LTS: Thường trú là hoạt động không thể thiếu của nhiều cơ quan báo chí, là cánh tay nối dài của mỗi tòa soạn tới các vùng miền, địa phương. Theo đánh giá, những năm qua, đóng góp của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí là không nhỏ, nhất trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt do buông lỏng quản lý nên các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú một số nơi đã để xảy ra nhiều sai sót, gây ảnh hưởng không nhỏ đến bản chất của báo chí nói chung, gây phiền toái cho doanh nghiệp và địa phương. Trước thực trạng trên, các lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nói gì?
Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Từ Lương: Tìm doanh thu từ việc gỡ bài
TP.HCM là địa bàn được các cơ quan báo chí Trung ương đặt văn phòng đại diện có nhiều phóng viên thường trú... Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều cơ quan báo chí đăng ký một tư cách hợp pháp nhưng lại mở thêm chuyên trang, hoạt động độc lập với văn phòng đại diện đã đăng ký.Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Từ Lương: Tìm doanh thu từ việc gỡ bài
Các bộ phận này hoạt động độc lập, mạnh ai nấy làm - nên dẫn đến đi sai tôn chỉ, mục đích, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước và cả cơ quan chủ quản.
Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Từ Lương
Thực trạng này là do “sinh mà không có dưỡng”, để các văn phòng thường trú, văn phòng đại diện tự bơi, tự trang trải chi phí. Đúng ra, cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm về cơ sở vật chất, tài chính để các cơ quan của họ hoạt động. Nhưng tên thực tế, các cơ quan chủ quản nhất là các hội, đoàn thể gần như thả nổi, không quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng anh em họ tự vận động.
Chuyện khoán quảng cáo, khoán định mức, khoán luôn cả lương; thậm chí còn yêu cầu mang một khoản nhất định trả về cho cơ quan mẹ, cơ quan chủ quản rồi để cơ quan báo chí mặc sức hoạt động có không ít.
Từ đó, xuất hiện tình trạng đánh đấm, sách nhiễu, đánh hội đồng, xâm phạm đời tư, xâm phạm danh dự... trong làng báo là thực tế chúng tôi ghi được tại TP.HCM.
Ở TP.HCM, chúng tôi theo dõi, có những cơ quan báo chí mỗi ngày sửa đến 50% thông tin đã đăng, trong đó có cả các cơ quan báo chí chính thống. Việc này là do áp lực chạy đua thông tin, chạy đua view, chạy đua thời sự nên tác phẩm báo chí còn nhiều sạn, lỗi, thể hiện sự thiếu tôn trọng độc giả.
Phải thẳng thắn cho rằng, luật và quy định chưa đảm bảo công tác hoạt động và quản lý nhà nước báo chí hiện nay. Từ đó, nhiều cơ quan báo chí lợi dụng lách luật mở thêm chuyên trang để hoạt động. Cơ quan báo chí khi họ vận dụng kẽ hở, lách được luật thì rất khó xử lý.
Còn về buông lỏng quản lý trong báo chí, theo tôi, có một thời gian việc xử lý sai phạm các cơ quan báo chí vi phạm hơi nhẹ, không đủ sức răn đe.
Một thực tế đáng suy nghĩ, những cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật đang bị ảnh hưởng, mang tiếng không tốt vì những cơ quan báo chí khác hoạt động sai tôn chỉ, mục đích, vi phạm pháp luật mà không biết mình đang vi phạm.
Tôi tin rằng, Bộ TT&TT đã nhìn ra những "lỗ hổng" và sẽ cùng các Bộ, ngành liên quan và các địa phương vá lại những lỗ hổng này trong thời gian sớm nhất.
Phó GĐ Sở TT&TT Đà Nẵng Nguyễn Thị Phượng: Báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích hiện nay khá phổ biến
Nói một cách sòng phẳng, chuyện báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích hiện nay khá phổ biến. Một số cơ quan báo chí có văn phòng đại diện hoặc cử phóng viên thường trú tại TP cũng có chuyện này.
Phó giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Nguyễn Thị Phượng
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả vấn đề chưa tường minh trong các quy định của pháp luật, vì vậy, Sở TT&TT chủ yếu nhắc nhở, chứ chưa thực hiện xử phạt những hành vi này.
Việc quản lý báo chí hoạt động trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn: Do số lượng cơ quan báo chí (hiện nay là 119), phóng viên, người làm báo khá đông (khoảng 800 người), lại biến động liên tục; một số cơ quan báo chí thực hiện không tốt chế độ thông tin báo cáo theo quy định, vì vậy, rất khó khăn trong việc quản lý.
Mỗi năm, thành phố ghi nhận khoảng 200 ngàn tin, bài của các cơ quan báo chí. Với nhân lực như hiện tại, Sở gặp khó nếu thực hiện hết việc đọc, nghe, xem nhằm mục đích quản lý....
Do đó, thời gian tới, Sở TT&TT sẽ đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như sau:
Tăng cường công tác thanh tra văn phòng đại diện các cơ quan báo chí, kiên quyết xử lý các vi phạm, trong đó có vi phạm về tôn chỉ mục đích nếu phát hiện.
Tiếp tục duy trì đường dây nóng phản ánh báo chí qua tổng đài 1022 (nhánh 1). Đây sẽ là đầu mối thông tin quan trọng để tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến hoạt động sai phạm nhũng nhiễu của nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn.
Duy trì có hiệu quả tổ công tác thông tin báo chí, nhằm kịp thời nắm bắt và xử lý thông tin, hỗ trợ công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Hiện nay, hoạt động quản lý nhà nước về báo chí đã có Luật Báo chí hiện hành quy định. Để công tác quản lý báo chí trong tương lai được đúng quy chuẩn, trước hết, các tỉnh thành địa phương phải thực hiện đúng quy hoạch báo chí, đặc biệt là công tác sắp xếp lại các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cần ban hành quy định, chế tài cụ thể trong việc xử lý đối với các nhà báo, phóng viên có hành vi vi phạm Luật Báo chí, hoạt động không đúng với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, cũng như có hành vi vi phạm đạo đức người làm báo...
Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Hữu Sáng: Điều quan trọng then chốt vẫn là ý thức của mỗi nhà báo
Theo nhận định từ hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, vấn đề thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép; đưa tin bài thiếu thận trọng, nhạy cảm về chính trị; tình trạng giật tít câu khách, câu view, gây hiểu nhầm thiếu tính giáo dục... vẫn xảy ra.
Tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử vẫn diễn biến phức tạp.
Một số VPĐD, PVTT, cộng tác viên của cơ quan báo chí hoạt động tại địa phương hoạt động vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao; vi phạm Luật Báo chí và đạo đức nghề nghiệp ảnh hưởng xấu đến uy tín của những người làm báo chân chính. Đăng tải tin, bài thiên lệch quá nhiều vào mặt trái; chưa chú ý đúng mức và phản ánh toàn diện, khách quan những thành tựu, sự nỗ lực vượt bậc, những điển hình, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo của các cấp, các ngành...
Vấn đề cơ bản không phải là cần phải bổ sung quy định gì, xử phạt thế nào. Điều quan trọng then chốt vẫn là ý thức của mỗi nhà báo, phóng viên, của các cơ quan báo chí là thực hiện đúng Luật Báo chí, chấp hành nghiêm 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; đảm bảo báo chí thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân.
Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Hữu Sáng
Trong tình hình hiện nay, phải kiên trì phương châm "lấy xây để chống", "lấy cái đẹp để dẹp cái xấu"; cần nhiều những bài viết có tính phát hiện, giới thiệu những kinh nghiệm hay trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; cổ vũ gương người tốt, việc tốt, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Một vấn đề, một câu hỏi đặt ra từ thực tiễn không hề đơn giản nhưng cũng rất đáng quan tâm đó là trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí khi thực hiện vấn đề kinh tế báo chí. Làm sao, làm thế nào để giải quyết vấn đề kinh tế báo chí phù hợp với đặc điểm của báo chí nước ta, phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển của truyền thông hiện đại trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0...