Kiểm tra công tác ứng dụng CNTT tại Bộ Tài chính

Thứ sáu, 30/09/2016 15:14

Sáng ngày 30/9, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra ứng dụng CNTT của Ban điều hành triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Tài chính. Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, các Cục, Vụ liên quan của Bộ TT&TT và Bộ Tài chính.

2016930-m13.JPG
Quang cảnh buổi làm việc
 
Tại buổi làm việc, đánh giá về tình hình ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc, ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Tin học hóa (đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT), cơ quan thường trực Ban điều hành triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước, cho rằng: Bộ Tài chính đã có sự quan tâm đặc biệt dành cho ứng dụng CNTT, hàng năm, Bộ Tài chính chi khoảng 1.500 tỷ đồng cho lĩnh vực CNTT. Sở dĩ như vậy vì ứng dụng CNTT đóng vai trò thiết yếu đối với các hoạt động của Bộ Tài chính như: Thuế, hải quan, chứng khoán, kho bạc… đồng thời những lĩnh vực này cũng có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Về công tác xây dựng văn bản, quy định, quy chế ứng dụng CNTT, Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 5 năm theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ TT&TT, đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử. Đồng thời, Bộ đã ban hành quy chế quản lý đầu tư ứng dụng CNTT cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Bộ Tài chính hiện đang sở hữu nhiều hệ thống thông tin lớn trên quy mô toàn quốc như thuế, hải quan, kho bạc… nên đã ban hành nhiều quy định, hướng dẫn về khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, an toàn thông tin.
 
Về tổ chức bộ máy và nhân lực liên quan đến ứng dụng CNTT, đơn vị chuyên trách CNTT chung của Bộ Tài chính là Cục Tin học thống kê, tại một số đơn vị Tổng cục đơn vị chuyên trách là Cục CNTT, tại một số Cục là Trung tâm tin học, tại các đơn vị cấp tỉnh (như Cục Thuế, Cục Hải quan) đơn vị chuyên trách là Trung tâm/Phòng, còn tại các đơn vị quận, huyện đều bố trí cán hộ tin học. Tổng cộng hiện nay, Bộ Tài chính có khoảng 460 cán bộ CNTT. Nhân lực CNTT tại địa phương từ cấp tỉnh xuống cấp huyện khoảng 1.142 cán bộ chuyên trách và 1.833 cán bộ kiêm nhiệm.
 
Hạ tầng ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính được đầu tư, triển khai tốt, quy mô rộng tới cấp quận, huyện tại toàn bộ 63 tỉnh, thành. Công tác đảm bảo an toàn thông tin được quan tâm, đầu tư bài bản. Hạ tầng kỹ thuật của Bộ và các đơn vị trực thuộc được trang bị, triển khai hệ thống tường lửa, phát hiện, phòng chống tấn công… Một số đơn vị như Kho bạc Nhà nước, Tổng cục thuế đã triển khai đồng bộ giải pháp bảo mật từ Trung ương đến địa phương.
 
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ Tài chính đã triển khai 372 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số 935 dịch vụ công do Bộ cung cấp. Cục Tin học hóa cũng cho biết, Bộ Tài chính là một trong những Bộ, ngành cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhất. Cụ thể, Hải quan cung cấp 73 dịch vụ công mức độ 4, từ năm 2014 đế nay tiếp nhận 17 triệu tờ khai. Ngành thuế cung cấp 7 dịch vụ công mức độ 4 với lượng hồ sơ khá lớn. Hơn 500.000 doanh nghiệp nộp thuế qua mạng với gần 2 triệu chứng từ…
 
Về triển khai các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu, Bộ Tài chính đã và đang triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trên quy mô toàn quốc, bao gồm: cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, Hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc TABMIS, Hệ thống thuế tích hợp, Hệ thống hỗ trợ khai thuế HTKK/iHTKT, Ứng dụng nộp thuế điện tử, Hệ thống thông quan điện tử VNNAC/VCIS… Hiện nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành với 541.000 doanh nghiệp sử dụng, chiếm 99,64% tổng số doanh nghiệp. Dịch vụ nộp thuế điện tử đã được triển khai trên toàn quốc với 95,31% doanh nghiệp sử dụng. Hệ thống thông quan điện tử VNNAC/VCIS đã được triển khai tại 100% cơ quan hải quan với hơn 76.000 doanh nghiệp tham gia.
 
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đề nghị Bộ TT&TT sớm sửa đổi Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và Quyết định 80/2014/QĐ-TTg về thuê dịch vụ CNTT để tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính trong việc đầu tư cho ứng dụng CNTT. Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh, cần coi các dự án CNTT là loại dự án đặc biệt, không thể có quy trình xét duyệt, triển khai tương tự như các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. “Cần có sự cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực này”, Thứ trưởng cho hay. Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng chỉ đạo Cục Tin học thống kê phối hợp với Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) phối hợp xây dựng định mức chi ngân sách cho CNTT trên tinh thần định mức cần phải thông thoáng, phù hợp với thực tiễn.
 
Ngoài ra, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ TT&TT cần sửa đổi, bổ sung Thông tư 25/2014/TT-BTTTT về triển khai các hệ thống thông tin có quy mô từ Trung ương tới địa phương, đề nghị Bộ TT&TT làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ về việc cấp chữ ký số chuyên dùng.
 
2016930-m12.JPG
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu kết luận buổi làm việc
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đánh giá Bộ Tài chính là bộ đi đầu trong ứng dụng CNTT một phần là do sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, một phần do sức ép, đòi hỏi từ xã hội yêu cầu ngành này phải ứng dụng mạnh CNTT, nếu không thì không thể đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu của ngành đối với xã hội. Liên quan đến Thông tư 25/2014/TT-BTTTT, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo Cục Tin học hóa rà soát tình hình tuân thủ Thông tư này của các Bộ, ngành, địa phương, những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư, từ đó tổng hợp các ý kiến để sửa đổi Thông tư.
 
Về vấn đề bản quyền MS Office, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị Bộ Tài chính trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo. Bộ TT&TT hoàn toàn ủng hộ Bộ Tài chính mua bản quyền phần mềm cho các đơn vị trực thuộc của Bộ này. Về đảm bảo an toàn thông tin, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh ngành Tài chính là ngành rất quan trọng, sở hữu nhiều hệ thống thông tin thiết yếu, cần đặc biệt quan tâm đến an toàn thông tin. Các khuyến nghị của Bộ TT&TT về đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin thường ở mức tối thiểu, còn mức tối đa tùy thuộc vào tầm quan trọng của hệ thống thông tin, khả năng tài chính của các Bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng cho biết./.
Giang Phạm
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top