Khó khăn buổi ban đầu…
Nhớ lại những ngày đầu người dân Làng Vân di dời vào đất liền cách đây 8 năm, ông Đỗ Ngọc Ái- một người dân của Làng, đồng thời hiện là Phó Ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố số 9 phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) bồi hồi cho biết: “Không thể quên được. Hôm đó là 25/8/2012, cả làng chính thức rời Làng Vân, rời mảnh đất đã cưu mang, chở che và chia sẻ với biết bao nỗi đau về thể xác bởi bệnh tật cũng như những vất vả của cuộc sống đời thường đầy thiếu thốn nơi “ốc đảo” để về nơi ở mới”.
“Rời cái nơi mình đã gắn bó thật không dễ chút nào. Nhưng được các cấp chính quyền địa phương vận động, chúng tôi biết được, việc di dời là để giúp người dân Làng Vân có cuộc sống tốt đẹp hơn, được tiếp cận những điều kiện tốt hơn về giáo dục, y tế, văn hóa, kinh tế…”.- ông Ái chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Xứng (83 tuổi)- nguyên là Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Hòa Vân (Làng Vân), cho biết: “Để người dân Làng Vân đồng thuận với Chính quyền TP di dời vào đất liền, chúng tôi liên tục bám sát sát dân để tuyên truyền, vận động họ. Cái khó là nhiều người đã quen với cuộc sống nơi “ốc đảo” Làng Vân, hơn nữa đa số người dân nơi đây cũng là tín đồ theo đạo nên việc bảo họ rời bỏ Làng để di dời vào nơi ở mới trong đất liền là không dễ. Vì thế, chúng tôi đã phải tranh thủ rất nhiều sự hỗ trợ của các chức sắc, những người có uy tín của họ đạo để vận động bà con rời làng vào nơi ở mới theo chủ trương của TP”.
“Phải quyết liệt và bằng tấm lòng nhiệt tình để chỉ ra những cái được, cái lợi khi bà con vào sinh sống nơi đất liền, nhất là điều kiện để con cháu học tập, tiếp cận nền giáo dục hiện đại cũng như điều kiện khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Khi đã thấu hiểu hết những điều kiện tốt hơn đó thì nhiều người đã đồng ý. Song, vẫn còn không ít người tỏ ra hoài nghi, họ sợ sự kỳ thị của xã hội với người dân Làng Vân”- ông Xứng cho biết thêm.
Tiếp lời ông Xứng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) quận Liên Chiểu, ông Hà Thúc Liêu cho hay, để tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân Làng Vân khi rời Làng vào nơi ở mới trong đất liền, các cấp chính quyền của TP đã chọn Tổ 13, 14 (nay là Tổ 9) phường Hòa Hiệp Nam để triển khai dự án Khu nhà ở liền kề, với hơn 100 căn hộ (mỗi căn hộ có diện tích hơn 72m2, gồm 01 phòng khách, 02 phòng ngủ, phòng bếp, phòng vệ sinh, sân phơi phía trước) để đưa các hộ dân Làng Vân vào ở. “Ngay khi dự án hoàn thành, ngày 25/8/2012, chính quyền TP và Quận đã bàn giao để các hộ dân Làng Vân vào ở cho đến nay”- ông Hà Thúc Liêu cho biết thêm.
Cũng theo ông Liêu, cùng với việc xây dựng dự án Khu nhà liền kề để bố trí cho người dân Làng Vân, các cấp chính quyền TP còn tổ chức các buổi đối thoại với người dân các tổ dân phố số 13, 14 phường Hòa Hiệp Nam để bà con hiểu rằng, người dân Làng Vân bây giờ đã khỏi bệnh và không còn nguy cơ lây bệnh để họ không kỳ thị và đồng thuận với chủ trương của TP là tạo điều kiện cho người dân Làng Vân được vào đất liền, được tiếp cận với những điều kiện cuộc sống tốt đẹp và tiến bộ hơn…
Người Làng Vân đã hòa nhập
Ông Nguyễn Văn Xứng khẳng định: “Người Làng Vân giờ đây với cộng đồng dân cư nơi họ đến đã không còn khoảng cách, không còn sự kỳ thị, phân biệt như thời gian đầu mới đến. Tất cả bây giờ đã là một cộng đồng dân cư chung sống trên địa bàn của phường Hòa Hiệp Nam”.
Theo ông Xứng, đã lâu nay người dân nơi đây không còn nghe ai nhắc đến các tiếng “người Làng phong” hay Làng phong nữa. Cuộc sống trong khu nhà liền kề mà TP và Quận hỗ trợ cho người dân Làng Vân đến ở luôn thường xuyên nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng.
Phó Ban Công tác Mặt trận Tổ 9 phường Hòa Hiệp Bắc- Đỗ Ngọc Ái cho biết: “Vào các dịp lễ, tết, người dân Tổ 9 luôn nhận được quà động viên, chia sẻ của chính quyền và cộng đồng xung quanh. Con cháu Làng Vân khi vào nơi ở mới có điều kiện để học tập, trưởng thành, nhiều cháu đã là giáo viên, kỹ sư hoặc là cán bộ, công chức công tác ở các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của quận và phường; nhiều cháu đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn TP…
Ông Ái kể, rất nhiều trường hợp, trong đó có người con lớn của mình là Đỗ Ngọc Anh, sau nhiều năm mặc cảm với hoàn cảnh gia đình có người từng bị bệnh phong đã nỗ lực học tập, giờ là thạc sỹ ngành Hóa học và đang công tác tại trường PTTH Liên Chiểu. Hoặc trường hợp khác như cô giáo Hà Thị Thu Oanh (con của bà Nguyễn Thị Thu Nga) hiện là giáo viên trường Tiểu học Trưng Nữ Vương (phường Hòa Hiệp Nam)…
“Rất nhiều con em người Làng Vân luôn được xã hội quan tâm, có việc làm ổn định. Hiện tại tổ dân phố số 9 này có đến 77 cháu đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn TP. Ngoài ra, nhiều cháu cũng được xã hội giúp đỡ, cho vay vốn để làm ăn”- ông Ái chia sẻ thêm.
Theo chân Ban Công tác mặt trận Tổ 9 phường Hòa Hiệp Nam, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Nguyễn Thị Phan San (SN 1980). Chị San là con em của một gia đình Làng Vân. Chị cho biết, ông bà của chị bị bệnh phong, ra sống ngoài Làng Vân hơn 40 năm trước. Ba mẹ chị không mắc bệnh nhưng do là người Làng Vân nên trước đây cuộc sống rất khó khăn. Bản thân chị được vào đất liền học tập, sau đó đi làm công nhân của Công ty Việt Hoa. Vợ chồng chị được Chính quyền TP và quận xét cấp cho căn hộ thuộc Khu nhà ở liền kề dành cho người Làng Vân. Nhiều năm qua chị cũng được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt, cách đây 2 năm, chị được Ngân hàng Chính sách quận cho vay 30 triệu đồng để mua xe cho chồng chạy Grap, cuộc sống gia đình giờ khá ổn định.
Ở liền kề nhà chị San là gia đình chị Nguyễn Thị Kim Ngân (SN 1990). Chị Ngân cũng là con của một gia đình thuộc Làng Vân. Chị cũng được cấp 01 căn hộ thuộc Khu nhà ở liền kề với diện tích hơn 72m2. Chị hiện là cán bộ trạm gác chắn đường sắt tại đường 60 thuộc quận Liên Chiểu. Từ nhỏ chị được cha mẹ cho vào đất liền để học tập và sau đó thi đỗ, học tập ngành gác chắn rồi về làm việc tại trạm gác kể trên gần 7 năm nay. 2 năm trước chị cũng được Ngân hàng Chính sách cho vay 30 triệu đồng để buôn bán trên mạng. Gia đình chị có 02 con nhỏ hiện đang đi học, cuộc sống khá ổn định.
Một góc của khu nhà ở liền kề, nơi các hộ dân Làng Vân trước đây khi di dời vào đất liền được UBND TP Đà Nẵng cấp trọn gói, kèm theo đó còn có nhiều vật dụng sinh hoạt khác như 01 bộ bàn ghế, 20 kg gạo, 01 thùng mỳ tôm, 01 quạt điện, 01 bộ ấm chén, 01 bộ bếp gas, bình gas với tổng giá trị là 6 triệu đồng/ hộ vào thời điểm nhận nhà 25/8/2012. |
Theo ông Hà Thúc Liêu, Trưởng phòng LĐTB&XH quận Liên Chiểu, người dân thuộc Làng Vân trước đây, khi về định cư tại Tổ 9 phường Hòa Hiệp Nam sau một thời gian, một số do làm ăn khá đã mua nhà ở mới hoặc san bán để đi nơi khác. Tuy nhiên, hiện nay số đông vẫn ở tại Tổ 9 này với 56 hộ, 152 khẩu.
“Cả tổ hiện có 35 người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Trong đó có 28 người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng, với mức hưởng 875 ngàn đồng/tháng/người và 07 người khuyết tật đặc biệt nặng, với mức hưởng trợ cấp 700 ngàn đồng/người/tháng. Ngoài hỗ trợ trên, các đối tượng này còn được UBND TP trích kinh phí hỗ trợ thêm số tiền 200 ngàn đồng/người/tháng”- ông Liêu cho biết thêm.
Cũng theo ông Liêu, các hộ dân Làng Vân sau khi di dời vào định cư ở đất liền khi gặp rủi ro, ốm đau đột xuất, bị bệnh hiểm nghèo, Quận trích từ nguồn bảo trợ xã hội hằng năm để hỗ trợ khó khăn đột xuất cho bà con. Riêng trong 3 năm gần đây đã có 12 trường hợp được sự hỗ trợ này với số tiền 36 triệu đồng.
“Vào các dịp tết nguyên đán, các đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại Tổ 9 còn nhận được 300 ngàn đồng/người từ hỗ trợ của UBND TP. Trong khi đó, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cơ quan trên địa bàn và nhất là UBND quận Liên Chiểu trích kinh phí mua quà tết, mua dụng cụ sinh hoạt, thực phẩm phục vụ ngày tết; trung bình mỗi tết mỗi hộ được hỗ trợ từ 5- 6 triệu đồng và các khoản hỗ trợ vật chất khác. Quận cũng trích kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các trường hợp hưởng trợ cấp hàng tháng cho người dân thuộc Làng Vân trước đây khi di dời vào đất liền theo chủ trương của UBND TP Đà Nẵng”- ông Hà Thúc Liêu thông tin thêm.
Làng Vân hình thành từ năm 1968 với 40 di dân đầu tiên là những người bị bệnh phong đến từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.... Hầu hết các thế hệ sau làng Vân đã hoàn toàn khoẻ mạnh. Để đưa người dân làng Vân vào đất liền, UBND TP Đà Nẵng đã xây dựng Khu nhà tái định cư liền kề sát bên đường biển Nguyễn Tất Thành, cạnh khu du lịch Xuân Thiều thuộc tổ 14, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Công trình được hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng vào ngày 25/8/2012.
* Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, từ năm 1998, bệnh nhân phong ở làng Vân được điều trị khỏi hoàn toàn và được tái hoà nhập cộng đồng. Tù đó đến nay chưa phát hiện bệnh nhân mới mắc bệnh phong. Hiện một số người dân ở đây chỉ còn lại những di chứng của người bị bệnh phong chứ không phải đang mắc bệnh phong. Do vậy không còn khả năng lây lan cho những người xung quanh và cộng đồng.
|