Canh tác cây trồng nông nghiệp, chăm sóc vườn cây ăn quả là những công việc chính thường ngày của người nông dân xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn. Nhưng trong khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, rất nhiều hộ nông dân ở Chiến Thắng đã phát triển thêm một nghề mới – đó là nghề chăn nuôi vỗ béo trâu, bò bán chăn thả.
Điển hình và đi đầu trong phong trào này phải kể đến ông Đặng Văn Lương ở thôn Hồng Phong 4. Bản thân là Phó Chủ tịch Hội Nông dân của xã, nhưng trong gia đình, ông Lương vẫn là người nông dân gắn bó với ruộng vườn để phát triển kinh tế gia đình. Sau một thời gian tìm hiểu nhu cầu của thị trường, nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, cùng với việc đầu tư thâm canh chăm sóc vườn quýt, ông Lương đã quyết định phát triển thêm nghề chăn nuôi vỗ béo trâu, bò theo phương thức bán chăn thả. Để tạo được nguồn thức ăn thô xanh, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của đàn trâu, bò nuôi nhốt trong chuồng, trên vùng đất bãi vốn lâu nay kém hiệu quả, gia đình ông Lương đưa vào thâm canh hơn một mẫu giống cỏ chất lượng cao VA06. Với cách làm này, gia đình hoàn toàn chủ động được nguồn thức ăn thô xanh giàu dinh dưỡng cho đàn trâu, bò. Đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện, mỗi năm gia đình ông Đặng Văn Lương đưa vào nuôi vỗ béo và xuất bán được hàng chục lứa trâu, bò, mỗi lứa có từ 3 - 8 con. Lợi nhuận thu được từ việc chăn nuôi vỗ béo trâu, bò là không hề nhỏ.
Chăn nuôi vỗ béo trâu bò cho hiệu quả kinh tế cao
Theo ông Đặng Văn Lương cho biết, trâu, bò mua về để nuôi vỗ béo cần chọn những con gầy nhưng có khung xương to (vóc dáng lớn), như vậy sau quá trình nuôi vỗ béo con vật mới có trọng lượng lớn và cho lợi nhuận cao. Quá trình chăn nuôi cần chú ý thực hiện vệ sinh chuồng trại và tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh. Còn về chế độ dinh dưỡng, mỗi con trâu, bò nuôi vỗ béo hàng ngày cần được cho ăn khoảng 50 kg cỏ VA06 thái nhỏ trộn lẫn 01 kg cám ngô. Mỗi ngày cho ăn 2 lần bữa sáng và bữa chiều. Với khẩu phần ăn như vậy giúp cho trâu, bò nhanh béo khỏe và được xuất bán, tăng nhanh vòng quay trong chăn nuôi vỗ béo. Ông Đặng Văn Lương cho biết cứ mỗi con trâu, bò khi mua về gầy yếu, sau khoảng một tháng vỗ béo là có thể xuất bán được, mỗi con đạt mức lãi khoảng một triệu đồng.
Trước hiệu quả và lợi nhuận cao đạt được từ việc chăn nuôi vỗ béo trâu, bò ở một số hộ nông dân trong đó có gia đình ông Đặng Văn Lương, phong trào tận dụng đồi bãi đưa vào trồng cỏ phục vụ chăn nuôi trâu, bò đã phát triển rộng khắp ra toàn thôn Hồng Phong 4 và các thôn lân cận. Với nhu cầu của bà con nông dân, Trạm Khuyến nông huyện Bắc Sơn phối hợp với Hội Nông dân xã Chiến Thắng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân địa phương. Thông qua tập huấn, người nông dân đã nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, từ cách thiết kế chuồng trại, chế độ dinh dưỡng với khẩu phần ăn hợp lý, công tác vệ sinh phòng bệnh trong chăn nuôi...
Trong tổng số 12 thôn của xã Chiến Thắng hiện nay, có 6 thôn đã hình thành phong trào chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả. Đặc biệt tại 4 thôn đều mang tên Hồng Phong (từ Hồng Phong 1 đến Hồng Phong 4) có phong trào phát triển mạnh nhất. Chỉ tính riêng ở thôn Hồng Phong 4, cả thôn có 66 hộ thì đến nay đã có 45 hộ phát triển nghề chăn nuôi vỗ béo trâu, bò. Hộ nuôi nhiều nhất có 8 - 9 con, hộ ít cũng có 2 con nuôi nhốt trong chuồng. Có những thời điểm cả thôn có tổng cộng 140 con cả trâu và bò nuôi vỗ béo để xuất bán ra trên thị trường.
Hiệu quả trong việc chăn nuôi vỗ béo trâu, bò đã góp phần cải thiện đáng kể mức thu nhập và đời sống của nhiều hộ nông dân trong xã. Điển hình như gia đình anh Hoàng Công Sơn ở thôn Hồng Phong 4. Năm 2012, gia đình anh Sơn mới đưa vào nuôi vỗ béo 2 con trâu, nhưng với hiệu quả kinh tế đạt được nên sang đến năm sau gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư tăng thêm số đầu con trong chuồng. Đến nay, gia đình anh Sơn thường xuyên duy trì 8 – 9 con trâu, bò nuôi vỗ béo trong chuồng, mức lợi nhuận trong cả đợt nuôi trong năm đạt được khoảng mười triệu đồng/con. Ông Dương Công Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng cho biết trong năm qua, nhờ biết cách khai thác diện tích đất đồi bãi đưa vào trồng cỏ VA06 phục vụ chăn nuôi trâu, bò, mức thu nhập của người dân xã Chiến Thắng đã tăng lên đáng kể, bình quân đạt 23 triệu đồng/người/năm.
Nhiều hộ nông dân đã thực sự thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả. Tuy nhiên, để mở rộng chăn nuôi theo quy mô lớn, đến nay hầu hết bà con nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Vẫn theo ông Đặng Văn Lương, mỗi con trâu mua về để nuôi vỗ béo có giá từ 25 – 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn cũng khá tốn kém. Chuồng nuôi nhốt khoảng 10 con thì cũng cần có từ 60 – 70 triệu đồng, như vậy chăn nuôi trâu, bò cần có nguồn vốn rất lớn. Để phát triển chăn nuôi vỗ béo trâu, bò bán chăn thả trở thành phong trào mạnh mẽ và rộng rãi hơn nữa, người nông dân xã Chiến Thắng rất cần sự hỗ trợ của nhà nước với chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay phục vụ cho sản xuất.
Bờ rào, cạnh đường đi lối lại trong thôn, rẻo đất trống ven đường cũng được bà con tận dụng trồng cỏ vỗ béo trâu bò
Đến xã Chiến Thắng hôm nay, có thể cảm nhận được diện mạo nông thôn đang đổi thay nhanh chóng từng ngày. Nếu như trước đây, trên những vùng đất bãi khô cằn ven núi vẫn thường bị bỏ hoang hóa hoặc gieo trồng các loại cây kém hiệu quả, thì nay giống cỏ VA06 giàu dinh dưỡng đã được đưa vào và phát triển rộng rãi phục vụ cho chăn nuôi. Không chỉ riêng trên đất đồi bãi, đất thửa, ngay cả bờ rào, cạnh đường đi lối lại trong thôn, rẻo đất trống ven đường cũng được bà con nông dân Chiến Thắng tận dụng triệt để, tạo nguồn thức ăn thô xanh chất lượng tốt phục vụ cho chăn nuôi trâu, bò. Mỗi người dân Chiến Thắng đang cố gắng phát huy nội lực của mình, khai thác nguồn lực sẵn có ở địa phương, tham gia hiệu quả vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện nay./.