Làm sao để hạn chế ảnh hưởng của thuật toán Google, Facebook, YouTube... lên đời sống trực tuyến?

Chủ nhật, 04/10/2020 17:17

Bây giờ là năm 2020, và thế giới có vô vàn lý do để lo ngại trước những thuật toán. Tuỳ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, chúng ta có thể sẽ có thêm một lý do nữa.

 Đã đến lúc chúng ta phải đặt ra câu hỏi về tác động của những phép toán dựa trên dữ liệu kia, thứ ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong việc quyết định ai hay thứ gì chúng ta được và không được thấy khi trực tuyến.

Tác động của thuật toán hiện đang tăng lên đến mức chóng mặt, và hàng tỷ người trên thế giới cũng dần nhận ra những hiệu ứng dù khá nhỏ mà nó mang lại. 2020 là năm mà hệ thống tín nhiệm xã hội - một hệ thống chấm điểm hành vi như phim Black Mirror do chính phủ Trung Quốc quản lý - dự kiến chính thức ra mắt. Nó có thể không tệ như bạn từng được nghe, nhưng lại có những ảnh hưởng trực tiếp lên tín nhiệm tài chính và những yếu tố mang tính khích lệ khác đối với toàn bộ cư dân. Ngoài ra, còn có hàng tỷ thuật toán khác chưa được đánh giá và hiểu rõ đang treo lơ lửng trên đầu hơn một tỷ người ở đất nước này.
 
20200904-pg6.jpg
 
Tại Vương quốc Anh, khó ai có thể quên được "thuật toán trình độ A".  Trình độ A là những kỳ thi quan trọng đối với học sinh khi tới 18 tuổi; chúng có thể mang lại cho họ, hoặc lấy đi, cơ hội được vào các trường đại học. COVID-19 đã buộc thuật toán này phải bị ngừng lại. Giáo viên được yêu cầu chấm điểm cho từng học sinh. Nhưng chính phủ Anh sau đó tiếp tục đưa những điểm số đó vào một thuật toán chạy song song với kết quả học tập tại trường. Kết quả là 40% những điểm số mà các giáo viên ước lượng bị kéo xuống, qua đó từ chối cơ hội được vào đại học của những đứa trẻ có thành tích học tập tốt tại những khu vực có điều kiện không được thuận lợi. Thủ tướng Anh Boris Johnson cuối cùng đã phải lùi bước trước dư luận, đổ lỗi cho thuật toán bằng cách gọi nó là "một thuật toán đột biến". Dẫu vậy, một cựu đồng nghiệp của ông vẫn nghĩ rằng scandal thuật toán trình độ A nói trên sẽ phá tan cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo của vị Thủ tướng này.
 
Tại Mỹ, khoan nhắc đến những thuật toán mờ ám được chính phủ sử dụng để can thiệp vào đời sống người dân. Chúc bạn may mắn nếu bạn là bị cáo đang đứng trước toà tại một trong những bang nơi ứng dụng thuật toán vào việc dự đoán khả năng tái phạm tội của bạn (phim Minority Report, có ai nhớ không?) và khuyên thẩm phán đưa ra lời buộc tội đối với bạn. Các thuật toán tư pháp hình sự của Mỹ được quản lý bởi các công ty vì lợi nhuận và liên tục bị cáo buộc kéo dài tình trạng phân biệt chủng tộc. Ví dụ, thuật toán COMPAS tại Florida và Wisconsin bị phát hiện có tần suất xác định các bị cáo da màu là "nguy cơ cao" cao gấp đôi so với các bị cáo da trắng, và xác định sai đến khoảng...40% trong tổng số các vụ việc.
 
Tất nhiên, như đã đề cập đến trong bài viết về thuật toán trước đây của VNReview, những "thuật toán đột biến" như vậy phản ánh bản chất của những con người đã thiết kế ra chúng. Bản thân các phép toán không phân biệt chủng tộc, không phân biệt giai tầng, hay không độc đoán. Một thuật toán chỉ là một tập hợp các chỉ dẫn. Về mặt kỹ thuật, sổ tay công thức nấu ăn mà bạn đang dùng chính là những thuật toán. Giống như bất kỳ công thức nấu ăn nào, chất lượng của một thuật toán phụ thuộc vào nguyên liệu của nó - và hầu hết chúng ta, những người thưởng thức món ăn đã chế biến xong, thực sự không quan tâm nhiều lắm về quá trình nấu trong bếp.
 
"Tồn tại quanh chúng ta, các thuật toán mang lại sự tiện lợi của việc nắm quyền lực trong tay, một cách dễ dàng để uỷ thác trách nhiệm, một lối tắt chúng ta tận dụng mà không nghĩ ngợi gì nhiều" - nhà toán học Hannah Fry từng viết vậy trong cuốn sách "Hello World: Being Human in the Age of Algorithms" - "Làm gì có ai mò mẫm đến trang kết quả tìm kiếm thứ hai của Google mà xem xét kỹ càng về mọi kết quả trước đó đâu chứ?"
 
Tuy nhiên, nếu thử sống mà hoàn toàn không sử dụng thuật toán, bạn sẽ sớm để ý đến sự vắng mặt của chúng. Các thuật toán thường có tính hiệu quả cao bởi chúng có thể tính toán nhiều khả năng nhanh hơn và hiệu quả hơn hẳn so với bất kỳ bộ óc con người nào. Bất kỳ ai từng lần mò trên những đoạn đường xa lạ bởi nghĩ rằng mình "khôn" hơn Google Maps đều biết sự thật này. Ngay cả các hệ thống đèn giao thông cũng sử dụng thuật toán, nên bạn hãy hình dung xem một ngày không có thuật toán sẽ ra sao?
 
Dẫu vậy, bạn hoàn toàn đúng khi quan ngại về những ảnh hưởng mà thuật toán đang gây ra đối với đời sống trực tuyến của chúng ta - đặc biệt khi nói đến các nội dung trực tuyến. Các nhà khoa học càng nghiên cứu nhiều về vấn đề này, người ta càng nhận ra những thuật toán tìm kiếm, video và truyền thông xã hội phổ biến đang thao túng bộ não chúng ta. Các nghiên cứu đã cho thấy chúng có thể thay đổi tâm trạng của bạn (Facebook là một minh chứng), và thay đổi cả kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 nữa (đó là lý do tại sao chiến dịch tranh cử của ông Trung lại đầu tư rất mạnh vào các quảng cáo Facebook vào thời điểm đó).
 
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về những thuật toán đang được sử dụng trong các dịch vụ nội dung lớn - nhiều trong số đó có thể được xoá bỏ khỏi cuộc sống của chúng ta theo cách dễ đến bất ngờ!
 
1. Facebook
 
Không một thuật toán nào trên Trái Đất, kể cả hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc, có được sức mạnh như thuật toán của Mark Zuckerberg. Mỗi ngày, gần 2 tỷ người ghé thăm Facebook. Gần như tất cả đều cho phép thuật toán sắp xếp các bài viết theo thứ tự mà công ty xác định là có nhiều khả năng giữ chân người dùng nhất. Có nghĩa là bạn thấy rất nhiều bài viết từ những người bạn từng tương tác, bất kể trên thực tế bạn với họ thân thiết đến mức nào. Nó còn có nghĩa là những nội dung gây ra những cuộc tranh cãi vô tiền khoáng hậu sẽ được đẩy lên đầu. Và Zuckerberg biết điều đó.
 
"Thuật toán của chúng ta khai thác tính dễ bị thu hút với những bất đồng của bộ não con người" - một nghiên cứu trong nội bộ Facebook, tiến hành năm 2018, được tờ Wall Street Journal phát hiện ra, nói. Nếu không đặt dưới sự kiểm soát, những thuật toán đột biến kia sẽ ưu tiên "ngày càng nhiều nội dung bất đồng nhằm tăng sự chú ý của người dùng và thời gian họ dành để lướt trên nền tảng".
 
Zuckerberg, được cho là e ngại những người bảo thủ sẽ bị ảnh hưởng nếu Facebook tinh chỉnh thuật toán nhằm hiển thị nhiều bài viết ôn hoà hơn, đã xếp xó nghiên cứu này. Trước đó, vào năm 2016, Zuckerberg cũng đã ngừng sử dụng đội ngũ biên tập viên con người nhằm đánh giá các tin tức trên trang theo đề nghị của những người bảo thủ. Kết quả là hiện nay, tại Mỹ, Facebook ngập tràn những bài viết của những cái tên ủng hộ phe bảo thủ.
 
Nhưng ngay cả những người bảo thủ cũng có lý do để lo ngại về thuật toán của Facebook. Người ta đã chứng minh được rằng chúng ta có khả năng trầm cảm nặng hơn nếu thường xuyên xem những bài viết phổ biến từ bạn bè. Chứng nghiện Facebook có mối liên hệ chặt chẽ với chứng rối loạn trầm cảm. Và theo một báo cáo năm 2018, những người "siêu chia sẻ" (có tần suất tương tác, bình luận, hay chia sẻ các bài viết cao) có thể lấn át những người dùng ít tương tác hơn, qua đó gây ảnh hưởng lên thuật toán, khiến nó cho họ xuất hiện nhiều hơn trên News Feed. Một vị lãnh đạo của Facebook đã bị buộc phải rời công ty sau khi tìm cách hạn chế sự ảnh hưởng của những người chia sẻ này lên thuật toán.
 
Cách khắc phục
May thay, bạn có thể tự mình ra tay làm giảm bớt sức ảnh hưởng của họ. Bởi Facebook vẫn cho phép bạn loại bỏ thuật toán sắp xếp bài viết trên timeline, chỉ hiển thị mọi bài viết từ mọi bạn bè theo trật tự thời gian đảo ngược (tức mới nhất nằm trên cùng). Trên giao diện mới của Facebook.com, bấm vào nút hình 3 vạch ngang ở thanh công cụ trên cùng và chọn "Gần đây nhất". Trên ứng dụng di động, bạn cần vào "Settings" (nút hình 3 vạch ngang ở thanh công cụ), chọn "Xem thêm", và "Gần đây nhất".
Kết quả ra sao? Bạn sẽ ngạc nhiên khi bỗng thấy vài người bạn cũ mà bạn gần như đã quên mất xuất hiện. Và nếu bạn tương tác với các bài viết của họ, bạn sẽ huấn luyện thuật toán nội dung để hiển thị nhiều bài viết của họ hơn khi bạn quay về timeline thông thường. Dù rằng lướt News Feed theo trật tự thời gian đảo ngược có thể không mấy hứng thú - bởi thuật toán biết bạn đang làm gì và đưa thẳng những bài viết thú vị nhất vào não bạn - nhưng đó là một cách để hiệu chỉnh lại News Feed. Nếu bạn là một trong hai tỷ người dùng Facebook mỗi ngày, hãy thử xem "Gần đây nhất" ít nhất mỗi tuần một lần.
 
2. YouTube
 
Thuật toán "xem tiếp" của YouTube thậm chí còn xâm phạm quyền cá nhân hơn cả Facebook. Khoảng 70% số video YouTube mà chúng ta xem được khuyến nghị bởi thuật toán của dịch vụ này, vốn được tối ưu hoá để khiến bạn xem nhiều video và quảng cáo của YouTube hơn bằng bất kỳ giá nào (thời lượng xem trung bình của một người hiện nay là khoảng hơn 1 giờ).
 
Có nghĩa là YouTube ưu tiên những nội dung gây tranh cãi, bởi dù bạn thích hay ghét, bạn vẫn sẽ xem tiếp. Và một khi bạn đã xem một đoạn nội dung gây tranh cãi đó, thuật toán sẽ đảm bảo thứ tiếp theo bạn sắp xem cũng như vậy, khiến bạn sa đà vào những thứ mà những người từng xem video đó đã chọn xem tiếp. Đó là lý do tại sao đôi lúc ông bà bạn ban đầu chỉ xem vài video tin tức, rồi một lát sau lại "biến tướng" thành hàng loạt những video thuyết âm mưu chẳng thể hình dung nổi.
 
Một cựu lập trình viên Google, Guillaime Chaslot, phát hiện ra thuật toán YouTube có tính thiên vị đến mức có thể đã ảnh hưởng đến cả kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, vốn được quyết định bởi 77.000 phiếu bầu tại 3 bang. "Hơn 80% những video khuyến nghị đều có nội dung ủng hộ ông Trump, không cần biết từ khoá tìm kiếm ban đầu là ‘Trump' hay ‘Clinton'" - anh viết. "Một lượng lớn những khuyến nghị trên đều có tính gây chia rẽ và là tin vịt". Tương tự, Chaslot phát hiện ra 90% những video được khuyến nghị từ từ khoá tìm kiếm "có phải Trái đất phẳng không" đều trả lời rằng... đúng, Trái đất phẳng!
 
Đó không chỉ là vấn đề tại Mỹ. Một trong những nghiên cứu quan trọng nhất về tác động lên chính trị của thuật toán YouTube là ở Brazil, nơi ứng viên cánh hữu Jair Bolsonaro được bầu chọn làm tổng thống sau khi bất ngờ trở thành một ngôi sao YouTube. "Hệ thống tìm kiếm và khuyến nghị của YouTube dường như đã lôi kéo một cách có hệ thống người dùng đến các kênh cực hữu và thuyết âm mưu ở Brazil" - một cuộc điều tra do tờ New York Times tiến hành năm 2019 cho biết. Ngay cả các đồng minh của Bolsonaro cũng cảm ơn YouTube vì đã mang lại chiến thắng cho ông!
 
Cách khắc phục
Tắt tính năng "AutoPlay" nằm ngay cạnh danh sách "Up next" sẽ ngăn bạn không bị sa đà vào vòng xoáy khuyến nghị của thuật toán YouTube. Bạn không thể tắt hoàn toàn tính năng khuyến nghị, nhưng ít nhất bạn cũng có thể cảnh báo những người thân ít sành sỏi công nghệ của mình rằng thuật toán đang cố hết sức để dụ dỗ họ nhằm đổi lấy lượt xem.
 
Tổ chức phi lợi nhuận algotransparency.org của Chaslot sẽ cho bạn thấy những video nào đang được khuyến nghị xem nhiều nhất trên toàn YouTube trong bất kỳ ngày nào. Thuật toán khuyến nghị của YouTube dành cho bạn có thể trông khá bình thường nếu nó đã học hỏi và phân tích những lần bạn "like" hay "dislike" suốt nhiều năm qua. Nhưng một người dùng hoàn toàn mới chắc chắn sẽ nhanh chóng bị thuật toán "dắt mũi" thôi.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top