Về phía Bộ Y tế có: GS. TS. Nguyễn Thanh Long – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, đồng chí Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ và hơn 5.000 y, bác sĩ tại các điểm cầu trên cả nước và một điểm cầu tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, một điểm cầu tại Campuchia. Tham dự Lễ Khánh thành còn có đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ngành, Tổ chức quốc tế…
Lễ Khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa
Thứ sáu, 25/09/2020 23:48
Ngày 25/9/2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ Khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã tham dự Lễ Khánh thành.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ Khánh thành
Phát biểu tại Lễ Khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Bộ Y tế đã cụ thể hóa Chương trình Chuyển đổi số quốc gia qua việc xây dựng và triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa, một đề án có ý nghĩa nhân văn cao cả hướng đến mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Thủ tướng cho biết, cách đây hơn 4 tháng, Thủ tướng đã dự Lễ Khai trương mở ra vấn đề mới khám bệnh từ xa ở nước ta với 6 cơ sở đầu tiên. Hôm nay, chúng ta vui mừng dự Lễ Khánh thành 1.000 điểm cầu Khám chữa bệnh từ xa chỉ trong vòng mấy tháng. Theo đó, Thủ tướng đánh giá: Đây là sự kiện quan trọng, là một bước tiến lớn của ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Kết quả này sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ trong triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 tầm nhìn 2030 hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.
“Mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn tuyến, hướng tới sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế. Người dân cả nước tại bất cứ đâu đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông và nhất là các bệnh viện đã chủ động tích cực phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) để cùng triển khai, kết nối các điểm cầu - là những cơ sở khám chữa bệnh ở các địa phương, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ngày hôm nay là 1.000 điểm cầu và sắp tới sẽ đạt mốc cao hơn nữa.
Phát biểu khai mạc Lễ Khánh thành, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành Y tế trong suốt thời gian qua và đến chủ trì buổi Lễ quan trọng này; trân trọng cảm ơn Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, đã trực tiếp chỉ đạo đầy tâm huyết và sát sao đối với ngành Y tế và chân thành cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, lãnh đạo các Bộ, ngành và các đồng chí lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố đã luôn đồng hành cùng với ngành Y tế và có mặt trong sự kiện quan trọng này.
Đồng chí Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Năm 2020, ngành Y tế nói riêng và cả nước nói chung đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát. Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới, Việt Nam dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, phù hợp, hiệu quả và đến nay đã kiểm soát tốt dịch bệnh với chi phí thấp, là một trong những điểm sáng trong phòng chống dịch, được người dân tin tưởng và được quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đã áp dụng nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác phòng chống dịch, biến nguy thành cơ để đổi mới và phát triển, trong đó hoạt động khám chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng một cách nhanh chóng.
Với những lợi ích, hiệu quả của hoạt động, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Viettel để xây dựng và triển khai đề án Khám chữa bệnh từ xa và chỉ trong thời gian 02 tháng Đề án đã đạt mốc 1.000 cơ sở y tế được kết nối trực tuyến để thực hiện các hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh phục vụ việc chăm sóc sức khỏe của người dân trên mọi miền Tổ quốc.
Trong quá trình xây dựng, Bộ Y tế đã lựa chọn thông điệp chủ đạo của Đề án là “Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Với thông điệp này, Đề án không đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành Y tế mà đề án có tính nhân văn sâu sắc, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới. Thông qua các hoạt động khám chữa bệnh từ xa được triển khai, năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được nâng lên, người dân trên cả nước sẽ được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Trong thời gian ngắn tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cho ra mắt mạng y tế Việt Nam là nơi tập hợp tất cả các thầy thuốc trên toàn quốc, là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi học hỏi lẫn nhau với mục tiêu nâng cao hơn nữa tay nghề để phục vụ Nhân dân.
Cũng tại buổi Lễ, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các cơ sở y tế, các thầy thuốc, các y bác sĩ, các cán bộ y tế trên toàn tuyến sẽ thực hiện và lan tỏa thông điệp “vươn cao, vươn xa”, phát huy trí tuệ, tinh thần hỗ trợ, hướng dẫn để triển khai hiệu quả chương trình khám chữa bệnh từ xa để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở phục vụ người dân ngày một tốt hơn, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân.
Để lan tỏa và phát triển bền vững các hoạt động của chương trình khám chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này đồng thời tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng các cơ chế tài chính, danh mục kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật… nhằm thực hiện thành công Đề án này.
Báo cáo tóm tắt các hoạt động triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế Phó ban chỉ đạo Đề án " Khám, chữa bệnh từ xa" cho biết: Hệ thống khám chữa bệnh Việt Nam đã tích cực chủ động, sáng tạo hết sức khẩn trương, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và điều trị các ca bệnh dương tính. Tại Cục Quản lý Khám Chữa bệnh đã thiết lập Trung tâm quản lý điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán điều trị người bệnh COVID-19 dựa trên nền tảng số. Trung tâm đã được công nhận là một trong 7 sáng kiến tiêu biểu phòng chống COVID-19 của Ngành. Hoạt động khám chữa bệnh từ xa hết sức hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh cả nước thực hiện giãn cách xã hội và đợt 2 trong bối cảnh TP.Đà Nẵng, Hải Dương phong tỏa. Thời gian gần đây và hiện nay Hệ thống tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện hoạt động an toàn và vận hành bệnh viện trong trạng thái bình thường mới theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Giúp nâng cao hỗ trợ thầy thuốc, người dân ở tuyến dưới vùng xâu vùng xa. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.
Toàn bộ 63 tỉnh thành đã có bệnh viện đăng ký. Có một số bệnh viện của nước bạn Lào (2 bệnh viện) và Cam-Pu- Chia (1 bệnh viện) đã đăng ký tham gia làm bệnh viện tuyến dưới. Nhiều bệnh viện/trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo cũng đã đăng ký tham gia Đề án.
Tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đã thực hiện nghi lễ khánh thành 1000 điểm khám chữa bệnh từ xa.
Cũng tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các đại biểu đã chứng kiến Bệnh viện Nhi Trung ương kết nối với hội chẩn, tư vấn một ca bệnh nhi sốt cao, co giật với Trung tâm y tế Huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh cách xa đất liền 100km với hình ảnh và âm thanh rõ nét; Bệnh viện E Bệnh viện đang chủ trì tư vấn phẫu thuật tim cho bệnh nhi tại bệnh viện sản Nhi, Đà Nẵng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện E, chúc mừng bác sĩ, nhân viên trung tâm y tế huyện Cô Tô, Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng, chúc sức khỏe các đồng chí, thành công, ứng dụng công nghệ mới thành thạo, tận dụng được trí tuệ của các bác sĩ chuyên ngành giỏi của nước ta trong khám chữa bệnh cho Nhân dân đặc biệt là bệnh nhi.
“ Hôm nay chúng ta chứng kiện một sự kiện rất quan trọng, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh cho Nhân dân chúng ta, điều mà trước đây chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến chưa bao giờ áp dụng cách đây 1 năm. Đây là một tiến bộ rất quan trọng, mang lại hữu ích rất lớn, giảm chi phí cho người dân và đặc biệt trong lúc dịch COVID-19 đang diễn ra. Với kết quả vừa rồi, sự thành công của ứng dụng, việc khám chữa bệnh từ xa. Tôi xin chúc mừng ngành Y tế và gửi lời thăm hỏi ân cần đến các thầy thuốc trong cả nước, các đồng chí đã đi đầu trong khám chữa bệnh cho Nhân dân, đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19 bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đây là cố gắng rất lớn và mong toàn ngành Y tế cố gắng nhiều hơn để xứng đáng niềm tin yêu của nhân dân.” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số trong ngành Y tế với mục tiêu “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế”, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 với quan điểm chủ đạo “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Mục tiêu của Đề án là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân. Đề án hướng tới mục tiêu mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh từ xa đến các cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; đồng thời trong tương lai sẽ tiến hành kết nối các bệnh viện tuyến trên với các nước có nền y khoa tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Khám, chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thực sự cần thiết, giảm tập trung đông bệnh nhân tại các cơ sở y tế nhất là khi có dịch bệnh,hạn chế chuyển tuyến, giảm quá tải tại bệnh viện tuyến trên; tạo được lòng tin của người dân với chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở nói riêng và toàn hệ thống y tế nói chung. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa mang đến cơ hội tiếp cận chuyên môn cao hơn cho cán bộ y tế tại các cơ sở y tế tuyến dưới, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và từng cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới.
Với những lợi ích, hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh từ xa mang lại, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Viettel để xây dựng và triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa. Sau 02 tháng nỗ lực triển khai kết nối các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là những cơ sở khám chữa bệnh ở các địa phương, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện tuyến cuối của TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải chuyển tuyến trên; những điểm cầu vùng sâu, vùng xa như Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé được kết nối với bệnh viện Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế…
Lễ Khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa là sự kiện quan trọng và có nghĩa lớn đối với triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, ghi nhận sự tham gia tích cực của ngành Y tế trong tiến trình thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới./.