Câu chuyện bịa đặt về "bác sĩ Trần Khoa" mới đây một lần nữa báo động về tình trạng "vẽ" kịch bản giả trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... nhằm đánh vào lòng trắc ẩn của cộng đồng để kêu gọi quyên góp từ thiện rồi chiếm đoạt.
Lợi dụng dịch để "lừa" tiền từ thiện
Mới đây, Công an huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với Ngân "Gốm" (tức Đỗ Thị Kim Ngân, 36 tuổi; trú huyện Gia Lâm) để làm rõ hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại điều 174 Bộ Luật Hình sự.
Khá nổi tiếng trên mạng xã hội, Ngân "Gốm" lập nhiều tài khoản Facebook như "Ngân Gốm", "Đỗ Thị Kim Ngân Paula"... để livestream (phát trực tiếp), rao bán các sản phẩm từ gốm và nhiều hàng hóa khác rồi chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, Ngân "Gốm" còn livestream kêu gọi từ thiện, cứu trợ các vùng gặp thiên tai, khó khăn. Sau khi nhận được tiền quyên góp từ các nạn nhân, Ngân cắt liên lạc rồi sử dụng số tiền lừa đảo để chi tiêu cá nhân. Bước đầu, Ngân thừa nhận đã chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng của khoảng 10 nạn nhân.
Trước đó, Bộ Công an cũng phối hợp Công an tỉnh Hà Nam bắt giữ Trần Văn Lâm (23 tuổi, ngụ tỉnh Hà Nam) để điều tra về hành vi lập fanpage kêu gọi người dân ủng hộ tiền từ thiện rồi chiếm đoạt. Từ khi lập fanpage vào tháng 9-2020 cho đến lúc bị bắt, Lâm đã đăng gần 250 bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ các trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Tin vào những thông tin này, đã có hàng ngàn nhà hảo tâm gửi tổng số tiền hơn 6,6 tỉ đồng đến tài khoản ngân hàng của Lâm.
Một hình thức lừa đảo khác tuy cũng không mới nhưng nở rộ trong thời điểm dịch bệnh đang phức tạp là sử dụng tài khoản Facebook, Zalo... ảo hoặc chiếm quyền quản trị tài khoản rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách liên lạc của chủ tài khoản để vay, mượn tiền, nhờ chuyển tiền số lượng lớn.
Trước tình trạng lừa đảo trên kênh online gia tăng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương gần đây nhiều lần cảnh báo, vạch trần các chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Trong đó có trường hợp đối tượng lừa đảo giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã xác thực OTP để xử lý sự cố liên quan các giao dịch ngân hàng của người tiêu dùng. Sau khi có thông tin này, đối tượng chuyển toàn bộ tiền từ tài khoản của người tiêu dùng sang tài khoản khác để chiếm đoạt. Cơ quan này khuyến cáo người dân không cung cấp tên và số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP hoặc số thẻ tín dụng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà chưa xác định rõ mối quan hệ. Đồng thời, không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng; không cài đặt các ứng dụng chưa được xác thực...
Việc bịa ra vụ “bác sĩ Khoa” trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cộng đồng mạng bức xúc. (Ảnh chụp từ màn hình)
Tội phạm công nghệ cao gia tăng
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (NCSC), chỉ trong vòng 1 tuần, từ ngày 9 đến 15-8, cơ quan này đã nhận 36 lượt phản ánh của người dùng internet tại Việt Nam liên quan đến các vụ việc lừa đảo trên mạng như giả mạo website, thông báo nộp tiền để hưởng hoa hồng, dụ dỗ đầu tư tài chính online...
NCSC nhận định dịch Covid-19 kéo dài khiến việc trao đổi thông tin, học trực tuyến, làm việc từ xa trở thành bắt buộc. Cùng với đó, nhu cầu mua sắm của người dân trên các nền tảng thương mại điện tử cũng tăng cao. Nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này để thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản. "Để tránh trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo và tấn công mạng, người dân cần trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn thông tin, nâng cao cảnh giác. Qua đó, các mối nguy hại về việc lộ, lọt thông tin cá nhân và những rủi ro về tài chính sẽ được hạn chế rất nhiều" - đại diện NCSC nhấn mạnh và cho biết cơ quan này đã xây dựng Cẩm nang bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19 để hỗ trợ người dân phòng tránh rủi ro trên không gian mạng.
Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) chỉ ra tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều chiêu thức để lừa đảo qua các giao dịch ngân hàng, đặc biệt là giao dịch điện tử. Chẳng hạn, sử dụng Facebook để gửi tin nhắn cho "con mồi" thông báo trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng trong một khoảng thời gian rất ngắn. Nếu không chuyển tiền sớm, giải thưởng sẽ được chuyển cho người khác. Chính vì vậy, không ít người đã sập bẫy.
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), với sự thuận tiện của mạng xã hội, việc kết nối, lan tỏa để làm việc thiện trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhiều cá nhân cũng lợi dụng mạng xã hội để mạo danh, lừa đảo, trục lợi tiền từ thiện thông qua việc thêu dệt các kịch bản giả, hoàn cảnh không có thật.
"Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, để lòng tốt không bị lợi dụng, nhà hảo tâm nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần cảnh giác và báo cho cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật" - luật sư Cường lưu ý.