Làng số Yên Hòa vươn ra thế giới

Thứ bảy, 01/07/2023 16:45

Được chọn làm điểm đột phá chuyển đổi số trong chương trình "Xây dựng xã thông minh" của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, xã Yên Hòa, huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) đã ứng dụng thành công chuyển đổi số trong phát triển kinh tế-xã hội, hình thành diện mạo làng số, xã thông minh.

chuyen-doi-so-y-te-yen-mo-ninh-binh-16631298574722082704475.jpeg

Từ một xã thuần nông ở vùng châu thổ sông Hồng, xã Yên Hòa đã vươn tầm thế giới, được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) giới thiệu trong Sáng kiến "Làng kỹ thuật số", cùng với mô hình của một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa Đoàn Trung Nam cho biết: Tổ chức FAO đánh giá kết quả chuyển đổi số qua những lợi ích đã đạt được ở Yên Hòa, đó là: Tiết kiệm thời gian; giảm chi phí các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; người dân tiếp cận thông tin tốt hơn; tăng cường kết nối giữa nông dân và người tiêu dùng thông qua các sàn giao dịch số, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trước đây, mặc dù địa phương có một số nông sản đặc sản nổi bật, tuy nhiên bán không được nhiều, thu nhập của nông dân không đáng kể.

Qua thực hiện chuyển đổi số, người dân trên địa bàn đã thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm. Các sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử PostMart, Voso; được thiết kế thêm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc; từ đó, được nhiều người biết đến, số lượng hàng hóa bán được nhiều hơn.

Đơn cử, sản phẩm cá trạch sụn kho niêu, từ khi thực hiện chuyển đổi số, lượng tiêu thụ tăng gấp ba lần; thu nhập của người lao động tăng từ 1,5 lên 4,5 triệu đồng/người/tháng. Từ một xã nghèo, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 71,8 triệu đồng/năm.

Không chỉ có vậy, người dân Yên Hòa hiện nay còn được tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa thông qua ứng dụng Medici, nhóm cộng đồng trên mạng "Yên Hòa hỏi - Bác sĩ trả lời" và hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telehealth... Xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình Đoàn Thanh Hải nhận định: Xã Yên Hòa, huyện Yên Mô đã làm tốt công tác tuyên truyền, căn cứ vào các nhiệm vụ, thực tiễn của địa phương huy động lực lượng, triển khai các giải pháp để tổ chức thực hiện chuyển đổi số. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức của xã Yên Hòa rất quyết tâm, nhiều đồng chí có năng lực và tâm huyết với việc xây dựng chính quyền điện tử; tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh của xã khá cao, chiếm khoảng 70%. Xã đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu. Kinh nghiệm trong chuyển đổi số ở Yên Hòa là xác định rõ mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, vì hiệu quả cuối cùng là phục vụ nhân dân.

Thực tế ở Yên Hòa đã đưa 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử. Sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành nhanh chóng, kịp thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; rút ngắn được thời gian xử lý, tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng chi phí văn phòng phẩm.

Trong quá trình xây dựng làng số, xã thông minh ở Yên Hòa, cùng với những kết quả đạt được, đã bộc lộ hạn chế như chưa phát huy hiệu quả của hình thức thanh toán điện tử; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân còn thấp; hệ thống Telehealth chưa phát huy hết công năng.

Nguyên nhân được chính quyền địa phương xác định do chuyển đổi số là lĩnh vực mới cho nên một bộ phận người dân có tâm lý e dè, chưa tích cực tiếp cận, sử dụng công nghệ mới; trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức trong xã còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc xây dựng làng số, xã thông minh chưa có nhiều kinh nghiệm của đơn vị khác để tham khảo, học tập.

Dù còn gặp khó khăn trong triển khai, song, quá trình chuyển đổi số ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mô đã khẳng định: Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị từng bước được rút ngắn, khu vực nông thôn chuyển biến theo hướng hiện đại hóa.

Do vậy, việc nhân rộng mô hình làng số, xã thông minh là rất cần thiết, nhất là trong giai đoạn cả nước đang thực hiện cuộc cách mạng 4.0; từ đó, tạo ra sức bật mới cho nông thôn Ninh Bình và vùng đồng bằng sông Hồng.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top