Tham dự buổi lễ phát động có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì; lãnh đạo, chuyên gia Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan; cùng toàn thể cán bộ chuyên trách, phụ trách CNTT, ATTT của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; Đội ứng cứu sự cố ATTT tỉnh Lào Cai.
Phát biểu phát động Ngày Chuyển đổi số Quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Với quan điểm, Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 đánh dấu ý nghĩa của chuyển đổi số như một phương thức phát triển mới trong thời gian tới; sẽ mở ra không gian mới cho sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả các khi giải quyết các vấn đề của xã hội và vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Đối với Lào Cai, chuyển đổi số là việc thực hiện mục tiêu từng bước đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, dựa trên công nghệ số, triển khai có hiệu quả chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số gắn liền với cải cách hành chính. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, Ban thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã sớm ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về Chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến 2030, với mục tiêu để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chuyển đổi số. Trong đó, xác định việc “Nâng cao nhận thức” đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể, mục tiêu và động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân và người dân cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Có như vậy, chuyển đổi số mới mang tính toàn dân, toàn diện và sẽ mang lại lợi ích thiết thực.
Phát biểu tại lễ phát động, Đồng chí Vũ Hùng Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định: Chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, cũng là thời cơ, phương tiện để phát triển của tỉnh. Mục tiêu cuối cùng của Chuyển đổi số là phục vụ người dân, lấy người dân là chủ thể và mục tiêu, động lực của chuyển đổi số. Để làm được điều đó, trước hết, Lào Cai cần tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về chuyển đổi số, tạo sự đồng thuận, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của toàn dân trong quá trình chuyển đổi số; Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người đứng đầu các cấp các ngành giữa vai trò đặc biệt quan trọng. Tập trung hoàn thiện các nền tảng, giải pháp ứng dụng mang tính tổng thể nhằm hình thành chính quyền số gắn kết với phát triển kinh tế số, xã hội số và phát triển đô thị thông minh. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu sẽ được xây dựng đảm bảo tính kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, có tương tác giữa chính quyền với người dân trên nhiều phương thức. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững.
Tiếp đó, trong chương trình Hội thảo ATTT trong chuyển đổi số các đại biểu đã nghe các diễn giả thuộc Cục an toàn thông tin – Bộ thông tin và truyền thông; Sở Thông tin và Truyền thông; đại diện tập đoàn Viettel, FPT tham luận về nhiều nội dung liên quan đến việc đảm bảo ATTT trong chuyển đổi số; đảm bảo ATTT với các giao dịch số; giải pháp ATTT trong chuyển đổi số; đảm bảo ATTT cho người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số; hướng dẫn xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ đảm bảo ATTT…
Đây đều là những nội dung quan trọng nhằm giúp các đại biểu rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Từ đó có những kiến nghị, đề xuất mang tính định hướng, có mục tiêu, giải pháp tổng thể, toàn diện để thúc đẩy chuyển đổi số của ngành, địa phương mình trong thời gian tới.