Các chiến sĩ trẻ đọc sách tại Phòng đọc Hồ Chí Minh (đảo Trường Sa Lớn). |
MỖI ĐẢO ĐỀU CÓ MỘT THƯ VIỆN
Tranh thủ giờ nghỉ chiều, chiến sĩ trẻ Trần Quý và Duy Tư (đảo Tiên Nữ) cùng lên tủ sách của đơn vị. Quý thích truyện của Nguyễn Nhật Ánh, còn Tư thì mê những cuốn sách viết về nghệ thuật sống. Hôm chúng tôi đến, Quý đang đọc cuốn “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, còn Tư chọn cuốn “Đừng bao giờ đi ăn một mình”. Quý bảo, truyện của Nguyễn Nhật Ánh đọc dễ “vào”, nên có những cuốn em đọc nhiều lần. “Khi còn là HS, em cũng thích truyện của Nguyễn Nhật Ánh, vào quân đội, ra đảo nhận nhiệm vụ, truyện giúp em vơi bớt nỗi nhớ nhà, và mang đến cho em nhiều điều bổ ích”, Quý chia sẻ.
Trung úy Nguyễn Quang Hòa, Chính trị viên đảo Tiên Nữ cho biết: “Sách với chúng tôi rất quý bởi đó là nguồn giải trí chính. Tủ sách của đơn vị không chỉ để cán bộ, chiến sĩ đọc sau những giờ huấn luyện hay ngày nghỉ, mà còn để nghiên cứu nâng cao trình độ, tìm hiểu khoa học kỹ thuật áp dụng vào nhiệm vụ công tác...”.
Chiến sĩ trẻ Duy Tư (trái) và Trần Quý (đảo Tiên Nữ) thích thú khi được tặng Báo Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Hiện nay, tại tất cả các đảo của quần đảo Trường Sa đều duy trì mô hình tủ sách thư viện. Bình quân tủ sách ở các đảo có 1.000-1.500 bản sách, riêng đảo Trường Sa Lớn có hẳn thư viện chiến sĩ, với 10.000 bản sách. Nội dung sách rất phong phú. Hàng năm, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đều bổ sung, luân chuyển sách giữa các điểm đảo.
Trung tá Đinh Văn Cường, Chính trị viên phó đảo Trường Sa Lớn (Lữ đoàn 146) cho hay, phong trào đọc sách thư viện của cán bộ, chiến sĩ được Lữ đoàn phát động, duy trì thường xuyên. Ngoài Phòng đọc Hồ Chí Minh với hơn 10.000 đầu sách, các đơn vị, cụm chiến đấu, phân đội trực thuộc đều có tủ sách, giá sách để phục vụ nhu cầu đọc của cán bộ, chiến sĩ. Hàng quý, đơn vị luân chuyển khoảng 300 bản sách, báo, tạp chí từ Phòng đọc Hồ Chí Minh đến các tủ sách nhỏ. Đơn vị quy định giờ đọc sách từ 16 giờ 30 - 17 giờ 30 hàng ngày. Ngày nghỉ, giờ đọc sách vào buổi sáng: từ 7 giờ 30 đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30.
NHỮNG CÁI TÊN NGỘ NGHĨNH
Các đơn vị bộ đội ở Trường Sa nuôi rất nhiều chó. Ngày 9-5, khi xuồng cập đảo Tiên Nữ, hàng chục con chó cùng sủa vang như báo hiệu có khách đến nhà. Khi các chiến sĩ ra đón khách lên đảo, đàn chó ngừng sủa, nằm ngoan bên chân người. Một số con dõi mắt “canh chừng” người lạ. Trong số này tôi đặc biệt ấn tượng với chú chó có tên “Chúa Đảo” màu lông vàng mượt. “Chúa Đảo” mang vẻ mặt lạnh lùng, không dễ làm quen. Nhưng chỉ cần tiếng nhắc nhẹ của chiến sĩ Trịnh Duy Tư: “Chúa Đảo, không được hư. Đây là khách của đảo nhé”, con vật lập tức trở nên hiền khô.
Trịnh Duy Tư 22 tuổi, ra đảo Tiên Nữ nhận nhiệm vụ được 10 tháng. “Đảo nuôi nhiều chó, mỗi ngày tụi em nấu 3 nồi cháo cá hoặc xương, thịt cho chúng. Hồi em mới lên đảo, con “Chúa Đảo” này rất dữ. Hôm đó đảo liên hoan nên tụi em bắt heo mổ thịt. Thấy con heo vùng vẫy, “Chúa Đảo” xông vào cắn khiến con heo sợ, nằm im. Em ấn tượng quá nên chú ý và thân thiết với “Chúa Đảo” từ đó”, Tư nói.
Đảo Thuyền Chài B cũng có chú chó rất ấn tượng: CR7. Nó còn có tên là Bảy chột vì bị chột mắt. “CR7 là một trong những con chó hiếm hoi còn sót lại sau khi cơn bão Tembin quét qua đảo Thuyền Chài hồi cuối năm 2017”, chiến sĩ Lê Minh Quốc cho biết.
Tại các điểm đảo, chó là vật nuôi thân thiết như bạn của cán bộ, chiến sĩ. Hầu như ở đảo nào, các chiến sĩ cũng chọn một con già tuổi, cứng cáp hoặc khôn ngoan nhất và đặt cho nó mệnh danh “chúa đảo”. Những chú chó cũng là bạn đồng hành của chiến sĩ trong những phiên trực. Hết giờ huấn luyện, chúng lại cùng các chiến sĩ đi bơi biển. Có nhiều con bắt cá rất giỏi, thường theo chiến sĩ xuống biển bắt cá để cải thiện bữa ăn. Đặc biệt, khi có khách, nhiều chú còn mạnh dạn bơi ra tận xuồng, tíu tít đón mừng khi chiến sĩ mang quà lên đảo. Khi các đoàn công tác rời đảo, nhiều chú chó ra cầu tàu, sủa vang, quẫy đuôi liên tục như chào tạm biệt.