Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số

Thứ năm, 09/06/2022 22:57

Ngày 9/6, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền về chuyển đổi số và đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án số 06). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến 3 cấp tới 274 điểm cầu trong toàn tỉnh Thái Bình.

Tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh: Chuyển đổi số có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến công tác chuyển đổi số, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Thái Bình đã sớm ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, xây dựng đề án và ban hành kế hoạch trong thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời thành lập tổ công tác trong thực hiện Đề án số 06.

Ông Nguyễn Khắc Thận cũng cho rằng: Để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số và thực hiện Đề án số 06, tỉnh Thái Bình sẽ phải triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trong thời gian tới, bởi nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức về chuyển đổi số còn hạn chế, chưa thấy rõ được ý nghĩa và tầm quan trọng của nội dung này trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, việc thực hiện và cụ thể hóa các nội dung về chuyển đổi số ở Thái Bình còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh các giải pháp trong chuyển đổi số ở tỉnh Thái Bình hiện nay là rất quan trọng. Đây cũng là mục đích và yêu cầu để Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị hôm nay.

Trên cơ sở đó, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị trực tiếp và ở các điểm cầu nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các nội dung được truyền đạt. Sau hội nghị cần vận dụng những kiến thức được truyền đạt vào thực tiễn công việc và cuộc sống một cách hiệu quả, qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

99546C2C-5213-449F-90DB-42F9903E8F96.jpeg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia xác định chuyển đổi số gồm 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chính phủ số là chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền. Kinh tế số là chuyển đổi số hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và xã hội số là chuyển đổi số hành vi, cách sống của người dân.

Chuyển đổi số là chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số. Chuyển đổi số là cái mới và tất cả các tỉnh/thành phố đều đang khởi động. Mỗi tỉnh/thành phố có bối cảnh, dân cư, văn hoá… khác nhau nên câu chuyện chuyển đổi số cũng khác nhau.

Theo Thứ trưởng, Thái Bình là tỉnh có nhiều lợi thế trong việc chuyển đổi số. Cụ thể, Thái Bình có 1,9 triệu dân, trong đó có 1,1 triệu người dân trong độ tuổi lao động, 700.000 hộ gia đình, 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Đây chính là lực lượng lớn có thể tham gia vào chuyển đổi số. Nếu tỉnh quan tâm đào tạo kỹ năng số cho người lao động và có nhân lực có kỹ năng số thì tự khắc các doanh nghiệp tìm về đầu tư. Tỉnh cũng nên tập trung chuyển đổi số cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn thay vì phát triển doanh nghiệp số. 

Ngoài ra, Thái Bình đang có 700.000 người có smartphone và chưa người dân nào có danh tính số. Theo đó, Thứ trưởng cho rằng Thái Bình nên tiên phong phổ cập danh tính điện tử, danh tính số. Phổ cập danh tính điện tử, danh tính số là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số, tức là thay vì phải đến tận địa chỉ cần để đưa căn cước công dân hay chứng minh danh tính thì có thể chứng minh bằng tài khoản di động.

"Đến năm 2025, Thái Bình có thể cụ thể hoá mỗi người dân 1 smartphone, 1 danh tính điện tử, chữ ký, tài khoản thanh toán số, kỹ năng số cơ bản… thì Thái Bình có thể bứt phá", Thứ trưởng cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng: Muốn chuyển đổi số thành công cần bắt đầu từ nhận thức, nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số, phát hiện và lựa chọn đúng bài toán để giải quyết là quan trọng nhất. Chuyển đổi số không phải là thêm một nhiệm vụ mới mà là thêm một một phương thức phát triển mới. Chẳng hạn, họp trực tuyến đến cấp xã trên thiết bị cá nhân là thêm một công cụ để chúng ta có thể họp giải quyết công việc ngay lập tức, giảm bớt thời gian và chi phí, chứ không phải là thêm một cuộc họp. Còn nếu tiến trình chuyển đổi số thêm gánh nặng, thì hãy tạm dừng lại để xem xét và điều chỉnh lại trước khi làm tiếp", Thứ trưởng lưu ý. 

Một mô hình chuyển đổi số giản lược nhất gồm 3 "người": người đặt ra bài toán, người phát triển công cụ và người sử dụng công cụ để giải quyết bài toán. Chuyển đổi số cần sự vào cuộc tham gia đồng bộ của cả 3 "người". Cụ thể: Nhà lãnh đạo đặt ra bài toán; Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin và doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển công cụ - Thứ trưởng chia sẻ.

Trong chuyển đổi số, vai trò của người đứng đầu là vô cùng quan trọng. Người lãnh đạo cao nhất phải là người đi đầu, là nhân tố chính trong hoạt động chuyển đổi số. Nhà lãnh đạo cần thiết lập được cho mình hệ thống giám sát và các "ngưỡng" cảnh báo sớm, giống như cái "phanh" của một chiếc xe, không phải để dừng chiếc xe lại, mà để yên tâm nhấn ga đi nhanh hơn và an toàn hơn" - Thứ trưởng nhận định.

Về nhận thức chuyển đổi số, Thứ trưởng đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đã đạt được, Thái Bình đã bước đầu làm tốt về nhận thức (10/10 chỉ tiêu đánh giá của Bộ TT&TT). Thứ trưởng cũng lưu ý: "Nhận thức là nhất thời, nhận thức lặp lại thì trở thành thói quen, thói quen cũng vẫn là nhất thời mà thói quen lặp đi lặp lại lâu dài thì sẽ trở thành văn hoá. Cái gì trở thành văn hoá thì mới bền vững. Câu chuyện nhận thức phải làm thường xuyên, trở thành thói quen, trở thành văn hoá. Mong Thái Bình xây dựng văn hoá số địa phương".

99180E4A-1134-4AB3-891E-E5503FC893DB.jpeg

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, Thứ trưởng đề xuất điểm khác biệt của Thái Bình là nên tuyên truyền chuyển đổi số theo cách khác, đó là kể câu chuyện thành công để phổ biến cho người dân. Khi người dân thấy lợi thì sẽ tự khác làm và tuyên truyền bằng cách cầm tay chỉ việc; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số".

Về thể chế số, Thái Bình đã ban hành cơ bản đầy đủ văn bản (7/11 chỉ tiêu chuyển đổi số). Để đưa chính sách vào cuộc sống, Thái Bình cần thuê và sử dụng chuyên gia.

Về hạ tầng số, Thái Bình đã bước đầu đạt được 2/7 chỉ tiêu. Thái Bình nên triển khai nền tảng số, chuyển hạ tầng lên đám mây và triển khai hạ tầng viễn thông băng rộng.

Về nhân lực số, Thái Bình đã bước đầu đạt 2/13 chỉ tiêu, Thứ trưởng đề xuất tỉnh triển khai tổ công nghệ số cộng đồng ở 1.797 thôn; bồi dưỡng, tập huấn công chức, viên chức về chuyển đổi số hàng năm; phổ cập kỹ năng sử dụng ứng dụng, dịch vụ số cho 1,9 triệu dân; phổ cập việc học trực tuyến các môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ…

Về chính quyền số, Thái Bình cần đưa toàn bộ hoạt động của 1.800 công chức, 3.2000 viên chức trên môi trường số. Từ đó, dữ liệu được tích lũy, tự động thu thập, tự động phân tích; lãnh đạo cao nhất nhìn thấy đến chuyên viên thấp nhất; cấp dưới không phải báo cáo cấp trên; cấp trên tự xem xét dữ liệu độc lập, không phụ thuộc vào cấp dưới báo cáo…

Thái Bình có thể giảm bớt thủ tục hành chính. Ví dụ, với 3 thủ tục như khai sinh, hộ tịch, bảo hiểm y tế có thể gom thành 1 thủ tục duy nhất và làm một lần; cung cấp dịch vụ công  chất lượng hơn như các dịch vụ công được cá thể hóa đến từng cá nhân. 

Thứ trưởng cũng cho biết Bộ TT&TT đã phê duyệt 35 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số. Thái Bình cần công bố các nền tảng số được tỉnh Thái Bình lựa chọn để giải quyết các bài toán của xã hội và người dân trên địa bàn tỉnh và hoàn thành trước ngày 20/6/2022.

Để tìm hiểu kỹ hơn về chuyển đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề xuất các đại biểu có thể tìm đọc 2 cuốn tài liệu mà ai cũng có thể đọc được là "Cẩm nang chuyển đổi số" tại địa chỉ dx.mic.gov.vn và "Câu chuyện chuyển đổi số thành công của các bộ ngành, doanh nghiệp" tại địa chỉ t63.mic.gov.vn, trong năm 2021 đã tập hợp được 21 câu chuyện tiêu biểu về chuyển đổi số, trong đó Thái Bình đóng góp 1 câu chuyện.

Tại hội nghị, các đại biểu đã có cơ hội trao đổi, thảo luận về một số băn khoăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn./.

Thảo Anh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top