Huỳnh Kim Thịnh hy vọng sau VSE sẽ có nhiều thư viện miễn phí được ra đời
Mong muốn được lan tỏa việc đọc sách
Người sáng lập Thư viện cộng đồng VSE là Huỳnh Kim Thịnh (27 tuổi). Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TPHCM vào năm 2017, nhưng trước đó, vào cuối năm 2016, Thịnh đã nhận công tác ở Philippines, đảm nhiệm giám đốc chi nhánh cho một công ty xây dựng. Sau 3 năm, anh trở về Việt Nam, tiếp tục làm việc cho công ty với nhiệm vụ mở rộng thị trường sang một số quốc gia và khu vực như Trung Đông, Bangladesh, Malaysia...
Vào tháng 4-2020, Thịnh rời ngành xây dựng và thành lập Học viện Ngoại ngữ VSE, chuyên đào tạo tiếng Anh và tiếng Trung cho ngành xây dựng. Ngay từ đầu, khi thành lập học viện, Thịnh đã chú ý tới việc đọc sách của nhân viên mình. Trong văn phòng, Thịnh đặt một tủ sách với khoảng 200 cuốn, do Thịnh và nhân viên đóng góp. Tháng 11-2021, sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, các hoạt động bắt đầu quay trở lại trong trạng thái bình thường mới, cũng là lúc Huỳnh Kim Thịnh quyết định thành lập Thư viện cộng đồng VSE.
Thịnh kể, thời điểm nhận công tác ở Philippines, anh mới 23 tuổi, ngoài kiến thức về chuyên môn không có bất cứ kiến thức nào khác về quản trị hay quản lý. Điều giúp cho Thịnh làm tốt công việc của mình chính là nhờ đọc sách. “Chính những kiến thức từ sách đã giúp tôi có thêm nhiều kỹ năng, nhờ đó công việc trở nên tốt hơn. Từ trải nghiệm của mình, tôi nhận ra nếu chịu khó đọc sách, mỗi cá nhân sẽ có sự phát triển rất tốt. Và phải đọc đa dạng đầu sách, kể cả sách văn học”, Huỳnh Kim Thịnh chia sẻ.
Thành lập thư viện miễn phí từ lòng biết ơn với sách, nhưng Kim Thịnh lại mang trong mình một mong muốn lớn hơn dành cho văn hóa đọc, đó là nâng cao tinh thần, duy trì thói quen đọc của người thành thị. Huỳnh Kim Thịnh cũng hy vọng lan tỏa mô hình này, bởi một VSE không thể đáp ứng hết nhu cầu cho cộng đồng ở TPHCM.
Thịnh bày tỏ: “Tôi muốn bắt đầu và lan tỏa cho nhiều cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp khác. Họ có thể tự trang bị một kệ sách tại doanh nghiệp của mình, chỉ cần đáp ứng cho nhân viên của họ là đủ rồi, chưa cần nói đến cộng đồng”.
Miễn phí vẫn chất lượng
Hiện tại, VSE mở cửa từ 9-12 giờ (buổi sáng) và từ 14-18 giờ (buổi chiều) các ngày từ thứ hai đến thứ bảy. Riêng chủ nhật là những buổi tọa đàm, trao đổi và giao lưu giới thiệu sách mới. Ở VSE có hẳn một thủ thư phụ trách công việc của thư viện và phục vụ bạn đọc. “Do sách đang trong quá trình phân loại theo các chủ đề, nếu bạn đọc không để sách cẩn thận sẽ làm rối. Ngoài ra, sau này thư viện sẽ cho mượn sách về nhà, cần có người ghi nhận sách ra vào, nên phải có thủ thư là vì vậy”, Huỳnh Kim Thịnh cho biết.
Biết đến thư viện VSE từ một hội đọc sách trên mạng, Vũ Thị Dạ Thảo (25 tuổi, làm việc tự do, ngụ ở quận 10) trở thành một trong những bạn đọc đầu tiên của thư viện. Mỗi tuần, Dạ Thảo chạy xe hai lần từ quận 10 lên quận 1 để đến VSE đọc sách. Theo cô, mặc dù số lượng sách chưa nhiều như các thư viện lớn, nhưng đầu sách ở đây khá đa dạng và chuyên sâu, lại được chọn lọc kỹ lưỡng.
“Bình thường, vào một nhà sách hay một thư viện lớn, nếu quá nhiều đầu sách sẽ khiến mình hoang mang, nhất là với những người mới bắt đầu đọc. Khi vào đây, tôi thấy các đầu sách đã được chắt lọc, nội dung phong phú, có nhiều chủ đề cho các lứa tuổi”, Dạ Thảo chia sẻ.
Từ khi thư viện bắt đầu mở cửa phục vụ trực tiếp, Dạ Thảo đã ghé 4 lần chỉ vì trót “mê” không gian nơi đây. Ngoài những đầu sách phù hợp, Thảo đặc biệt thích không gian của VSE. Cô bảo, rất hiếm hoi khi mà giữa trung tâm thành phố lại có một thư viện miễn phí, không gian thoáng đãng, ngoài đọc sách còn được phục vụ đồ uống miễn phí.
Theo chia sẻ của Huỳnh Kim Thịnh, không tính chi phí cho nhân sự lẫn trang thiết bị khác, mỗi năm anh sẽ dành từ 80-100 triệu đồng để mua sách. Hiện tại, thư viện đã có hơn 400 cuốn, sẽ bổ sung thêm theo mục tiêu mỗi năm 1.000 cuốn.
“Thực sự, thời buổi khó khăn như hiện nay, cũng là động lực để tôi cố gắng duy trì và phát triển doanh nghiệp. Hai đối tượng này gắn liền với nhau. Tôi sẽ cố gắng hết sức để phục vụ bạn đọc, nếu năm sau phát triển tốt, tôi có thể làm thêm một kệ sách nữa”, Thịnh lạc quan.