Lào Cai chuyển đổi số để phát triển
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế: Công tác tổ chức thực hiện ở một số ngành, địa phương còn lúng túng. Xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh còn ở nhóm thấp; Lãnh đạo một số ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm vào cuộc, chưa quyết liệt chuyển đổi số, chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Công tác phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông với các cơ quan chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông, với các sở, ngành trong tỉnh và các đối tác chiến lược của tỉnh về chuyển đổi số (FPT, VNPT, Viettel) còn hạn chế. Nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực; Các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số chưa được ban hành (thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã,…); Số lượng nền tảng số chưa nhiều, dữ liệu còn thiếu sự kết nối, đồng bộ, còn lưu trữ phân tán.
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
Một là, Bí thư cấp ủy, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở cần tích cực, chủ động hơn nữa, quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, tạo ra phong trào, xu thế chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh; xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng trong những tháng cuối năm 2022 và các năm tiếp theo, trong đó tập trung một số nội dung:
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết, tính cấp thiết, tầm quan trọng của chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chuyển đổi số; chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, lĩnh vực phụ trách, địa bàn quản lý.
Chủ động phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (Sở Thông tin và Truyền thông) tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo để nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số.
Hai là, khẩn trương xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh như: Hỗ trợ đặc thù cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số (Khối Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và khối Nhà nước); thu hút, đào tạo chuyên gia chuyển đổi số, an toàn thông tin, quản trị dữ liệu; hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi số; Khuyến khích, tạo động lực cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến,…
Rà soát, hoàn thành Bộ chỉ số và cách tích điểm đánh giá, xếp loại mức độ chuyển đổi số (DTI) bảo đảm bám sát với hướng dẫn, quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh đồng thời gắn với việc đánh giá phân xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của các tổ chức, cá nhân.
Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Sở Thông tin và Truyền thông đáp ứng công tác tham mưu kịp thời cho tỉnh về chuyển đổi số.
Bà là phát triển hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số. Đẩy mạnh công tác số hóa, xây dựng các nền tảng số, phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, khai thác, chỉ đạo, điều hành của địa phương và kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin của Trung ương; đồng thời, cung cấp các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp. Lựa chọn và công bố các nền tảng số để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, người dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy và vận hành hiệu quả các hệ thống, ứng dụng đã có (Hệ thống phản ánh hiện trường; Hệ thống ứng dụng tập trung,…)
Ưu tiên phát triển hạ tầng số, kho dữ liệu, hệ thống máy chủ, các ứng dụng, phần mềm theo nguyên tắc sử dụng dịch vụ (thuê) bảo đảm sử dụng lâu dài, tiết kiệm, tránh lãng phí, đầu tư dàn trải. Rà soát, xác định rõ các nội dung cần thuê dịch vụ, các nội dung cần đầu tư chuyển giao công nghệ bảo đảm phù hợp.
Đẩy mạnh triển khai các nội dung đã ký kết hợp tác với các Tập đoàn FPT, VNPT, Viettel, tham gia tích cực vào công tác chuyển đổi số của tỉnh; xóa các vùng lõm sóng 3G/4G, nâng cao tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thiện Quy hoạch dữ liệu tỉnh; triển khai hợp tác với Tập đoàn FPT xây dựng Quy hoạch tổng thể Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai.
Rà soát, có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh IOC bảo đảm thực chất, hiệu quả, đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
Bốn là, rà soát, lựa chọn các sản phẩm chuyển đổi số đặc trưng của tỉnh để triển khai thực hiện bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tạo dấu ấn, lan tỏa, thiết thực, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh bảo đảm là đơn vị đắc lực trong việc tham mưu, triển khai thực chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Năm là, Tăng cường phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên, là lực lượng xung kích đi đầu thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, là nòng cốt của Tổ Công nghệ số cộng đồng, giúp chuyển đổi số đi vào đời sống, công việc ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.