Nhằm mục đích phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự cần thiết, tính cấp bách của Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2025 thực hiện phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đảm bảo đạt các mục tiêu cơ bản theo Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 08/6/2022 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Chiến lược Chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong triển khai thực hiện chương trình Chuyển đổi số của tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay trong phong trào thi đua nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn tỉnh.
Nội dung thi đua gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức phổ biến, triển khai, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của Chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số;
Xây dựng các chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh tiến trình Chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị; chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi, xây dựng các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho Chuyển đổi số, thúc đẩy Chính phủ số, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số, phát triển xã hội số;
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về Chuyển đổi số, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, người dân và doanh nghiệp; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình Chuyển đổi số của tỉnh;
Ưu tiên Chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, tạo lập dữ liệu mở, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4), nâng cao chỉ số xếp hạng của tỉnh về Chuyển đổi số;
Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết bị và ứng dụng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự chuyển đổi của chính quyền điện tử;
Xây dựng và tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
Tăng cường quản lý an ninh mạng, bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu, phòng chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, thâm nhập hệ thống quản lý, điều hành chính quyền điện tử, tạo niềm tin vào tiến trình Chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số;
Tích cực tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, bám sát các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm thu hút, tập hợp sự tham gia, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhằm xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đối tượng thi đua gồm: Tập thể các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh; UBND các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân cấp xã; các doanh nghiệp, hợp tác xã; các cơ sở y tế; các trường học (gọi tắt là cơ quan, đơn vị); các hộ gia đình.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, các cá nhân trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đóng góp vì mục tiêu Chuyển đổi số của tỉnh./.