Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, ngành nông nghiệp Lào Cai đã tham gia diễn đàn trực tuyến thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hệ thống phần mềm quản lý xúc tiến thương mại...
Đến nay toàn tỉnh Lào Cai đã có 86 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia với 296 dòng nông sản an toàn được cấp mã QRCode (tem truy xuất nguồn gốc điện tử). Bên cạnh đó, có 118 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá sản phẩm trên hệ thống thương mại điện tử với 193 dòng sản phẩm. Đó là các loại nông sản thế mạnh, đặc sản của 125 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Qua đó, người tiêu dùng toàn quốc có thể đặt hàng nông sản của Lào Cai trên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Sendo, Postmart, Lazada…
Hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại điện tử đã góp phần quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh và lợi thế sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lào Cai. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2022 (Công ty TNHH một thành viên TraphacoSapa); Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2022; Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 22 - AGROVIET 2022… cũng được các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham gia nhằm quảng bá các loại nông sản của địa phương Lào Cai.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ vào quản lý và tiêu thụ nông sản, tỉnh Lào Cai còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến để nâng cao giá trị nông sản.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai đáp ứng đủ các điều kiện của chính sách sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, xử lý nước thải, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án...
Những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lào Cai đã giúp người dân và các tổ chức có điều kiện tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Bước đầu hình thành một số vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa như vùng trồng rau, hoa, cây dược liệu tại thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà; vùng trồng chè tại huyện Bảo Thắng, Mường Khương; vùng trồng quế tại các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn và vùng trồng chuối, dứa tại huyện Mường Khương và Bát Xát...
Hiện nay, ngành nông nghiệp Lào Cai đang tiếp tục tập trung phát triển các loại nông sản có giá trị kinh tế cao như chè, rau, quả, quế; thực hiện thâm canh, ứng dụng công nghệ cao... nhằm hình thành những vùng chuyên canh sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, đủ điều kiện trở thành vùng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tỉnh Lào Cai hiện có có 6.364 ha chè với sản lượng hằng năm đạt hơn 37.000 tấn; hơn 2.000 ha dứa với sản lượng cả năm hơn 30.000 tấn quả; 48.900 ha quế với sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt hơn 30.000 tấn cành, lá và gần 4.000 tấn vỏ, chiết xuất được 192 tấn tinh dầu… .