Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thăm hỏi đại diện các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
Tại buổi gặp mặt, các doanh nghiệp công nghệ số đã cùng nhau trao đổi về tình hình phát triển doanh nghiệp thời gian qua và chia sẻ một số khó khăn trong quá trình kinh doanh trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng đề xuất Bộ TT&TT hỗ trợ về mặt chính sách và kết nối các doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc tồn đọng như: Thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ số, thu hút nhân lực giỏi từ nước ngoài, thủ tục giấy tờ pháp lý khi đầu tư kinh doanh tại nước ngoài…
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy dũng cảm tiên phong đi đầu
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trân trọng cảm ơn, ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thời gian qua đã tạo ra bước phát triển có tính bước ngoặt, nhất là Make in Viet Nam và đi ra nước ngoài. “Có được ngành TT&TT, ngành công nghiệp công nghệ số như ngày hôm nay là nhờ có các doanh nghiệp công nghệ số”- Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển, đưa đất nước trở nên hùng cường và thịnh vượng, giúp Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra. Vậy chúng ta, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy dũng cảm tiên phong đi đầu và phát triển.
“Hãy nhìn Viettel làm được chiếc nỏ thần tên lửa, thiết bị 5G đi ra nước ngoài với doanh thu trên 3 tỷ USD. VinGroup làm được ô tô xuất sang Mỹ; FPT đi làm công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho các nước đã phát triển như Nhật, Mỹ và có doanh thu trên 1 tỷ USD. Zalo là một ứng dụng Việt Nam có số tài khoản cao vượt cả Facebook tại Việt Nam… Những doanh nghiệp này, doanh nhân này gây cảm hứng và tạo niềm tin cho chúng ta là có thể làm được. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mà làm được thì chắc chắn Việt Nam sẽ hoá rồng.” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Doanh nghiệp muốn phát triển lớn mạnh và bền vững thì cần phải thượng tôn pháp luật
Cũng theo Bộ trưởng, doanh nghiệp kinh doanh thì phải có lợi nhuận để tồn tại, phát triển nhưng sau lợi nhuận sẽ phải là một sứ mệnh giải quyết bài toán đất nước, của nhân loại để đất nước cường thịnh, để nhân loại hạnh phúc hơn. Chính vì vậy, doanh thu, lợi nhuận cũng lớn hơn. Bởi vậy các doanh nghiệp xuất sắc, doanh nghiệp lớn tự nhận lấy sứ mệnh quốc gia làm thành sứ mệnh của mình để dẫn dắt doanh nghiệp đi xa hơn nữa, gắn mình với quốc gia hơn nữa. Quốc gia, dân tộc trường tồn, doanh nghiệp mà gắn mình với quốc gia cũng vì vậy mà trường tồn.
Doanh nghiệp mà lớn thì nhiều người sẽ nhìn thấy. Bởi vậy doanh nghiệp muốn phát triển lớn mạnh một cách bền vững thì chỉ còn một cách duy nhất là thượng tôn pháp luật. Pháp luật cũng có những kẽ hở nhưng đã là doanh nghiệp, muốn phát triển thì hãy lớn lên bằng cách tạo ra giá trị thay vì tận dụng những kẽ hở của pháp luật để bền vững. - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết: Hiện nay, công nghệ đã có thể số hoá được hầu hết thế giới thực, tạo ra vô hạn dữ liệu số và có khả năng truyền đưa, lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn. Công nghệ số xử lý được cái không ngữ nghĩa để sinh ra tri thức mới, giá trị mới và vì thế tạo ra sự phát triển. Xử lý được dữ liệu số vô hạn và chưa có nghĩa để sinh ra giá trị mới thì giá trị mới cũng vì vậy mà vô hạn. Và đây thực sự là sự phát triển mới của nhân loại.
Nghị quyết Trung ương 6 khoá XIII của Đảng ta tháng 10/2022 đã chính thức coi chuyển đổi số là phương thức phát triển mới, có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp hiện đại. Hiện đại hoá Việt Nam chính là chuyển đổi số xã hội.
Công nghệ số nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thâm nhập vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi tổ chức và mọi việc. Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là cơ khí hoá, điện khí hoá và tự động hoá là khi máy móc thay lao động chân tay, và với cuộc cách mạng công nghiệp lần tứ 4 với công nghệ chủ yếu là công nghệ số thì máy móc bắt đầu thay lao động trí óc, giúp cho mọi tổ chức thông minh hơn và đây được gọi là cuộc cách mạng công nghiệp hoá.
Bộ trưởng nhận định:10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công lắp ráp sang Make in Viet Nam, từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính, từ báo chí sang truyền thông số.
“Công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản. Nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản và đổi mới số trở thành động lực cơ bản cho sự phát triển”- Bộ trưởng khẳng định.
Định hướng phát triển năm 2023
Quang cảnh buổi gặp mặt
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết năm 2023 sẽ là năm dữ liệu số, là bảo vệ dữ liệu cá nhân, là công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành, địa phương và mở dữ liệu để kết nối, chia sẻ, là an toàn dữ liệu, là xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia, là xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. “Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp để năm dữ liệu số để tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu, tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, là sự khác biệt là căn bản của chuyển đổi số”.
Năm 2023 sẽ là năm Bộ TT&TT tập trung vào các kết quả thực chất, thiết thực. Cụ thể, về viễn thông là giải quyết triệt để SIM rác, thương mại hoá 5G, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn. Về chuyển đổi số, sẽ tập trung nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự giải quyết trực tuyến, nâng tỷ lệ tài khoản sử dụng các nền tảng số Make in Viet Nam. Về công nghiệp công nghệ số sẽ tập trung vào sản xuất thiết bị viễn thông, thiết kế chip, nền tảng số. Về báo chí, xuất bản và truyền thông là tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, là giải quyết các vấn đề tư nhân hoá báo chí, báo hoá tạp chí và trang tin và mạng xã hội.
Mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển tại nước ngoài
Sau 3 năm COVID-19 các hoạt động quốc tế bị cầm chừng, năm nay, Bộ TT&TT sẽ mở chiến dịch để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc sẽ đi ra nước ngoài, mang tri thức công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. “Nhà nước mở đường, người đi trước kéo người đi sau để thế giới biết đến Việt Nam vì không chỉ Việt Nam là nơi đến mà còn là do nơi người ta đến”.
Bộ trưởng nhận định: "Đôi cánh để Việt Nam bay lên hùng cường, thịnh vượng chính là khát vọng về công nghệ. Báo chí, xuất bản, truyền thông là khát vọng hoá rồng, hoá hổ thấm vào từng người Việt Nam. Công nghệ số, nhân tài số, chuyển đổi số tạo nên chiếc cánh công nghệ Việt Nam".
Bộ trưởng cũng nhắn nhủ: “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy gắn sứ mệnh của mình với sứ mệnh quốc gia, gắn vận mệnh của mình với vận mệnh quốc gia, gìn giữ non sông và làm rạng danh non sông là sứ mệnh mới của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phục vụ kinh tế - xã hội mà còn làm ra vũ khí bảo vệ Việt Nam hùng cường và phát triển”.
Sau cùng, Bộ trưởng gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp tới các doanh nghiệp công nghệ số đồng thời khẳng định sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, cùng doanh nghiệp công nghệ số phát triển trong thời gian tới./.