1972”.
Các nhà báo lão thành giao lưu với độc giả. |
Nhà báo Nguyễn Trần Thiết, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã hiến tặng bảo tàng nhiều tài liệu, hiện vật, trong đó có Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”; Một số ảnh tư liệu và tác phẩm báo chí tập hợp in sách đã xuất bản; nhà báo, Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp, nguyên phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân trao tặng một số bản thảo viết tay tại mặt trận Điện Biên phủ năm 1954 và 2 album ảnh gốc hoạt động báo chí tại Lào và Campuchia năm 1973; nhà báo, Đại tá Phạm Phú Bằng, nguyên phóng viên chiến trường Báo Quân đội nhân dân trao tặng bảo tàng một số bản thảo viết tay, đánh máy tại mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954.
Tại lễ hiến tặng hiện vật, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ 11 nhà báo lão thành. Các nhà báo này là những cây bút đã góp phần viết nên lịch sử báo chí cách mạng. Suốt 70 năm qua, những ngòi bút trên tay họ đã không ngừng làm việc. Vì dân, vì nước chính là tâm huyết, là mục tiêu cầm bút, là lý tưởng sống của họ.
Trước và trong khi Bảo tàng được thành lập rồi chuẩn bị thiết kế thi công trưng bày, 11 nhà báo lão thành đã bằng nhiều cách khác nhau, giúp Bảo tàng có được những hiện vật, tài liệu, hình ảnh đầu tiên gắn với lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam./.