Làm gì để ngăn chặn âm mưu thâm độc của Trung Quốc ở Biển Đông?

Thứ hai, 01/06/2020 15:06

Chủ trương của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Như phân tích ở các bài trước, những hành động của Trung Quốc đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và các quốc gia, ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động kinh tế tại khu vực Biển Đông.

20200601-l14.jpg

Trung Quốc đã xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay và cơ sở radar phi pháp trên đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa. (Ảnh: AMTI) 

Trước những hành vi cậy thế nước lớn của Trung Quốc, Việt Nam cần có những giải pháp phù hợp với quan điểm kiên quyết, kiên trì và không nhân nhượng đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Vậy giải pháp căn bản để giải quyết vấn đề này là gì? Việt Nam và các quốc gia trong khu vực cũng như các quốc gia có lợi ích bị ảnh hưởng cần làm gì để ngăn chặn âm mưu thâm độc của Trung Quốc ở Biển Đông?
 
Trước hàng loạt tuyên bố chính trị và biện pháp hành chính sai trái trên Biển Đông của Trung Quốc trong những ngày qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai". Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác, dựa trên Luật pháp Quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và các hành vi liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.

Việt Nam cũng đã có những hành động tương đối quyết liệt với hành động của Trung Quốc. Đặc biệt là Việt Nam đã có công hàm gửi Liên Hợp Quốc về việc phản đối nội dung công hàm của Trung Quốc. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam lên tiếng với các nước, các tổ chức quốc tế để nhận diện rõ âm mưu, tham vọng nguy hiểm, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, bởi vì Biển Đông không chỉ có lợi ích của Việt Nam mà Biển Đông có lợi ích của toàn cầu. Cho nên trách nhiệm giữ được tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông không chỉ là trách nhiệm của riêng Việt Nam mà còn đối với cả cộng đồng quốc tế.GS.TS Nguyễn Bá Diến - Chủ tịch Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo cho rằng, Trung Quốc luôn muốn độc chiếm Biển Đông bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, những phản ứng của Việt Nam là nhất quán và phù hợp. Điều đó cho thấy Việt Nam đang chọn hướng đi dựa trên sức mạnh của dân tộc với truyền thống đấu tranh bảo vệ chủ quyền hàng ngàn năm, đồng thời Việt Nam thể hiện trách nhiệm với các quốc gia có yêu sách chủ quyền, các nước có lợi ích kinh tế ở Biển Đông, luôn đề cao việc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông. 
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến Lược và Khoa học (Bộ Công an) cho rằng, trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, sức mạnh dân tộc chính là sự đoàn kết của nhân dân cùng với Nhà nước Việt Nam để bảo vệ chủ quyền. Còn sức mạnh thời đại sẽ được phát triển dựa trên vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua các tuyên bố chính trị, hành động vì lợi ích chung.

"Cộng đồng quốc tế ủng hộ chúng ta, chúng ta đã huy động sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Đây là tiền đề quan trọng nhất giành thắng lợi trong cuộc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông" - Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, phản ứng của Việt Nam hiện nay là hoàn toàn đúng mức. Chúng ta có quyền tuyên bố công khai cho gần 100 triệu người dân Việt Nam trong nước và nước ngoài biết thái độ rất rõ ràng và nguyên tắc của Nhà nước Việt Nam đó là kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Chính thái độ này được cộng đồng quốc tế ủng hộ, hoàn toàn thu phục được gần 100 triệu người dân trong nước và người Việt ở nước ngoài; quy tụ được lòng dân, phù hợp với luật pháp quốc tế.
 
Thực tế trong thời gian qua, Việt Nam đã liên tục gửi lên Liên Hợp Quốc hàng loạt các công hàm chỉ rõ sự phi pháp, phản đối yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc khi nước này gửi công hàm lên Liên Hợp quốc yêu sách về Biển Đông. Trung Quốc cho rằng cộng đồng quốc tế và cả Chính phủ Việt Nam đã "công nhận chủ quyền" của Bắc Kinh với cái gọi là "Tây Sa" và "Nam Sa". "Quần đảo Tây Sa" và "Nam Sa" là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
 
20200601-16.jpg
 
Luật sư Nguyễn Bá Diến. Ảnh: VGP/Mai Anh
 
Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc dừng các hành động trái phép, làm phức tạp thêm tình hình, đe dọa hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Điều này cho thấy sự quyết liệt và công khai của Việt Nam trên trường quốc tế trong vấn đề giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
 
Đồng tình với quan điểm này, ông Bill Hayton, chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình châu Á - Thái Bình Dương Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh nhận định: “Việt Nam thời gian qua cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Để giải quyết được các thách thức này thì không thể mong đợi vào các nước châu Âu hay Mỹ, mà phải chính từ các bạn và các nước trong khu vực bị ảnh hưởng dẫn dắt. Các bạn đang nhận được sự ủng hộ của quốc tế, vì mọi người đều muốn các quốc gia tuân thủ luật lệ để không tạo tiền lệ cho các khu vực khác. Do đó, Việt Nam có nhiều sự ủng hộ trên nguyên tắc của nhiều quốc gia. Tôi nghĩ Việt Nam đã có sự ủng hộ chính trị và đang chờ đợi các hành động thực tế”.
 
Tuy nhiên, nỗ lực và kiên trì của Việt Nam cũng không thể thành công nếu thiếu sự ủng hộ của quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN. Đánh giá về tình hình Biển Đông thời gian qua, ông Stanley Weeks, chuyên gia cao cấp tại Tập đoàn Ứng dụng khoa học quốc tế cho rằng, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gắn liền với lợi ích chính trị, kinh tế của toàn cầu. Trung Quốc cần Biển Đông làm bàn đạp để vươn lên cạnh tranh vị trí siêu cường.
 
Để giải quyết vấn đề này Việt Nam cũng cần nêu bật lợi ích chung đối với tất cả các quốc gia khi có một môi trường hòa bình ở Biển Đông để thu hút sự ủng hộ quốc tế. Theo ông, không chỉ các nước trong khu vực, mà còn ở mức độ quy mô toàn cầu, bao gồm các nước như Anh, Pháp, Đức Mỹ các nước hay Ấn Độ vốn phụ thuộc vào tự do hàng hải cần phải lên tiếng.
Các nước cần phải chỉ trích mạnh mẽ và đừng e ngại khi nói lên những sai trái của Trung Quốc. Đồng thời khuyến khích đoàn kết và thống nhất trên một lập trường chung để cho các nước trong khu vực, đặc biệt là ASEAN hiểu họ cũng sẽ được hưởng hòa bình nếu có khu vực Biển Đông ổn định. Do đó cần sự đoàn kết và thống nhất của ASEAN để giúp giải quyết tốt hơn các thách thức này.
 
Thực tế ở Biển Đông hiện nay, đang có nhiều quốc gia đưa ra các yêu sách về mặt chủ quyền. Để giải quyết các bất đồng, những vấn đề còn chưa đạt được nhận thức chung giữa các quốc gia, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á đã thống nhất cùng Trung Quốc ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Cùng với đó ASEAN và Trung Quốc vẫn đang trong quá trình đàm phán để đưa ra một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với những quy định ràng buộc về mặt pháp lý với mỗi bên tham gia.
 
Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mexico và Thụy Điển, đây là một diễn đàn để Việt Nam thể hiện quan điểm với Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực về vấn đề chủ quyền và lợi ích trên Biển Đông. Lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông cần gắn với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, của tự do hàng hải, hàng không cũng như hoạt động thương mại của các nước tại khu vực này.
 
20200601-l15.jpg
 
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường (Ảnh: Soha)
 
Chính vì vậy, Việt Nam phải có một giải pháp tổng hợp trong đó đấu tranh trong diễn đàn đàm phán COC cũng như vận động các nước ASEAN là một trong những giải pháp nằm trong đó.

Chủ trương của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước Việt Nam – Trung Quốc thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến các nước khác, liên quan đến tự do hàng hải quốc tế thì cần có sự bàn bạc của các bên liên quan.Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng, đây là một cuộc đấu tranh ngoại giao chúng ta cần phải kiên trì, đồng thời người dân vẫn phải nâng cao hiểu biết về COC để các nhà đàm phán Việt Nam có thể có sự hỗ trợ của nhân dân, của dân tộc Việt Nam đứng sau họ, để họ có thể đàm phán được giải pháp tốt nhất. Năng lực chúng ta căn bản nhất đó là khả năng thực thi của lực lượng chấp pháp trên biển, chống tiếp cận trên biển, đồng thời chúng ta phải tận dụng tối đa từng km2 trên biển để phục vụ cho sự phát triển kinh tế đất nước.
 
Nếu các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải giải quyết bằng các phương thức như trung gian hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc Tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và các Tòa Trọng tài.
 
Tiến sỹ Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam ưu tiên đặc biệt cho biện pháp đàm phán thương lượng, bởi đây là giải pháp chính trị ngoại giao linh hoạt mềm dẻo, giải quyết các bất đồng xung đột. Đây là bước đi đặc biệt hợp lý trong đối sách ứng xử với các quốc gia trong khu vực và đặc biệt là Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, khi mà các quốc gia có tranh chấp xung đột không thể đàm phán, không thể thương lượng, không thể hòa giải thì cần tìm đến một giải pháp pháp lý là điều cần thiết. Bởi lẽ trong xã hội quốc tế hiện nay thượng tôn pháp luật là bổn phận và trách nhiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới.
 
Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông mà Trung Quốc gây ra đã kéo dài nhiều năm qua. Trong suốt quá trình này, Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp từ sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể, bãi đá ở Trường Sa, thực hiện hàng loạt các hoạt động sai trái ở khu vực này đến các tuyên bố ngang ngược với các yêu sách hòng độc chiếm toàn bộ Biển Đông.
 
Trên cơ sở của luật pháp quốc tế, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, đồng thời tôn trọng nguyên tắc không đe doạ dùng vũ lực hay dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, trước sau như một chủ trương giải quyết bằng thương lượng hoà bình những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, đặc biệt ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
 
Điều này đáp ứng nguyện vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, phù hợp với các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, phù hợp với lợi ích của hoà bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Đó là con đường đúng đắn nhất.
 
Là một nước lớn và là 1 trong 5 nước Uỷ viên Thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc cần có những hành động phù hợp, đóng góp vào việc giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế thiện chí, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Dư luận ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới chờ đợi sự đáp ứng tích cực của phía Trung Quốc./.
Thu Lan-Tuấn Nam-Hồ Điệp/VOV1
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top