Lễ kỷ niệm là dịp để ôn lại truyền thống của Hội Nhà báo Việt Nam trong 60 năm hoạt động, giới thiệu truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam phục vụ sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đồng thời, đây cũng là dịp đẩy mạnh việc giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ cho hội viên, đổi mới hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động của các cấp hội.
Tham dự lễ kỷ niệm có ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; ông Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; ông Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Huỳnh Đảm, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Trần Văn Tuấn, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Doãn Hợp, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Thành uỷ, UBND thành Phố Hà Nội, các cơ quan báo chí…
Tại buổi lễ, ông Đinh Thế Huynh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống 60 năm qua của Hội Nhà báo Việt Nam. Trong những năm đấu tranh giải phóng dân tộc, đội ngũ những người làm báo luôn xông pha tại các vùng chiến sự ác liệt để phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta chống Thực dân Pháp xâm lược và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ vùng trời, vùng biển,… Hàng trăm nhà báo đã ngã xuống khi đang tác nghiệp nhưng cũng không làm nản lòng bước chân của hàng nghìn nhà báo xung phong vào bộ đội, vừa chiến đấu trên các mặt trận vừa hoạt động báo chí.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, theo đà phát triển của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí đã có bước tiến nhảy vọt cả về chất và lượng. Từ vài chục cơ quan báo chí trong ngày đầu giành được chính quyền, đến nay, nước ta có 706 cơ quan báo chí, trong đó có 178 báo in, 582 tạp chí, một hãng thông tấn quốc gia, 2 đài phát thanh, truyền hình quốc gia, một đài truyền hình của Ngành, 63 đài phát thanh, truyền hình thành phố, 500 đài truyền thanh, phát lại truyền hình cấp huyện. Báo điện tử phát triển mạnh, tạo nên một mạng thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt người truy cập hàng ngày không chỉ ở trong nước mà trên toàn thế giới. Đội ngũ những người làm báo, nòng cốt là hội viên Hội Nhà báo phát triển nhanh chóng, từ 300 hội viên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã lên hơn 17.000 hội viên nhà báo hiện nay, chưa kể hàng nghìn người mới tham gia đội ngũ báo chí nhưng chưa đủ điều kiện gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam và đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên đông đảo trên khắp cả nước.
Sự phát triển mạnh mẽ của nền báo chí đất nước làm nền tảng cho sự phát triển của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam. Đến nay, ở 63 tỉnh, thành phố có Hội Nhà báo cấp tỉnh, thành phố. Ở Trung ương, có 15 Liên chi hội nhà báo và hàng trăm chi hội thực thuộc. Hoạt động của các cấp hội ngày càng đi vào nề nếp, hướng vào việc nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trình độ nghiệp vụ, bảo vệ quyền hành nghề chính đáng của những người làm báo trong một đoàn thể có tính chặt chẽ theo 3 cấp từ Trung ương tới chi hội cơ sở các tỉnh, thành phố. Trong chặng đường 60 năm qua, Hội Nhà báo Việt nam luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi của các ban, bộ, ngành, của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự đùm bọc và giúp đỡ của nhân dân. Bằng ý chí nỗ lực to lớn, Hội Nhà báo Việt Nam luôn phấn đấu để xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và của nhân dân, vươn lên thành một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo có vị thế trong xã hội, trong khu vực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của báo chí cách mạng nước nhà.
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính Trị, Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng khẳng định: trong mọi giai đoạn cách mạng của đất nước, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của báo chí, luôn quan tâm, chăm lo xây dựng, chỉ đạo hoạt động báo chí và đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ, đạo đức người làm báo. Ông Trương Tấn Sang cũng biểu dương những cống hiến to lớn của của nền báo chí Cách mạng đối với nước nhà. Sự nghiệp đổi mới công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước trong những năm qua đã có những thành tựu to lớn có ý nghĩ lịch sử, thế và lực của đất nước ta ngày càng được tăng cường, vị trí và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trong khu vực và trên thế giới. Điều đó cũng đặt ra cho báo chí, cho đội ngũ những người làm báo, cho hội nhà báo các cấp những nhiệm vụ rất nặng nề. Trong thời gian tới, báo chí cần phát huy những thế mạnh, ưu điểm đồng thời phải khắc phục những thiếu sót để làm tốt vai trò là vũ khí tuyên truyền sắc bén, tuyên truyền, vận động tập hợp, đoàn kết, cổ vũ động viên, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, công nghiệp hoá - hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Báo chí phải nâng cao chất lượng tuyên truyền về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, pháp luật chính sách của Nhà nước, đấu tranh vạch trần những âm mưu phản bác sai trái của các thế lực thù địch, phát hiện biểu dương cổ vũ những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến đồng thời tích cực đấu tranh chống tham nhũng lãng phí, phê phán đẩy lùi những tiêu cực. Báo chí phải góp phần tạo ra được cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta khí thế “dời non lấp biển” chớp thời cơ, vượt qua mọi khó khăn thách thức để xây dựng nước Việt Nam dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.