Ảnh minh họa.
Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để xây dựng và phát triển đất nước chỉ được đảm bảo khi gắn liền với chủ nghĩa xã hội, do đó giành được độc lập mà không đi lên chủ nghĩa xã hội thì không những không bảo vệ được độc lập dân tộc mà còn không thể mang lại tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được thể hiện đậm nét trên hai khía cạnh sau đây.
1. Kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam
Đây là vấn đề được Đảng ta khẳng định một cách nhất quán trong suốt quá trình hoạt động, được thể hiện qua ba nội dung cơ bản như sau:
Một là, luôn kiên trì, trung thành với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ những quy luật khách quan vận động của xã hội loài người, là học thuyết đấu tranh của những người lao động chống lại mọi áp bức bất công, đi đến mục tiêu cuối cùng là giải phóng con người - và con người được phát triển toàn diện. Đó cũng là thế giới quan và nhân sinh quan của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nói chung. Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ, sự thay thế của các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao, trong đó, chủ nghĩa xã hội sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản và giai cấp công nhân, rộng ra là những người lao động, là những người thực hiện sứ mệnh xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa theo đúng quy luật vận động tự nhiên - xã hội khi có đủ những điều kiện cần thiết.
Xã hội ngày nay phát triển rất nhanh, đặc biệt là sự ra đời của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về quy luật vận động của các hình thái kinh tế - xã hội vẫn còn nguyên giá trị. Trung thành/kiên trì với chủ nghĩa Mác - Lênin với ý nghĩa như thế tức là đi đúng quy luật vận động của xã hội loài người, không vin vào cớ đặc thù của từng lúc và từng nơi mà xa rời nguyên lý đó, cho dù xã hội phát triển nhanh và mạnh như hiện nay không thể không có những trở ngại, khó khăn.
Hai là, Đảng ta luôn vận dụng linh hoạt và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, không giáo điều. Chủ nghĩa Mác - Lênin là hiện thân của sự phát triển không ngừng. Ph.Ăngghen và V.I.Lênin luôn đề cao sự sáng tạo khi vận dụng lý luận của C.Mác, chứ không coi đó là “nhất thành bất biến”; đồng thời rất coi trọng phương pháp luận, vấn đề cụ thể hóa lý luận phải căn cứ vào tình hình thực tế từng lúc, từng nơi và mỗi giai đoạn cách mạng. Trong tiến trình lịch sử, Đảng ta luôn thấm nhuần sâu sắc vấn đề này. Trước những thay đổi to lớn của tình hình chính trị và kinh tế trên thế giới, Đảng ta đã có những nhận thức và hành động đúng đắn, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin như về quy luật giá trị, về quan hệ quốc tế, về phát triển các tổ chức đảng…
Cụ thể, Việt Nam đang phát triển và vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chủ động mở cửa và hội nhập với thế giới, đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương, đa dạng hóa quan hệ phù hợp với xu thế toàn cầu hóa trên cơ sở bảo đảm các quyền, lợi ích dân tộc… Trong xây dựng và phát triển Đảng, đã từng bước đổi mới nhận thức và đẩy mạnh phát triển các tổ chức cơ sở đảng tại một số doanh nghiệp tư nhân... Đây là những điều mà trước đó, khi sinh hoạt trong cộng đồng quốc tế các đảng cộng sản, đặc biệt là trong hệ thống các đảng cộng sản cầm quyền của các nước xã hội chủ nghĩa không thể thực hiện được.
Kiên định, kiên định hơn nữa; sáng tạo, sáng tạo hơn nữa chủ nghĩa Mác - Lênin là lời hiệu triệu của thực tiễn xã hội ở Việt Nam, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi công cuộc đổi mới đã trải qua 35 năm, thời gian đủ để nhìn nhận, đánh giá đường lối phát triển và hành động thực tế của một Đảng cầm quyền.
Ba là, vận dụng đúng đắn và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Quá trình thực hiện, vận dụng đúng đắn và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh dựa trên hai yếu tố cơ bản: thứ nhất, điều kiện, hoàn cảnh của đất nước Việt Nam hiện nay, cũng như trên thế giới đã có nhiều biểu hiện mới so với sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí minh; thứ hai, để vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tế trong điều kiện hiện nay đạt kết quả tốt, cần có “tâm thế” tốt, hiểu đúng và vận dụng phù hợp.
Tâm thế là toàn bộ thái độ, tâm lý của con người khi đứng trước một sự việc và có ảnh hưởng to lớn đến kết quả, hành động của con người. Có thể nêu lên hai tâm thế đối lập: tâm thế chủ động tích cực và tâm thế bị động tiêu cực. Người nào có tâm thế chủ động, tích cực thì khi ứng xử (đối với người, đối với việc, đối với bản thân mình - theo cách phân loại ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh) sẽ đạt được kết quả tốt. Ngược lại, sẽ không đạt được kết quả như mong muốn. Để hiểu cho đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tuân thủ nguyên tắc lịch sử - cụ thể; xem xét một cách toàn diện các mối liên hệ lịch sử cơ bản những quan điểm của Người. Phải xem xét tư tưởng Hồ Chí Minh trong mỗi vấn đề cụ thể và sự phát triển các quan điểm đó của Người, nghĩa là thấu hiểu bản chất của vấn đề, chứ không không câu nệ kiểu tầm chương trích cú. Ví dụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin là sống với nhau có tình, có nghĩa, tức là mục tiêu của chủ nghĩa nhân đạo mácxít, mục tiêu giải phóng con người, chứ không phải nói vậy “để lòe người ta”.
Hành vi chỉ là cái cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể, có thể phù hợp ở lúc này mà không phù hợp ở lúc khác. Cũng như chính C.Mác và Ph.Ăngghen đã cho rằng, những luận điểm của các ông nêu ra không phải là học thuyết (với nghĩa là đừng giáo điều) mà chính là ở phương pháp biện chứng duy vật thống nhất trong chủ nghĩa duy vật biện chứng của triết học mác xít. Chỉ có trên cơ sở nắm vững phép biện chứng duy vật này thì mới có những hành động đúng, tương thích với mọi biến đổi xã hội, nhưng bản chất vấn đề không biến đổi.
2. Quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Trong hệ thống chính trị của Việt Nam, mỗi tổ chức thành viên có nhiệm vụ, chức năng riêng, trong đó Đảng là hạt nhân lãnh đạo, Nhà nước giữ vai trò quản lý và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội là nền tảng. Trong điều kiện hiện nay, chế định mang tính then chốt là Đảng và Nhà nước là những tổ chức chính trị có vai trò kiến tạo cho đất nước phát triển bền vững. Về mặt lý thuyết chính trị, khi nghiên cứu, đánh giá một số nước theo chế độ chính trị phi xã hội chủ nghĩa thì nhà nước đóng vai trò trung tâm, thể hiện sự kiến tạo của mình, thông qua các nhánh quyền lực.
Đối với Việt Nam, một nguyên tắc rất phù hợp với thực tế là Đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, không chấp nhận đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập. Để kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi hệ thống chính trị phải luôn trong sạch, vững mạnh. Xã hội hiện đại càng phát triển thì yêu cầu về phương thức hoạt động của hệ thống chính trị càng cần được đổi mới cho phù hợp. Đổi mới theo phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái bất biến và cái vạn biến đều phải được nằm trên nền tảng trong sạch, vững mạnh của các thành viên trong hệ thống chính trị. Nếu các tổ chức trong hệ thống chính trị mà yếu kém, nhiều tiêu cực thì cả hệ thống sẽ hoạt động không hiệu lực, hiệu quả. Do vậy, hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh chính là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong hệ thống chính trị, vấn đề có tính then chốt là chất lượng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng phải thực sự là “đạo đức, văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, thể hiện ở các nội dung chính sau đây:
Thứ nhất, mục đích hoạt động của Đảng là lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Đó là sự nghiệp cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, làm cho dân tộc được độc lập, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc thực sự, đoàn kết hữu nghị với các dân tộc trên thế giới.
Thứ hai, Cương lĩnh, đường lối, chủ trương và mọi hoạt động thực tiễn của Đảng đều phải vì quyền lợi của Nhân dân là trên hết, trước hết. Đảng phải luôn luôn trung thành với lợi ích toàn dân tộc vì Đảng không có mục đích riêng; sự ra đời và phát triển của Đảng đều vì mục đích làm cho đất nước hùng cường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn thấm nhuần đạo đức cách mạng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, suốt đời phấn đấu cho lợi ích của dân, của nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, đảng viên càng phải là những người có lòng nhân ái, “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”; trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân; có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tinh thần quốc tế trong sáng. Người nhấn mạnh: “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”(1). Đó là Đảng của những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; những người mà: “Giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(2). Mặt khác, “Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề, nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”(3).
Yếu tố đạo đức cách mạng và yếu tố văn minh trong Đảng luôn luôn đi đôi với nhau. Xây dựng Đảng để thành một Đảng có đạo đức cũng đồng thời là xây dựng để trở thành một đảng văn minh. Một đảng văn minh thể hiện ở các đặc điểm cơ bản sau đây:
Một là, Đảng ra đời, tồn tại và phát triển phù hợp với quy luật phát triển văn minh, tiến bộ của dân tộc và của nhân loại.
Hai là, mọi hoạt động của Đảng đều xuất phát và theo xu thế phát triển của dân tộc, lấy lợi ích của dân tộc làm trọng; mọi hoạt động của Đảng đều phải phù hợp với quy luật vận động của xã hội Việt Nam, đồng thời góp phần tích cực tới sự phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại. Trong giai đoạn Đảng cầm quyền, cần đặc biệt chú trọng phòng, chống các biểu hiện tiêu cực để Đảng luôn là nhân tố tích cực, tiên phong cho sự phát triển bền vững đất nước.
Ba là, xây dựng Đảng văn minh còn thể hiện qua việc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không phải là tổ chức đứng trên dân tộc, mà là “đầy tớ” của Nhân dân: “Đảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động, trong đại gia đình vô sản quốc tế rực rỡ dưới ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lênin”(4).
Bốn là, Đảng văn minh còn thể hiện ở đội ngũ đảng viên, từ những đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước, các đoàn thể quần chúng, đặc biệt đối với những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt đến những đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải là những chiến sĩ tiên phong, gương mẫu trong công tác và cuộc sống hàng ngày.
Năm là, Đảng văn minh phải có quan hệ quốc tế trong sáng, hoạt động không những vì lợi ích của dân tộc Việt Nam mà còn vì độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác; vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển của các dân tộc trên thế giới.
Đảng không đạo đức, văn minh thì sẽ bị mất quyền lãnh đạo vì khi đó Đảng thể hiện là một tổ chức không trong sạch, vững mạnh, có một đội ngũ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân…”(5). Một đảng như thế đồng thời phải đạt được điều như V.I.Lênin mong muốn là: đảng phải là đảng của “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”(6).
Nhà nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang chuyển sang nhà nước phục vụ mọi nhu cầu của đời sống xã hội. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển chính phủ số, chính phủ điện tử, kinh tế số… trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, lấy người dân làm đối tượng phục vụ.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh hiện nay còn là tạo sự đồng thuận xã hội, tiếp tục xây dựng, củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để trở thành sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khát vọng mà Đảng ta xác định trong Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, một lần nữa khẳng định sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Mọi bước tiến để đạt được mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta chính là luôn nhấn mạnh, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là: làm cho ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, nghĩa là có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có cuộc sống tốt đẹp về vật chất lẫn tinh thần, không ai bị bỏ lại phía sau. Có thể khẳng định, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quy luật phát triển tất yếu, làm nên thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam ngày hôm nay, điều đó cho thấy sự trung thành và nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với xu thế phát triển của thời đại./.
-----------------------
Ghi chú:
(1),(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.50, tr.50.
(2),(5) Sđd, tập 15, tr.611-612, tr.672.
(4) Sđd, tập 12, tr.400.
(6) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 34, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.122.
GS.TS.NGƯT Mạch Quang Thắng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh