Các địa phương trong toàn tỉnh tiến hành tổng điều tra kinh tế tại hộ gia đình
Kết quả từ giai đoạn 1
Ông Nguyễn Công Thạnh, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Lâm Đồng, cho biết: Từ ngày 1/3, Tổng cục Thống kê chính thức tiến hành cuộc TĐTKT năm 2021 trên phạm vi cả nước. Đây là một trong những cuộc tổng điều tra được triển khai 5 năm một lần với quy mô lớn, nội dung đa dạng, phức tạp, khối lượng công việc nhiều. Vì thế, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan cần tập trung, nghiêm túc thực hiện các nội dung với quyết tâm cao nhất để hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng của cuộc tổng điều tra.
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định kiện toàn số 134/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo TĐTKT tỉnh Lâm Đồng năm 2021 gồm 13 thành viên. Đồng thời, tại các cấp huyện, thành phố trong toàn tỉnh với sự tham gia của 135 thành viên và Tổ giúp việc thường trực Ban chỉ đạo các cấp có 143 thành viên.
Theo kế hoạch, cuộc TĐTKT năm 2021 sẽ được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 1/3 - 30/5 đối với khối doanh nghiệp, hành chính sự nghiệp và hiệp hội; giai đoạn 2 từ ngày 1 - 30/7 đối với khối cá thể và tôn giáo, tín ngưỡng.
Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng cho biết, một trong những đổi mới của cuộc TĐTKT năm 2021 so với các năm trước, đó là việc điều tra, thu thập thông tin được thực hiện bằng hình thức điện tử thông qua các thiết bị máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh. Các nội dung điều tra được thiết kế trong các bảng hỏi điện tử (web-form) và theo phiếu điện tử (CAPI), hoàn toàn không sử dụng phiếu giấy… Bên cạnh đó, nội dung phiếu điều tra bổ sung một số câu hỏi mới và sử dụng triệt để các dữ liệu hành chính, đặc biệt là cơ sở của ngành Thuế nhằm giảm thiểu các thông tin yêu cầu thu thập trong điều tra khối doanh nghiệp, cơ sở cá thể.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo TĐTKT tỉnh, cuộc TĐTKT năm 2021 trên địa bàn các huyện, thành phố đã hoàn thành giai đoạn 1 đạt kết quả tốt, bảo đảm đúng tiến độ theo quy định. Cụ thể, toàn tỉnh đã điều tra gần 8.000/8.662 doanh nghiệp được lập danh sách, đạt tỷ lệ 92,4%; khối hành chính điều tra 519/519 đơn vị, đạt tỷ lệ 100%; khối sự nghiệp điều tra 885/885 đơn vị, đạt 100% và điều tra 75/75 đơn vị hiệp hội, tỷ lệ hoàn thành 100%.
Trở ngại lớn vì dịch COVID-19
Bước sang giai đoạn 2, song song với công tác xử lý, nghiệm thu giai đoạn 1, tỉnh Lâm Đồng tổ chức triển khai công tác rà soát, lập danh sách cơ sở cá thể, tôn giáo, tín ngưỡng; tuyển chọn điều tra viên tham gia điều tra khối cá thể gồm 382 người và điều tra khối tôn giáo, tín ngưỡng gồm 125 điều tra viên và tổ chức 17 lớp tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn kê khai phần mềm điện tử (CAPI) với 814 người tham dự.
Hiện có 142/142 xã, phường, thị trấn thuộc 12 huyện, thành phố đã đồng loạt triển khai điều tra thu thập thông tin tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc 380 địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, có 71 ngàn cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và gần 700 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Đến nay, đã điều tra được gần 43.000/68.398 cơ cở cá thể, đạt tỷ lệ gần 63%; điều tra 330/688 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, đạt gần 48%.
Theo nhìn nhận chung của Cục thống kê tỉnh Lâm Đồng, để hoàn thành đúng lộ trình đã đề ra, cuộc TĐTKT năm nay gặp không ít khó khăn. Bởi trong thời gian đang thực hiện thu thập thông tin tại giai đoạn 1, cuộc TĐTKT diễn ra trùng thời điểm các địa phương đang hướng tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cao điểm nhất là trong tháng 5/2021, do đó các địa phương tập trung nguồn lực vào cuộc bầu cử. Bên cạnh đó, Lâm Đồng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nhiều nơi chưa đảm bảo đủ điều kiện để tham gia cung cấp thông tin trực tuyến trên trang thông tin điện tử web-form…
Một điều khó khăn hiện nay được đặt ra, do diễn ra trong tình hình dịch COVID-19 bùng phát ở hầu hết các tỉnh, và tại Lâm Đồng, một số địa phương xuất hiện ca dương tính với SARS-COV-2 nên phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Chính những lí do đó khiến không ít cơ sở cá thể tạm ngừng, đóng cửa, công tác tiếp cận, triển khai kê khai gặp khó khăn, cá biệt nhiều địa phương tạm ngừng điều tra thu thập thông tin. Song song với đó, số lượng doanh nghiệp thành lập vừa và nhỏ thường xuyên thay đổi địa chỉ chiếm khoảng 80% trong tổng số doanh nghiệp; trong khi việc cập nhật địa chỉ doanh nghiệp của các ngành quản lý doanh nghiệp cập nhật chưa kịp thời; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ…
Theo ông Nguyễn Công Thạnh, trong thời gian tới, trước diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp, các đơn vị cần phối hợp với ngành Bưu điện trong toàn tỉnh, một số đơn vị dịch vụ kế toán có số lượng doanh nghiệp lớn tại các địa phương để triển khai hướng dẫn, cách thức, quy trình kê khai thông tin trực tuyến qua web-form đến từng doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Cần chỉ đạo các cấp bám sát địa bàn, cơ sở đã được phân công phụ trách tổ chức triển khai và đôn đốc, nhắc nhở, theo dõi tiến độ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo lên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để có hướng giải quyết. Điều tra viên thường xuyên liên hệ với doanh nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trong quá trình điền thông tin trên phiếu điều tra trực tuyến.
“Trường hợp doanh nghiệp không có đủ điều kiện kê khai thông tin trực tuyến, điều tra viên sẽ điều tra, trực tiếp kê khai thông tin, đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định. Cùng với đó, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các đối tượng điều tra hiểu được tầm quan trọng của tổng điều tra, từ đó tạo được sự đồng thuận, phối hợp trong quá trình cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu đặt ra”, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Lâm Đồng thông tin thêm.