Ký kết hợp tác phát triển công nghệ số tạo bước đột phá cho Hà Nội

Thứ năm, 27/06/2024 16:13

Ngày 27/6/2024, tại Hà Nội, Sở TT&TT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai "Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025". Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương đã tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Cùng dự có lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố liên quan; Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam - VINASA, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội, Hội Tin học - Viễn thông Hà Nội và đại diện một số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn Thành phố.

Ký kết hợp tác phát triển công nghệ số tạo bước đột phá cho Hà Nội- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương chứng kiến việc ký kết Chương trình phối hợp "Công tác quản lý nhà nước về công nghiệp CNTT giai đoạn 2024-2025" giữa Sở TT&TT Hà Nội và Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông - Bộ TT&TT

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhận định, trong năm qua, ngành công nghiệp công nghệ số đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những ngành kinh tế có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển chung của đất nước. Ngành đã đóng góp khoảng 6,5% vào GDP cả nước năm 2023, trở thành lực lượng sản xuất mới góp phần làm nòng cốt thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.

Hà Nội là địa phương đầu tiên cho phép Sở TT&TT thành lập Phòng Công nghiệp CNTT

Thứ trưởng đánh giá cao vai trò của Hà Nội là địa phương luôn đi đầu cả nước trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số với doanh thu đạt 327.000 tỷ đồng (13 tỷ USD), chiếm khoảng 10% doanh thu của cả ngành CNTT. Hà Nội đứng thứ hai cả nước về công nghiệp phần mềm, đứng đầu cả nước về doanh thu dịch vụ CNTT. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn Hà Nội là hơn 7.300 doanh nghiệp, đứng thứ hai cả nước.

Ký kết hợp tác phát triển công nghệ số tạo bước đột phá cho Hà Nội- Ảnh 2.

Đại diện Trung tâm đào tạo, tư vấn CNTT Hà Nội ký kết chương trình phối hợp với VINASA, MISA và Weangles

Hà Nội là địa phương đầu tiên cho phép Sở TT&TT thành lập Phòng Công nghiệp CNTT, thể hiện sự đổi mới trong tư duy của lãnh đạo thành phố, khẳng định vai trò tầm quan trọng của lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, CNTT đối với Hà Nội.

Hà Nội ký kết hợp tác công nghệ số là mô hình kiểu mẫu cho các địa phương khác trên cả nước

Đối với các chương trình ký kết hợp tác phát triển công nghiệp CNTT giữa đơn vị chuyên môn của Bộ và đơn vị chuyên môn của địa phương cũng như giữa địa phương với Hội, Hiệp hội tại sự kiện hôm nay, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhận định các ký kết này có ý nghĩa quan trọng trong việc chung tay thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ số. Đây là mô hình mẫu về sự hợp tác giữa các bên liên quan trên cả nước trong lĩnh vực công nghệ số. Bộ TT&TT kỳ vọng trong thời gian tới các bên tham gia ký kết sẽ đạt được các kết quả tích cực trở thành mô hình kiểu mẫu cho các địa phương khác trên cả nước.

Để các chương trình ký kết hợp tác đạt được các kết quả thiết thực, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đề xuất, UBND Thành phố Hà Nội, Sở TT&TT và các hiệp hội, doanh nghiệp CNTT thực hiện các nội dung, cụ thể:

- Sở TT&TT Hà Nội tham mưu UBND thành phố ưu tiên nguồn lực cho việc triển khai và thực hiện Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố đến 2025 mới được ban hành, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng số nói chung và hạ tầng Khu CNTT tập trung nói riêng.

Ký kết hợp tác phát triển công nghệ số tạo bước đột phá cho Hà Nội- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương: Bộ TT&TT cam kết tiếp tục phối hợp, hỗ trợ và đồng hành cùng Hà Nội nói chung và các địa phương nói riêng trong quá trình phát triển công nghiệp CNTT, công nghệ số

- Chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường thu hút các dự án đầu tư của các tập đoàn công nghệ nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực bán dẫn, AI, trung tâm nghiên cứu phát triển…

Thứ trưởng cho biết, hiện Bộ TT&TT đang chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn và Luật Công nghiệp công nghệ số với nhiều chính sách ưu đãi phát triển hạ tầng, nhân lực, trung tâm R&D công nghệ cao cho AI, bán dẫn. Đồng thời đề nghị Sở TT&TT Hà Nội phối hợp trực tiếp với Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT) đề xuất bổ sung cơ chế ưu đãi hỗ trợ cho Hà Nội.

Các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn Hà Nội nên nghiên cứu kỹ dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số và Luật Thủ đô, trong đó đều có quy định về khung pháp lý thử nghiệm sandbox vì các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số rất cần cơ chế này.

Thứ trưởng cũng đề nghị các hội/hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ số chủ động đề xuất các giải pháp đột phá giúp Hà Nội đi đầu trong phát triển công nghiệp CNTT, công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số. Doanh nghiệp công nghệ số cần lấy sứ mệnh mới là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực.

Bộ TT&TT cam kết tiếp tục phối hợp, hỗ trợ và đồng hành cùng Hà Nội nói chung và các địa phương nói riêng trong quá trình phát triển công nghiệp CNTT, công nghệ số. Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện một môi trường pháp lý, hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ số.

Tại Hội nghị, Sở TT&TT đã báo cáo triển khai Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 15/6/2024 của UBND Thành phố Hà Nội về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025; báo cáo kết quả hoạt động của Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Thành phố Hà Nội.

Sở TT&TT Hà Nội đã tổ chức ký kết các chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể, gồm:

- Chương trình phối hợp "Công tác quản lý nhà nước về công nghiệp CNTT giai đoạn 2024-2025" với Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông - Bộ TT&TT.

- Bản ghi nhớ hợp tác về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2024 -2025 với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA);

- "Kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp về việc thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh năm 2024" với Hội Tin học - Viễn thông Hà Nội;

- "Bản ghi nhớ hợp tác về phát triển doanh nghiệp công nghệ số và đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2024 -2025" với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội./.

Kế hoạch số 184/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025 ban hành ngày 15/6/2024 của UBND Thành phố Hà Nội xác định 3 nhóm chỉ tiêu chính gồm:

1) Phấn đấu hình thành 10.000 doanh nghiệp công nghệ số.

2) Phấn đấu hình thành 10 nhóm sản phẩm công nghệ số là sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội.

3) Phấn đấu ươm tạo được 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số có khả năng cung cấp ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của Thành phố; cụ thể hóa hai nhóm nội dung nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển doanh nghiệp công nghệ số của Thành phố Hà Nội đến năm 2025 gồm có:

- Thứ nhất, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung của Thành phố đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp công nghệ số như: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp; Phát triển hạ tầng số; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ; Tạo lập thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số. Với tinh thần "Chính quyền đồng hành - Doanh nghiệp hiến kế - Kinh tế phát triển", UBND Thành phố Hà Nội xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tạo lập thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số phát triển trong thời gian tới.

- Thứ hai, 17 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà chính quyền Thành phố cũng như các doanh nghiệp sẽ triển khai đối với từng loại hình doanh nghiệp công nghệ số.


Giang Phạm
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top