Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến do Sở TT&TT chủ trì với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Lạng Sơn; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và 200 xã trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã nêu khái quát mục đích, yêu cầu và đánh giá tóm tắt tình hình triển khai, kết quả thực hiện phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 1 (từ 20/7/2021 đến 20/9/2021). Kết quả, từ thời điểm phát động đến ngày 15 tháng 9 năm 2021, tại 05 huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn, Văn Quan đã phát triển được 48.706 cửa hàng số cho hộ gia đình (tăng 48 lần so với thời điểm phát động có 1.000 cửa hàng); 24.808 tài khoản thanh toán điện tử (tăng 82 lần so với thời điểm phát động có 301 tài khoản); lực lượng đầu tàu là các hộ gia đình có hàng hóa, nông sản bán được nhiều lên tới 2.409 hộ gia đình; đào tạo được lực lượng nòng cốt gồm 3.119 người; phát triển được 4.300 mặt hàng bán trên cửa hàng số với 6.995 đơn hàng được đặt, doanh thu tăng 145 lần so với thời điểm phát động.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT Lạng Sơn
Theo văn bản chỉ đạo số 945/UBND-KGVX ngày 15 tháng 7 năm 2021 của UBND tỉnh về triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, giai đoạn 2 của kế hoạch phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai từ ngày 20 tháng 9 năm 2021 đến ngày 20 tháng 12 năm 2021 trên địa bàn các huyện, thành phố còn lại, gồm: Thành phố Lạng Sơn, Cao Lộc, Đình Lập, Lộc Bình, Văn Lãng, Bình Gia với mục tiêu đạt 50% hộ gia đình có cửa hàng số, 50% hộ gia đình có tài khoản thanh toán điện tử, 10% số hộ gia đình đầu tầu, phát triển lực lượng nòng cốt gồm trưởng thôn, bản, khối phố, đoàn thanh niên đảm bảo mỗi thôn bản, khối phố phải có tối tiểu 02 nhân sự đủ khả năng để tiếp nhận việc tập huấn, chuyển giao các bước cài đặt, hướng dẫn sử dụng.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT đã đề nghị UBND các huyện, thành phố triển khai phát triển kinh tế số giai đoạn 2 cần nắm rõ các chỉ tiêu về phát triển kinh tế số; nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế số cấp huyện và xã; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn tập trung cho các lực lượng nòng cốt; sớm giao 04 chỉ tiêu cụ thể, phù hợp điều kiện thực tiễn cho Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; lựa chọn 10% số hộ kinh tế đầu tầu; chỉ đạo hệ thống truyền thanh cơ sở đăng, phát tin, bài tuyên truyền các tấm gương tiêu biểu về kinh tế số; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; UBND các xã cần quyết định thành lập và xây dựng lực lượng nòng cốt – Tổ công nghệ cộng đồng.
Các doanh nghiệp Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Lạng Sơn phải phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố: Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sử dụng thành thạo cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử cho lực lượng nòng cốt triển khai; Tổ chức tập huấn, xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng, tạo video clip, bố trí nhân lực hỗ trợ kịp thời hộ gia đình có vướng mắc trong quá trình đưa sản phẩm, hàng hoá lên cửa hàng số; Phát triển người mua sản phẩm hàng hoá trên cửa hàng số đến các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước; Đảm bảo phương án vận chuyển đáp ứng nhu cầu của khách hàng về thời gian nhận hàng.
Các cơ quan truyền thông cần thống nhất thông điệp “Kinh tế số, cửa hàng số, thanh toán điện tử- Thương hiệu hộ gia đình”; nắm được ý nghĩa của chiến lược “Vết dầu loang”, “Đầu tầu”, “Lực lượng nòng cốt - Tổ công nghệ cộng đồng” trong phát triển kinh tế số. Thường xuyên tổ chức các sự kiện truyền thông, chiến dịch truyền thông rộng rãi trên báo Trung ương và địa phương hệ thống thông tin cơ sở, internet, mạng xã hội. Tuyên truyền trên nguyên tắc lan tỏa các thông tin tích cực từ đó tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, nâng cao nhận thức cho người dân, thay đổi tư duy, phương thức, cách thức quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa đạt mục tiêu gia tăng giá trị, nâng cao năng suất lao động cho nông nghiệp...