Tin nhắn mạo danh Vietinbank gửi đến cho người dùng. (Ảnh: Duy Vũ)
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thông qua hệ thống tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng, cơ quan này ghi nhận sự gia tăng các phản ánh của người tiêu dùng về việc bị lừa đảo khi thực hiện một số giao dịch tài chính, ngân hàng. Các đối tượng thường sử dụng những chiêu thức lừa đảo chủ yếu là qua email, tin nhắn SMS, website giả mạo, giao dịch thương mại điện tử, qua cuộc gọi hoặc mạng xã hội….
Hình thức lừa đảo thường thấy là thông qua các cuộc gọi điện thoại đến người dùng. Các đối tượng sử dụng dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật (công an, tòa án…) gọi điện cho người dân để gây sức ép, đe dọa người tiêu dùng về việc có dính líu đến vi phạm hình sự. Sau đó, yêu cầu người tiêu dùng phải chuyển số tiền lớn vào một tài khoản do đối tượng cung cấp.
Trong một số trường hợp, đối tượng lừa đảo mạo danh nhà mạng liên lạc với người tiêu dùng yêu cầu chuyển đổi SIM 3G sang 4G nếu không sẽ bị khóa 2 chiều. Sau đó, hướng dẫn người tiêu dùng thực hiện các bước, để lừa chuyển số điện thoại của người tiêu dùng sang SIM của đối tượng, từ đó lấy được mật khẩu Ebank, chiếm đoạt tài khoản giao dịch và chuyển tiền đi.
Thời gian gần đây, các đối tượng cũng liên tục sử dụng những hình thức lừa đảo thông qua tin nhắn SMS, email hay tạo ra đường link giả mạo ngân hàng. Theo đó, các đối tượng thường giả danh ngân hàng, cán bộ ngân hàng để gửi email, tin nhắn đề nghị người tiêu dùng cung cấp thông tin cá nhân. Mục tiêu là lừa người dùng đăng nhập vào các đường link giả mạo như website ngân hàng, yêu cầu nhập tài khoản, mật khẩu OTP giao dịch qua Internet Banking, Mobile Banking trên website giả mạo… Sau khi có thông tin này, đối tượng thực hiện giao dịch chiếm đoạt toàn bộ tiền từ tài khoản.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm quyền điều khiển (hack) tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo… của người tiêu dùng. Sau đó đọc những tin nhắn cũ và bắt chước thói quen nhắn tin, xưng hô của người tiêu dùng để thực hiện hành vi lừa đảo, yêu cầu người thân, bạn bè của người dùng thực hiện các giao dịch tài chính.
Khi hình thức mua bán trực tuyến được nhiều người sử dụng, các đối tượng mở trang cá nhân bán hàng online, order hàng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu người tiêu dùng chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua, chúng sẽ không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trước tình trạng này, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo người tiêu dùng cần cảnh giác hơn khi thực hiện giao dịch tài chính ngân hàng.
Theo đó, người dùng tuyệt đối không cung cấp tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực, số thẻ tín dụng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào; không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.
Người dùng không nên thực hiện giao dịch khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng (truy cập vào link lạ, chuyển tiền qua ngân hàng, nạp thẻ, rút tiền…) đồng thời không truy cập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking/Mobile Banking, mã xác thực OTP, số tài khoản… của người tiêu dùng vào trang web/liên kết khác với trang web hay đường dẫn Internet Banking của ngân hàng.
Các chuyên gia cũng cho biết, người dùng không nên cài đặt những ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng đặc biệt là theo yêu cầu của đối tượng lạ. Đồng thời. tuyệt đối không cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở thẻ, tài khoản ngân hàng.