Năm 2022, lĩnh vực thông tin truyền thông tỉnh Lai Châu đã có nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp chung vào sự phát triển chung của tỉnh. Để có được những kết quả đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lai Châu đã rút ra 5 kinh nghiệm sâu sắc.
Thứ nhất, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thứ 2, luôn tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về việc thực hiện các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và các hoạt động diễn tập, diễn tập thực chiến an toàn thông tin.
Thứ 3, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên vượt qua thách thức, khó khăn của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động của ngành thông tin và truyền thông.
Thứ 4, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các sở, ban, ngành, các địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cuối cùng, cần mở rộng hợp tác, phối hợp với các cơ quan/đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Lai Châu cũng đề xuất tổ chức 1 cuộc diễn tập thực chiến an toàn thông tin giữa 3 tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ phụ trách công nghệ thông tin; tăng cường chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số giữa 3 tỉnh, đảm bảo thực hiện hiệu quả, tiết kiệm; tăng cường hợp tác truyền thông về tiềm năng, thế mạnh; quảng bá hình ảnh của địa phương, con người, lịch sử văn hóa và các giá trị văn hóa của 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.
5 bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái
Thực hiện chương trình chuyển đổi số, năm 2022, tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, mang lại nhiều giá trị cho sự phát triển của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái đã đúc rút 5 bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Đầu tiên, những việc mới, việc khó, lãnh đạo phải trực tiếp vào cuộc ngay từ đầu.
Thứ 2, mỗi công chức, viên chức phải thường xuyên bổ sung kiến thức, kỹ năng; tăng cường đào tạo nội bộ qua công việc để phát hiện cán bộ có năng lực. Coi trọng việc nâng cao nhận thức, thái độ của công chức, viên chức khi tiếp nhận nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó.
Thứ 3, thay đổi tư duy, nhận thức về cách làm: Cần lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên, sắp xếp nguồn lực, thời gian, sự chỉ đạo, lãnh đạo, thường xuyên đôn đốc kiểm tra các mục tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ 4, xác định các mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ rõ ràng, đúng trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương. Thường xuyên hướng dẫn, trao đổi, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất trong quá trình triển khai các mô hình chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó tham mưu điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ, nhân rộng các mô hình chuyển đổi số cho phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cuối cùng, tỉnh Yên Bái luôn tích cực vận động và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho tỉnh.
Trong khuôn khổ hợp tác lĩnh vực thông tin, truyền thông 3 tỉnh, Yên Bái đề xuất xác định ít nhất 1 nội dung chuyên môn nổi bật của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã triển khai hiệu quả đưa vào bản hợp tác của 3 tỉnh để chia sẻ, phối hợp triển khai với các tỉnh còn lại. Đồng thời, có kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện; hỗ trợ đào tạo chéo cho cán bộ của các sở và đơn vị sự nghiệp về chuyên môn nghiệp vụ; hình thành nhóm công tác để trao đổi, chia sẻ và giải quyết các bài toán cụ thể từng địa phương. Mỗi sở lựa chọn 1 việc cụ thể để cùng triển khai thực hiện trong năm 2023, lãnh đạo mỗi sở làm trưởng các nhóm và các thành viên đảm bảo tối thiểu có 9 người/nhóm
Kinh nghiệm chuyển đổi số tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái)
Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, năm 2021, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn là xã đầu tiên của tỉnh được UBND tỉnh Yên Bái lựa chọn xây dựng thí điểm Mô hình chuyển đổi số cấp xã, với mục tiêu ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.
Sau khi triển khai, xã Tú Lệ đã đúc rút một số kinh nghiệm, như: Khi bắt đầu triển khai thực hiện phải xác định và đánh giá cụ thể, rõ ràng được điều kiện về con người, hạ tầng, trình độ, điều kiện tiếp cận công nghệ của người dân tại địa phương để từ đó xây dựng được giải pháp triển khai có tính sát thực và phù hợp.
Bên cạnh đó, phải tuyên truyền tích cực bằng nhiều hình thức khác nhau để cán bộ, đảng viên, người dân và doanh nghiệp hiểu thế nào là chuyển đổi số, chuyển đổi số ở lĩnh vực nào và mang lại lợi ích như thế nào thì quá trình triển khai thực hiện mới có thể thuận lợi, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân và doanh nghiệp.
Lãnh đạo địa phương, cán bộ, công chức phải có sự quyết tâm vào cuộc tích cực trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, phải vận dụng sáng tạo vào điều kiện đặc thù của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên, từng bộ phận.
Vì điều kiện địa lý xa nên phối hợp giữa các đơn vị rất khó khăn, chính vì vậy luôn phải có sự thống nhất, trao đổi nhanh chóng giữa các cấp, các bộ phận, các công việc thông qua các nhóm, khi thống nhất có được sự đồng thuận là bắt đầu triển khai thực hiện ngay. Đồng thời, phải xây dựng được đội ngũ, lực lượng tham gia xung kích, tích cực để triển khai các nhiệm vụ, lực lượng chủ lực ở đây là đoàn thanh niên (Tổ chuyển đổi số cộng đồng).
Tích cực huy động đa dạng các nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số tại địa phương; lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, đề án có liên quan; tăng cường hợp tác với các tập đoàn, công ty viễn thông, các công ty công nghệ thông tin để hỗ trợ, tư vấn, triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn. Ngân sách nhà nước là có hạn, nên việc lựa chọn đầu tư gì, làm gì phải theo cách “thông minh”. Cách riêng của Yên Bái là mua cái ta cần, không phải mua cái gì doanh nghiệp có. Một đồng đầu tư của nhà nước phải kéo theo 10 đồng đầu tư của doanh nghiệp và tạo cơ chế cho phép doanh nghiệp thu phí từ dịch vụ mình cung cấp để bù lại cho chi phí đầu tư ban đầu, chi phí vận hành, sửa chữa.
Kinh nghiệm chuyển đổi của Đài Phát thanh – Truyền hình Lào Cai
Quá trình chuyển đổi Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai thành đơn vị tự chủ, đảm bảo chủ yếu từ nguồn đặt hàng thông tin, tuyên truyền chỉ có thể thực hiện được khi Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh có chủ trương, quan điểm, mục tiêu, lộ trình rõ ràng và chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành phối hợp, hỗ trợ Đài thực hiện.
Trong quá trình chuyển đổi này, sự phối hợp liên ngành Sở Tài chính - Sở Thông tin và Truyền thông - Đài Phát thanh và Truyền hình cần hết sức chặt chẽ và cụ thể. Ba ngành của tỉnh Lào Cai đã thành lập các tổ giúp việc liên ngành để giúp xây dựng định mức, đơn giá, các văn bản quản lý của UBND tỉnh; kế hoạch đặt hàng thông tin, tuyên truyền hằng năm. Lãnh đạo ba cơ quan thường xuyên tổ chức hội thảo, trao đổi về những vấn đề đặt ra; huy động chuyên gia của mỗi cơ quan tham gia, như: các chuyên gia về giá của Sở Tài chính trong việc xây dựng phương án giá, cán bộ chuyên quản trong việc phẩn bổ kinh phí đặt hàng hằng năm; chuyên gia của Sở Thông tin và Truyền thông trong việc xác định định mức, danh mục sự nghiệp công trong đặt hàng...
Tranh thủ được sự hỗ trợ của các ngành liên quan như Văn phòng UBND tỉnh trong việc ban hành các văn bản; Sở Tư pháp trong việc thẩm định văn bản đảm bảo cơ sở pháp lý chặt chẽ; Sở Nội vụ trong việc xác định khuôn khổ, mô hình tự chủ của Đài Phát thanh - Truyền hình; các sở, ban, ngành, đoàn thể khác trong việc lập kế hoạch, ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng đặt hàng thông tin, tuyên truyền hằng năm.
Trong các năm đầu chuyển đổi (2017 - 2018), Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai khá lúng túng, thụ động trong việc xây dựng các văn bản quản lý.
Từ nửa cuối năm 2018 trở lại đây, Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai đã nhận thức được đây không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội phát triển nên đã chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông trong việc đề xuất UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách, xây dựng kế hoạch đặt hàng.
Sau khi được đặt hàng, Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai cũng chủ động trong việc sắp xếp bộ máy, bố trí các nguồn lực để vừa đảm bảo thực hiện kế hoạch đặt hàng đúng tiêu chuẩn, tiêu chí quy định; vừa có tác động đến thay đổi nền nếp làm việc, quy trình hoạt động, phương thức sản xuất, chất lượng sản phẩm của Đài cũng như việc làm, đời sống của người lao động.