Kiên Giang: Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua thương mại điện tử

Thứ năm, 27/10/2022 17:58

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giải pháp sử dụng sàn thương mại điện tử để quảng bá, kết nối sản phẩm sẽ giúp các doanh nghiệp, chủ thể OCOP dễ dàng kết nối tiêu thụ sản phẩm.

2710u1.jpg

Theo đánh giá của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2019 đến nay, đại dịch COVID-19 bùng nổ và diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam. Nhiều địa phương gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, kéo theo tình trạng đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Trong bối cảnh này, thị trường đòi hỏi cần có sự thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Từ đó, hình thức mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến, ngay cả các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến. Việc phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp mới và hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc sản hay các sản phẩm OCOP của địa phương.

Tại Kiên Giang, các chủ thể, hợp tác xã, hộ kinh doanh sản phẩm OCOP đang từng bước nâng chất lượng sản phẩm, chủ động mở rộng kênh phân phối sản phẩm thông qua việc đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Tính riêng năm 2021, Sở Công thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, hướng dẫn nhiều tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia các sàn thương mại điện tử như kiengiangpromotion.vn; kigi.com.vn; postmart.vn. Kết quả có trên 200 sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử.

Chia sẻ về lợi ích khi đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, anh Nguyễn Tấn Đậu - chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trà mãng cầu Hai Đậu (Giồng Riềng) cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Nếu chỉ bán hàng theo kênh truyền thống thì lượng hàng tiêu thụ không nhiều, bên cạnh đó sản phẩm không được nhiều người biết đến. Qua tìm hiểu và được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tôi được hỗ trợ, hướng dẫn đưa sản phẩm quảng bá trên các trang thương mại điện tử của tỉnh, kết hợp xây dựng mạng lưới cộng tác viên, bán hàng qua các trang Facebook, Zalo để mở rộng kết nối tiêu thụ với các khách hàng trên toàn quốc. Đến nay, lượng sản phẩm bán ra đang được duy trì ổn định, mỗi tháng cơ sở xuất 100-150kg trà mãng cầu đi các tỉnh, thành phố”.

Thương mại điện tử đang dần trở thành phương thức kinh doanh phổ biến, ngày càng được nhiều doanh nghiệp và người dân biết đến. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển hình thức thương mại điện tử tại tỉnh ta còn hạn chế, nhiều chủ thể OCOP còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong việc phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số nơi còn khá lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả kênh thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP của mình.

Năm 2022, chương trình OCOP tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Đồng chí Huỳnh Thanh Liêm - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết, tỉnh sẽ hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên xây dựng các video clip, tin bài quảng bá, phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, quảng bá trên các tuyến du lịch. Đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu, tham gia phân phối sản phẩm OCOP trên các trang thương mại điện tử để các nhà sản xuất, đối tác kết nối, đặt hàng. Tỉnh sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP về chu trình, biểu mẫu OCOP, bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm, xây dựng, triển khai thực hiện phương án kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

Ngoài sự hỗ trợ từ chương trình OCOP, để ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, các chủ thể OCOP cần chú trọng hơn nữa trong khâu nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và các khách hàng khi giao dịch, mua bán sản phẩm qua sàn thương mại điện tử.

 

theokiengiang.gov.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top